Tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, có những thứ tốt hơn miễn giảm thuế

Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển.
Tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, có những thứ tốt hơn miễn giảm thuế

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, những dự án đầu tư có tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định tối đa 60 ngày; gia hạn thời hạn nộp thuế tối đa 2 năm đối với dự án bị ngân sách chậm thanh toán; bổ sung ưu đãi thuế thu nhập DN đối với DN trong khu công nghiệp thuộc các thành phố, quận mới được thành lập; cho phép DN được trừ vào chi phí tính thuế đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ khống chế chi tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng, không thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng trong casino; xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 đối với DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp thuế trong năm 2014.

Cộng đồng DN mong chờ các chính sách trên sớm được thực hiện để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, thực tế 2 lần thực hiện một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn trước đây (Nghị quyết 08/2011/QH13 và Nghị quyết 29/2012/QH13) đã cho thấy, những hỗ trợ này chỉ mang tính chất tình thế và chưa tháo gỡ cơ bản những khó khăn mà DN liên tục phải đối mặt.

Do vậy, điều mà DN cần nhất lúc này không phải là những chính sách tháo gỡ khó khăn tạm thời, mà phải tháo gỡ căn bản những cơ chế, chính sách, quy định đang khiến DN phải mất hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm do phải thực hiện hàng chục thủ tục rườm rà, nhiêu khê khi thực hiện thủ tục hành chính thuế và hải quan theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh.

Hiện tại, bình quân 1 DN mất tới 872 giờ/năm để thực hiện các thủ tục về thuế (bao gồm cả thủ tục về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp), với 32 lần nộp thuế. Còn để xuất hoặc nhập khẩu 1 container, DN phải mất chi phí 600 - 610 USD, với 5 - 8 loại chứng từ và 21 ngày chờ đợi.

Các chuyên gia kinh tế đã tính toán, giảm được 1 ngày xuất hoặc nhập khẩu sẽ tiết kiệm được 08 - 0,9% tổng kim ngạch. Với kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay ước đạt 290 - 300 tỷ USD, thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam nếu bằng các nước ASEAN-6 (xuất khẩu 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày), thì nền kinh tế sẽ tiết kiệm được tới 40 tỷ USD.

Tương tự, cả nước hiện có khoảng 400.000 DN đang hoạt động, nếu thời gian làm thủ tục hành chính thuế của Việt Nam bằng với mức bình quân của các nước ASEAN-6 (171 giờ/năm), thì mỗi năm, cộng động DN tiết kiệm được ít nhất 280 triệu giờ, tương đương hơn 7.000 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền nêu trên, nếu không mất đi một cách vô ích, thì DN sẽ dùng phần lớn để đầu tư, mở rộng hoạt động, tạo thêm việc làm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó góp phần tăng thu bền vững cho ngân sách. Số tiền còn lại sau khi đầu tư sẽ được chia cổ tức, nâng thu nhập cho người lao động, qua đó góp phần thúc đẩy sức cầu của thị trường trong nước, tạo động lực phát triển sản xuất - kinh doanh trong nước.

Đáng mừng là, Bộ Tài chính không chỉ nhìn ra sự lãng phí nguồn lực do thủ tục hành chính thuế, hải quan, mà còn có động thái hết sức mạnh mẽ trong triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP với mục tiêu đặt ra hết sức rõ ràng: sau năm 2015, thời gian làm thủ tục thuế và hải quan của Việt Nam phải bằng với các nước ASEAN-6.

Thực tế, ngoài kiến nghị một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của DN nêu trên, BTC đã bắt tay vào việc đơn giản hóa hàng chục biểu mẫu, tờ khai, nội dung của tờ khai các loại thuế, giúp DN tiết kiệm được 201 giờ mỗi năm. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn tính đến phương án đề nghị Chính phủ cho phép DN có tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ từ 50 tỷ đồng trở xuống (hiện tại là 20 tỷ đồng) được nộp thuế giá trị gia tăng theo quý.

Nếu đề xuất đó được Chính phủ chấp thuận, sẽ có 96% số DN giảm được đáng kể thời gian kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, do chỉ phải kê khai, nộp thuế 4 lần/năm, thay vì 12 lần/năm như hiện nay.

Hy vọng, những giải pháp căn cơ nêu trên sớm được thực hiện để thực sự góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.                

Tin bài liên quan