Thập kỷ thăng trầm của nhiều doanh nhân tên tuổi

Thập kỷ thăng trầm của nhiều doanh nhân tên tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 vừa khép lại với nhiều biến động của nền kinh tế. Đó cũng là giai đoạn đầy thăng trầm của các doanh nhân.

Cú sốc của cựu Chủ tịch Cotteccons

Năm 2020 là một năm đáng buồn trong cuộc đời kinh doanh của ông Nguyễn Bá Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons.

Vị doanh nhân sinh năm 1959 tại Nam Định này là người sáng lập Coteccons và được đánh giá là có công lớn trong việc đưa Coteccons từ một công ty xây dựng nhỏ bé, với gần 100 cán bộ nhân viên, vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng vào năm 2004 lên thành công ty xây dựng có tên tuổi hàng đầu trên thị trường.

Liên tục ghi dấu ấn đậm nét ở những công trình lớn, Coteccons vươn lên vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam từ năm 2013. Công ty đã hoàn thành hơn 500 công trình trải dài khắp mọi miền đất nước, từ các khu phức hợp, resort, khách sạn, chung cư cao cấp cho đến trường học, bệnh viện, nhà xưởng, dự án hạ tầng.

Đặc biệt, Coteccons đã vượt qua các nhà thầu nước ngoài như Lotte, Sang Yong để trở thành nhà thầu chính tòa nhà Landmark81 cao thứ 10 thế giới và cao nhất Việt Nam.

Năm 2012, Coteccons có sự tham gia của cổ đông ngoại Kusto Group (nắm 25%), đến năm 2018 tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ của nhóm này nâng lên hơn 36% và từ đây, mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông ngoại mà đại diện là Kusto và nhóm cổ đông nội xảy ra khi không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm vào quý III/2020, với kết cục là ông Nguyễn Bá Dương chấp nhận rút khỏi Hội đồng quản trị Coteccons và bán bớt cổ phần, không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp.

Trong bức thư gửi cán bộ công nhân viên Coteccons như một lời chia tay, ông Nguyễn Bá Dương viết: “Không ai tắm hai lần trên một khúc sông, câu nói của triết gia cổ đại Hy Lạp Heraclitus nhấn mạnh rằng vạn vật trong vũ trụ luôn thay đổi không ngừng. Bản thân mỗi người chúng ta cũng vậy. Ta của mỗi ngày, mỗi phút trôi qua đều khác với ta trong quá khứ. Tôi cũng như các bạn, cũng có cảm giác chần chừ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn, đôi lúc không dám chấp nhận rủi ro… Nhưng nếu không đương đầu với thách thức thì không thể lớn lên được. Mỗi lần vấp ngã là một lần chúng ta học được cách làm sao để đi nhanh hơn”.

Bầu Đức “bán con”

Nếu như ông Nguyễn Bá Dương phải rời bỏ doanh nghiệp mình gây dựng suốt 18 năm thì ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã chấp nhận bán Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco với những lý lẽ riêng.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thành lập HAGL Agrico vào năm 2010 với định hướng đây sẽ là doanh nghiệp phụ trách toàn bộ mảng nông nghiệp của Tập đoàn. Sau một thập kỷ thăng trầm, Hoàng Anh Gia Lai từ bỏ vai trò quyền kiểm soát HAGL Agrico khi công ty này chính thức về tay Thaco. Từ ngày 8/1/2021, ông Trần Bá Dương là Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Agrico, ông Đoàn Nguyên Đức là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị.

HAGL Agrico chủ yếu tập trung trồng các loại cây cao su, cây cọ dầu với tổng diện tích 85.000 ha ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, do giá cao su giảm mạnh, Công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Tổng nợ đến ngày 3/8/2018 là 18.414 tỷ đồng.

Để cứu HAGL Agrico, ông Đoàn Nguyên Đức đã mời Thaco vào làm nhà đầu tư chiến lược, tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp.

Hai năm kể từ khi có sự tham gia của Thaco, HAGL Agrico đã bắt đầu hồi sinh, thoát khỏi bờ vực phá sản, tuy nhiên vẫn khó khăn đối với việc trả các khoản nợ (nợ Thagrico 5.994 tỷ đồng, nợ ngân hàng 5.700 tỷ đồng, nợ HAGL 2.187 tỷ đồng, nợ nhà cung cấp, nợ nhân viên…). Tổng các khoản nợ phải trả tính đến ngày 31/11/2020 là 16.078 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 8/1/2021 của HAGL Agrico đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 7.414 tỷ đồng (trong đó hơn 5.000 tỷ đồng là hoán đổi nợ, còn lại là bổ sung vốn), thông qua phát hành thêm 741.446.105 cổ phiếu cho Công ty Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đợt phát hành này, Tập đoàn Thaco và gia đình ông Trần Bá Dương sở hữu 63,08% cổ phần; HAGL Group nắm 26,82% cổ phần; các cổ đông khác là 10,1%. Từ đây, ông Trần Bá Dương là người cầm lái HNG mà theo “bầu” Đức, điều này có lợi cho HNG, bởi ông Dương có trong tay nhiều lợi thế.

Ông Đoàn Nguyên Đức là doanh nhân nổi tiếng, từng chiếm vị trí người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2011, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Nhưng việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt kể từ khi giá cao su lao dốc khiến sự nghiệp kinh doanh của ông Đức đi xuống.

Chia sẻ tại lễ chuyển giao vị trí Chủ tịch của HAGL Agrico, ông Đức cho biết, do Công ty Hoàng Anh Gia Lai khó khăn, còn nợ ngân hàng nên không thể tiếp tục đồng hành cùng HAGL Agrico, dù cá nhân ông rất muốn.

Ông Vũ Hoa Sen quy y cửa Phật

Chuyện của ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lại hoàn toàn khác.

Tháng 7/2020, ông đã làm lễ quy y tại chùa Viên Minh sau nhiều năm tìm hiểu về Phật pháp. Trước đó, từ năm 2019, giữa bối cảnh kinh doanh của HSG đi xuống, ông chủ Lê Phước Vũ đã lên núi tĩnh dưỡng.

Năm qua, Hoa Sen cũng chính thức rút khỏi dự án Cà Ná tại Ninh Thuận sau 4 năm theo đuổi. Dự án mà tập đoàn này dành nhiều tâm huyết, kỳ vọng, nhưng không thực hiện được.

Ông Vũ từng cho biết, “làm nhà máy thép ở Cà Ná là nhìn thị trường ASEAN chứ không nhìn thị trường nội địa, từ thép có hàng nghìn tấn xỉ để làm xi măng, có thể mở rộng sang phát triển bất động sản”. Kế hoạch xây dựng Nhà máy thép Cà Ná dừng lại, kế hoạch phát triển bất động sản cũng dang dở.

Còn nhớ, năm 2016, ông Lê Phước Vũ thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn. Hoa Sen cũng đã khởi công dự án khách sạn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, chia sẻ tham vọng đầu tư khu du lịch tâm linh, sinh thái tại đầm Vân Hội (Yên Bái) có quy mô 1.000 ha.

Năm 2018, bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu thép bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trong khi thị trường nội địa cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu. Doanh thu, lợi nhuận đi xuống, khó khăn chồng chất khiến HSG phải tái cấu trúc các khoản đầu tư.

Ông chủ Hoa Sen gác lại giấc mơ phát triển bất động sản. Tháng 9/2018, Tập đoàn này đã giải thể Công ty cổ phần Hoa Sen Vân Hội, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Vân Hội tại Yên Bái. Sau 2 năm khởi công, dự án này vẫn chưa thành hình. Ông Vũ cũng cho chuyển nhượng bất động sản tại quận 9, TP.HCM để thu hồi vốn đầu tư (chuyển nhượng hai thửa đất thu về 140 tỷ đồng).

Tin bài liên quan