Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện rất nhỏ, chỉ khoảng 1% mức chi tiêu của người dân

Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện rất nhỏ, chỉ khoảng 1% mức chi tiêu của người dân

Thanh toán điện tử, ngày mai sắp diễn ra

(ĐTCK) Tại Việt Nam, sự chuyển dịch từ thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử có thể chỉ trong thời gian ngắn.

Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 “Mobile Payment - Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt” trở thành “điểm nóng” với sự có mặt của Jack Ma - ông chủ Alibaba. Tuy nhiên, điều đó chỉ là một sự cộng hưởng tạo chú ý cho một sự dịch chuyển đang diễn ra, dù chưa thật ồn ào, đó là các phương tiện và nền tảng thanh toán mới đang xuất hiện và bước đầu được tiếp nhận tại Việt Nam.

Nói là sự cộng hưởng vì, bản thân Jack Ma, người trở thành tỷ phú nổi tiếng ở châu Á và thế giới là một điển hình cho thành công trong lĩnh vực thanh toán điện tử với công cụ AliPay. Tại Diễn đàn, Jack Ma đã nhấn khá mạnh vào thông điệp này khi cho rằng, ông “khá ấn tượng” khi thấy rất nhiều bạn trẻ có tiền, nhưng thay vì cho tiền vào thẻ, họ lại đang đựng rất nhiều tiền trong ví.

“Điều này sẽ rất rủi ro, bởi giữ tiền trong ví sẽ là cơ hội của lừa đảo, các vụ móc tiền, thậm chí tham nhũng”, ông Jack Ma nói.

Câu nói trên không mới, và chính xác, vấn đề là làm sao để thay đổi điều này tại Việt Nam?

Theo ông Trần Thành Nam, Tổng giám đốc MoCa cho biết, các thống kê về thị trường thẻ ngân hàng, tổng doanh số thanh toán thẻ chỉ chiếm khoảng 6% chi tiêu của người dân.

Có tới 6 trong 7 giao dịch với thẻ ngân hàng là ở máy ATM, mà chủ yếu là để rút tiền mặt. Số máy POS vẫn còn ít, với khoảng 300.000 máy trên tổng 65 triệu người lớn (15-64 tuổi). Trong khi đó, thương mại điện tử Việt Nam còn ở quy mô rất nhỏ (chỉ khoảng trên dưới 1% mức chi tiêu của người dân) và phần lớn các giao dịch được thanh toán bằng hình thức COD (giao hàng thu tiền).

Thanh toán điện tử, ngày mai sắp diễn ra ảnh 1

 Chủ tịch Alibaba Jack Ma trao đổi tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017.

Điều này đối nghịch với tỷ lệ sử dụng internet, nền tảng của thanh toán điện tử tại Việt Nam. Theo thống kê, đang có hơn 50% dân số Việt Nam sử dụng Internet và khoảng 54% dùng điện thoại di động, thì rõ ràng Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ, là cơ hội rất lớn để phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt.

Cơ hội này được ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT MoMo cho rằng, thanh toán điện tử đang khá thuận lợi để phát triển bởi có nhiều hướng tiếp cận: Cần vay các khoản tiền nhỏ để phục vụ sản xuất-kinh doanh và nhu cầu thiết yếu; tìm kiếm một mô hình tiết kiệm vi mô (microsavings) để dành dụm cho tương lai; mua các loại bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, nông nghiệp, phi nhân thọ; thanh toán các dịch vụ công (nộp phí, lệ phí, nộp phạt…); nhận tiền nhanh các khoản vay hoặc các khoản hỗ trợ của chính phủ; thanh toán trả góp các khoản vay hàng tháng...

Ông Diệp cho rằng, nếu các quá trình trên được thúc đẩy từ cấp vĩ mô đến bản thân doanh nghiệp và người dùng thì thanh toán điện tử còn tạo một kết quả rất lớn, đó là nhanh chóng nâng cao mức độ tiếp cận của người dân tới các dịch vụ tài chính, hiện còn khá hạn chế.

“Nếu coi đó là chính sách quốc gia, các bên cần có ứng xử phù hợp để các công ty fintech (cụ thể là thanh toán di động - PV) phát triển. Việc này cần sự hợp tác của các bên liên quan: Chính quyền, các tổ chức tài chính và công ty fintech (cung cấp dịch vụ thanh toán di động)”, ông Diệp nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm thúc đẩy thanh toán điện tử tại Trung Quốc, ông chủ Alibaba cho rằng, trở ngại lớn nhất để phát triển thanh toán di động không phải từ công nghệ, mà là từ tâm lý người dùng.

Gợi ý một triết lý tăng niềm tin với người dùng được người đứng đầu Alibaba chia sẻ phương pháp: “Các bạn mất tiền là tôi sẽ đền lại”. Đây cũng là triết lý, cam kết mà ông chủ Alibaba đưa ra cho khách hàng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp.

“Nếu quý vị mất 1 USD thì tôi sẽ đền 1 USD, mất 1 triệu USD sẽ đền 1 triệu USD. Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ mọi việc đều đang rất khả quan, hứa hẹn, nên cần động viên để các doanh nghiệp làm được”, ông Jack Ma nói.

Chủ tịch Alibaba nhấn mạnh tới tính bảo mật của hệ thống thông tin, dịch vụ: “Chúng tôi quan tâm tới bảo mật còn hơn Chính phủ. Vì khi có trục trặc người 'chết' đầu tiên, ảnh hưởng đầu tiên chính là doanh nghiệp chúng tôi”.

“Bảo mật là yếu tố quan trong nhất trong những ngày đầu AliPay xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ. Kể cả khi dịch vụ đã phát triển ở mức cao hơn thì bảo mật, an toàn vẫn là nhân tố hàng đầu chúng tôi hướng tới. Trong bối cảnh mới với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo thì ứng dụng ngay vào nền tảng phát triển dịch vụ để người tiêu dùng được hưởng lợi”, ông Eric Jing, CEO Ant
Financial Services (Công ty mẹ của AliPay) nói tại Diễn đàn.

Điểm tích cực tại Diễn đàn được ghi nhận từ phía Chính phủ khi ông Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng nói: “Cái gì cần thử nghiệm cần mạnh dạn đề xuất, Chính phủ sẽ xem xét để có thể có những bước đi tích cực, vững chắc trước khi hoàn thiện các thành phần trong hệ sinh thái thanh toán”.

Tin bài liên quan