Thành phố Thủ Đức: Đi đầu để... về đâu? - Bài 2 - Chật chội trong “chiếc áo” quận, huyện

0:00 / 0:00
0:00
Thủ Đức là đơn vị đi đầu trong mô hình “thành phố trong thành phố” với nhiều cơ hội, nhưng đến giờ, ngoài tên thành phố, thẩm quyền của “thành phố trong thành phố” này vẫn ở cấp quận, huyện.
TP. Thủ Đức hiện chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy hiệu quả chính quyền “thành phố thuộc thành phố”. Ảnh: Lê Toàn

TP. Thủ Đức hiện chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy hiệu quả chính quyền “thành phố thuộc thành phố”. Ảnh: Lê Toàn

Bài 2: Chật chội trong “chiếc áo” quận, huyện

Thủ Đức là đơn vị đi đầu trong mô hình “thành phố trong thành phố” với nhiều cơ hội, nhưng đến giờ, ngoài tên thành phố, thẩm quyền của “thành phố trong thành phố” này vẫn ở cấp quận, huyện.

Vỏ thành phố, ruột… quận

Ngày 1/1/2021, đúng một tháng trước Tết Tân Sửu 2021, TP. Thủ Đức chính thức ra đời, sớm hơn 16 ngày so với kế hoạch ban đầu. Cả bộ máy của thành phố mới chạy đua với thời gian để kiện toàn, kịp thời tiến hành cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021.

Khi đó, TP. Thủ Đức đi vào hoạt động trong bối cảnh con dấu mới còn chưa kịp hoàn thiện, chưa có cơ chế phân cấp và toàn bộ nhân sự được quy hoạch lại thành một bộ máy mới toanh. Nhưng, trong báo cáo mới đây gửi UBND TP.HCM, khi đánh giá thành quả của TP. Thủ Đức sau gần 3 năm thành lập, ổn định bộ máy tổ chức được xem là điểm nhấn đầu tiên được Sở Nội vụ TP.HCM đề cập.

Trong đó, với sự ra đời của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ nhà đất, hoạt động thực hiện thủ tục hồ sơ nhà đất vừa đi vào hoạt động tháng 1/2023. Thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn từ 10 ngày xuống 5 ngày làm việc.

Bộ phận này vừa là đầu mối tiếp nhận chuyển hồ sơ thủ tục hành chính đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền, vừa liên kết giữa Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức với Chi cục Thuế, kho bạc và các ngân hàng, qua đó giảm số lần đi lại của người dân khi làm thủ tục.

Đây được xem là một nỗ lực rất lớn của TP. Thủ Đức trong cải cách thủ tục hành chính. Bởi chỉ tính riêng lĩnh vực hồ sơ về đất đai, đã có khoảng 130.000 hồ sơ, chiếm 30% lượng hồ sơ của TP.HCM.

Theo báo cáo của UBND TP. Thủ Đức, trong năm 2022, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã giải quyết 141.116 hồ sơ, trong đó trên 71.000 hồ sơ đúng hạn, đạt tỷ lệ là 80,8% hồ sơ cần giải quyết. Nguyên nhân của số hồ sơ bị chậm là nguồn nhân lực được bố trí không đáp ứng yêu cầu công việc.

Điểm sáng thứ hai, TP. Thủ Đức được tăng quyền nhiều hơn. Tháng 9/2022, UBND TP. Thủ Đức được UBND TP.HCM ủy quyền trên 4 lĩnh vực xây dựng - môi trường - đô thị; kinh tế - ngân sách - dự án; tư pháp; văn hóa - giáo dục - thông tin - xã hội - khoa học.

Tuy vậy, những quyền hạn này chỉ nằm trong mức cho phép nhằm giải quyết những vấn đề nhỏ tại địa phương, còn thẩm quyền của TP. Thủ Đức chỉ ngang cấp quận, huyện. Mô hình tổ chức và các chức năng nhiệm vụ của Thành phố về cơ bản vẫn là một đơn vị hành chính cấp huyện của TP.HCM.

Báo cáo đánh giá tác động của cơ chế chính sách trong Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập cuối tháng 3/2023 đã nhấn mạnh điểm này.

Trước khi có Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, cơ chế phân cấp, ủy quyền tổ chức chính quyền đô thị về cơ bản chỉ là quy định chung: HĐND, UBND phường, quận, TP. Thủ Đức và TP.HCM thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do vậy, thực tế, cơ chế phân cấp ủy quyền thời gian qua chủ yếu vẫn theo Nghị định số 93/2002/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM và Nghị quyết 54/2017/QH14 quy định thí về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Hiện nay, dù Nghị định số 33/2021/NĐ-CP đã có một số quy định về phân cấp, ủy quyền chung cho thành phố, nhưng chưa có quy định cụ thể về việc phân cấp ủy quyền giữa TP.HCM và TP. Thủ Đức, nên phát sinh nhiều khó khăn. Trong đó, việc triển khai các nội dung phân cấp, ủy quyền giữa Thành phố và TP. Thủ Đức là vấn đề mới chưa có tiền lệ, nên phải thực hiện thận trọng nghiên cứu kỹ đảm bảo quy trình và thẩm quyền.

Trong hội thảo về TP. Thủ Đức mới đây, ông Trịnh Xuân Thắng (Học viện Chính trị khu vực IV) nhìn nhận, điểm khác biệt lớn nhất của TP. Thủ Đức so với các quận, huyện khác là được tổ chức HĐND, thành lập thêm Phòng Khoa học và Công nghệ và tăng số lượng phó trưởng phòng của cơ quan chuyên môn trực thuộc lên tối đa 3 người (các quận, huyện khác chỉ được 2 người).

Tuy nhiên, TP. Thủ Đức hiện chỉ có thẩm quyền ngang quận, huyện, chưa phát huy hiệu quả chính quyền “thành phố thuộc thành phố”, bởi việc phân cấp, phân quyền từ TP.HCM cho TP. Thủ Đức còn hạn chế. TP.HCM chưa thực hiện việc phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức về các lĩnh vực: thẩm quyền cấp phép đầu tư; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, chế độ chính sách của cán bộ, công chức... Vậy nên, hiện TP. Thủ Đức vẫn phải thực hiện theo thẩm quyền quận, huyện được quy định trong các văn bản của Trung ương.

Ngoài ra, TP.HCM vẫn chưa phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức quản lý trực tiếp 3 định chế trọng tâm: Khu đại học quốc gia, Khu công nghệ cao, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm (khi được thành lập), nên chưa phát huy thế mạnh của “kiềng 3 chân: tri thức, khoa học - công nghệ và tài chính” như mục đích ban đầu đặt ra.

Doanh nghiệp chịu khổ

Trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) trên địa bàn TP.HCM năm 2022 vừa được công bố, TP. Thủ Đức xếp cuối bảng. Đây cũng là đơn vị hành chính cấp quận duy nhất của TP.HCM có điểm số đánh giá dưới 50 trên thang điểm 100.

Đi sâu vào các chỉ số thành phần, Thủ Đức xếp cuối về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; cạnh tranh bình đẳng; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của chính quyền địa phương. Địa phương này cũng nằm trong số 6 quận, huyện xếp cuối bảng về các chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin; khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; hỗ trợ doanh nghiệp; vai trò của người đứng đầu.

Tuy nhiên, việc TP. Thủ Đức đứng cuối bảng trong chỉ số cải cách hành chính là điều không quá khó hiểu, bởi sau gần 3 năm thành lập TP. Thủ Đức, nhiều doanh nghiệp rất bức xúc về tình trạng chậm giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Điệp, Phó giám đốc Công ty VCAC kể, doanh nghiệp có lô đất đang làm kho bãi tại TP. Thủ Đức, do có sự thay đổi về diện tích và chủ sở hữu, nên phải làm lại thủ tục kê khai và nộp thuế đất phi nông nghiệp. Trước khi có TP. Thủ Đức, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại quận Thủ Đức cũ. Sau đó, cơ quan này sẽ xác nhận diện tích, vị trí khu đất, hạn mức để tính thuế và chuyển hồ sơ lên cơ quan thuế. Khi có thông báo thuế, doanh nghiệp sẽ đi đóng thuế, rồi cầm biên lai nộp lại cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai.

Tuy nhiên, kể từ khi thành lập TP. Thủ Đức, doanh nghiệp phải đi lòng vòng qua nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian. Đầu tiên là phải đến UBND phường (nơi có đất chịu thuế) để làm xác nhận các căn cứ tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và phải mất 3 ngày làm việc mới có kết quả. Sau đó, doanh nghiệp tiếp tục phải đi khai thuế đất phi nông nghiệp tại Chi cục Thuế TP. Thủ Đức và đợi kết quả thông báo đóng thuế mất thêm 6 ngày làm việc nữa.

Chưa hết, khi đóng xong thuế đất phi nông nghiệp, doanh nghiệp mới cầm biên lai đóng thuế nộp lên Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức cùng với hồ sơ đăng bộ và phải chờ thêm 15 ngày làm việc nữa.

“Như vậy, chỉ tính riêng việc đi làm các thủ tục để nộp thuế đất phi nông nghiệp, doanh nghiệp mất gần cả tháng trời (gấp 2-3 lần so với thời gian thực hiện tại các quận nội thành khác - PV), khiến họ mất chi phí cơ hội và tốn rất nhiều công sức đi làm hồ sơ. Tưởng rằng, khi thành lập TP. Thủ Đức, mọi thứ sẽ thuận lợi, nhưng thực chất lại khó khăn gấp ngàn lần so với trước đây”, ông Điệp bức xúc chia sẻ.

Với việc xin cấp phép xây dựng công trình phụ trợ của các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), doanh nghiệp cũng vất vả không kém, thường phải chờ hàng năm. Bà Hồ Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp SHTP kể, một số doanh nghiệp trong SHTP có nhu cầu xây dựng thêm các công trình phụ trợ như kios, mái che, khu vực để xe, nhà vệ sinh, nhà chuyển tiếp chất thải công nghiệp..., để đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người lao động, thì phải chờ điều chỉnh quy hoạch và chờ cấp phép kéo dài đến… 2 năm.

Trong khi đó, trước đây, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý SHTP, chỉ mất từ 3 đến 6 tháng. Nhưng nay thẩm quyền phê duyệt do TP. Thủ Đức thực hiện, thì thời gian kéo dài đến 2 năm, dài gấp 4 lần so với trước đây. “Thủ tục hành chính kéo dài, phải qua nhiều quy trình, cơ quan khác nhau dẫn tới mất thời gian, tăng chi phí gián tiếp, đồng thời làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp”, bà Hồ Uyên bức xúc.

Vấn đề này đã được bà Hồ Uyên phản ánh trực tiếp đến Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp vào tháng 8/2022, song đến nay mọi thứ vẫn chưa có chuyển biến.

Ngay cả việc kiến nghị thành lập lại cơ chế một cửa tại SHTP để giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đến nay cũng chưa được thực hiện.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 tại TP. Thủ Đức đạt gần 10.700 tỷ đồng và năm 2022 gần 20.100 tỷ đồng - cao hơn số thu của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm đều trên 93%.

TP. Thủ Đức đã xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh IOC, triển khai thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của lãnh đạo thành phố… Đây là một trong những kết quả lớn nhất của TP. Thủ Đức sau 3 năm thành lập.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan