Thang máy chung cư hỏng, gây tai nạn chết người: UBND TP. Hà Nội nói gì?

Thang máy chung cư hỏng, gây tai nạn chết người: UBND TP. Hà Nội nói gì?

(ĐTCK) Sự cố thang máy hỏng tới vài tháng không được sửa chữa, sau đó một bảo vệ do bất cẩn trượt chân trong thang máy tử vong tại chung cư N5A Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội) khiến nhiều người lo lắng. Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã trao đổi với báo giới về trách nhiệm của các cơ quan trong vụ việc nghiêm trọng này.

Ông có thể cho biết, UBND TP. Hà Nội đã làm gì sau sự việc đáng tiếc trên?

UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổng kiểm tra toàn bộ thang máy đang vận hành tại các tòa nhà chung cư tại thủ đô, đặc biệt là các tòa nhà tái định cư, nhằm phát hiện kịp thời sự cố hỏng hóc, tránh tai nạn đáng tiếc như vừa qua. Đồng thời, giao Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra theo quy định thu chi của Thành phố về quỹ bảo trì nhà ở của các tòa nhà. Chúng tôi cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nhà Hà Nội báo cáo chi tiết về vụ việc.

Vậy ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trong sự cố vừa rồi?

Theo báo cáo của Sở Xây dựng và Công ty quản lý nhà, thang máy của tòa nhà bị sự cố, nhưng bà con trong khu chung cư và bảo vệ tòa nhà không báo cho Công ty, mà tự ý mở thang máy, thuê người đến sửa chữa, do bất cẩn gây hậu quả đáng tiếc. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra báo cáo UBND Thành phố xử lý theo quy định.

Ông có thể cho biết, các cơ quan của Thành phố có chức năng gì trong việc vận hành các tòa nhà chung cư trên địa bàn?

Hiện nay, Thành phố quy định mỗi ngành có chức năng riêng. Sở Xây dựng quản lý chung, Sở Tài chính phối hợp quản lý về tài chính, quỹ bảo trì các tòa nhà.

Thực tế cho thấy, nhiều chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa, bảo dưỡng. Trong khi theo thống kê, quỹ bảo trì lên tới 45 tỷ đồng, tương đương với 2% giá nhà của 150 khu chung cư tái định cư. Ông thấy sao về vấn đề này?

Thành phố đã có Quyết định 19/2013 về vấn đề này. Sau khi xảy ra sự cố trên, Thành phố đã cho tổng kiểm tra toàn bộ quỹ bảo trì và yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 20/7 này.

Số tiền quỹ bảo trì đang nằm ở đâu, thưa ông?

Theo Quyết định 19, Sở Tài chính quản lý số tiền trên và hiện kho bạc là cơ quan đang giữ số tiền đó. Việc này chúng tôi đã cho kiểm tra và sẽ có báo cáo cụ thể.

Theo Công ty TNHH quản lý nhà, trong số 45 tỷ đồng, 20 tỷ đồng do kho bạc quản lý, 25 tỷ do Công ty quản lý. Số tiền do Công ty quản lý chỉ được chuyển cho các chung cư để sử dụng khi có ban quản trị, trong khi hiện mới chỉ có 11 khu đô thị có ban quản trị? Tại sao lại có sự chậm trễ này, thưa ông?

Sự chậm trễ trong thành lập ban quản trị các khu chung cư do nhiều nguyên nhân khác nhau, một phần do bất cập trong các quy định có liên quan đến pháp luật về nhà ở.

Tiền không chuyển cho các khu chung cư nhưng hỏng hóc về thang máy, hệ thống cứu hỏa, thoát hiểm… lại không được sửa chữa, vậy nguyên nhân do đâu?

Thành phố đang chỉ đạo kiểm tra quyết liệt, Sở Xây dựng được phân công sẽ kiểm tra và có báo cáo kết quả cụ thể.

Ông có thể cho biết, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý về lĩnh vực nhà ở trên địa bàn thành phố?

Hiện nay, Sở Xây dựng là cơ quan quản lý.

Vậy đơn vị nào quản lý Công ty TNHH Một thành viên Quản lý nhà?

Trách nhiệm quản lý nhà nước là Sở Xây dựng.

Tin bài liên quan