Tháng 5, thị trường chứng khoán nghiêng về xu hướng tăng điểm

Tháng 5, thị trường chứng khoán nghiêng về xu hướng tăng điểm

(ĐTCK)  3 năm trở lại đây, tháng 5 thường là thời gian TTCK có những diễn biến kém lạc quan, khi điểm số và thanh khoản đều giảm sút. Tuy nhiên, việc VN-Index vượt qua mốc 600 điểm trong phiên ngày 5/5 đang gieo hy vọng về sức bật mới của thị trường trong tháng 5/2016.

Theo thống kê của CTCK Vietinbank (VietinbankSC), trong 15 năm qua, thị trường có 6 lần tăng điểm và 9 lần giảm điểm vào tháng 5, tuy nhiên mức tăng bình quân vẫn dương 0,9%/năm. Riêng tháng 5/2015, thị trường ghi nhận mức tăng điểm 5,5%. Nhìn nhận về xu hướng thị trường trong tháng 5/2016, ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSC cho rằng, TTCK đang nghiêng về xu hướng tăng điểm.

Theo đó, sau quá trình tích lũy và vượt ngưỡng 580 điểm, VN-Index đã thoát khỏi đường xu hướng giảm bắt đầu từ cuối tháng 7/2015 và đang tích lũy vững chắc trên mốc 590 điểm. Tâm lý thị trường nhìn chung khá tích cực theo sau các cam kết cải thiện môi trường đầu tư trong cuộc họp diễn ra vào cuối tuần trước giữa Chính phủ và cộng đồng DN. Điều này thể hiện qua khối lượng giao dịch tốt lên, cũng như khối ngoại trở lại mua ròng liên tiếp trong các phiên gần đây.

“Thị trường đã có phiên tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ dài vừa qua, đây có thể coi là tín hiệu lạc quan cho thấy nền tảng giá hiện tại khá vững chắc và tác động của áp lực bán xuất hiện là chưa đáng lo ngại. Do đó, nhà đầu tư có quyền lạc quan về diễn biến thị trường trong tháng 5”, ông Đức nói.

Một trong những yếu tố có thể giúp thị trường duy trì ở trạng thái tích cực, theo ông Đức, đó là thông tin các ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay. Sau chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, 3 ngân hàng lớn là BIDV, Vietinbank và Vietcombank đồng loạt hạ lãi suất cho vay, điều này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho các DN trong sản xuất - kinh doanh.

"Hiện tại, tác động của áp lực bán xuất hiện là chưa đáng lo ngại. Do đó, nhà đầu tư có quyền lạc quan về diễn biến thị trường trong tháng 5" - Tổng giám đốc VietinbankSC Khổng Phan Đức.

Yếu tố thứ hai đang hỗ trợ thị trường là thông điệp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thúc đẩy nâng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam năm 2020 sẽ tương đương 70% GDP và tỷ lệ này của thị trường trái phiếu chính phủ là 30% (cuối năm 2015, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu là gần 35% GDP, quy mô vốn hóa thị trường trái phiếu khoảng 24% GDP).

Điều này nhằm đảm bảo quy mô tín dụng cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thông điệp này được đánh giá là một điểm sáng cho TTCK Việt Nam, tạo điều kiện thu hút dòng vốn ngoại.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 4/2015 của Việt Nam đạt 52,3 điểm, cao nhất trong 3 quý gần đây, cùng với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á… đang tiếp tục hỗ trợ và củng cố tâm lý thị trường.

Nhìn nhận diễn biến TTCK tháng 5 tương đối lạc quan, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI) cho rằng, TTCK tháng 5/2016 có những yếu tố tác động và sự kiện hỗ trợ tích cực hơn mọi năm.

Thứ nhất, thị trường chung mặc dù có diễn biến tích cực, nhưng chưa tăng mạnh vào 4 tháng đầu năm nay (vẫn ở ngưỡng dưới 600 điểm), nên sẽ có cơ hội bứt phá ở những tháng tiếp theo.

Thứ hai, lợi nhuận của các DN niêm yết quý I/2016 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái (trừ nhóm cổ phiếu dầu khí), với kết quả kinh doanh ấn tượng của nhóm cổ phiếu lớn như VNM, BMP, VIC, HSG… và dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II.

Thứ ba, sự thay đổi lãnh đạo cấp cao diễn ra sớm hơn đã tạo tâm lý lạc quan với kỳ vọng những chính sách mới sẽ hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam phát triển và tăng trưởng bền vững hơn.

Thứ tư, sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến thăm Việt Nam trong tháng 5 năm nay cũng tạo cho nhà đầu tư thêm hứng khởi và lạc quan trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng vào sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam và tiếp tục mua ròng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt cho rằng, trong nhiều trường hợp, thị trường vẫn tăng điểm trong sự “nghi ngờ” và thời điểm hiện tại, TTCK đang có những diễn biến tương tự.

Theo ông Dũng, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ sẽ vẫn là yếu tố quan trọng hỗ trợ sức tăng của thị trường, thông qua những cải cách chính sách, hoàn thiện thể chế, hay thực hiện các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa TTCK Việt Nam và thế giới.

Nhà đầu tư chờ đợi Chính phủ sẽ sớm giải quyết những nút thắt trên TTCK như nới room, gỡ nút thắt dòng tiền và nâng hạng TTCK Việt Nam để TTCK xác lập xu hướng tăng vững chắc hơn.  

Tin bài liên quan