Chương trình OCOP được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. (Ảnh: Phương Linh)

Chương trình OCOP được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. (Ảnh: Phương Linh)

Thay đổi cách tiếp cận, tạo ra “linh hồn” cho sản phẩm OCOP

0:00 / 0:00
0:00
Chương trình OCOP được triển khai và lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp ở 63 tỉnh, thành với sự vào cuộc của các cấp, ngành. Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP hơn nữa, cần phải thay đổi cách tiếp cận và có những hướng đi mới.

Giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn

Bắt nguồn từ mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (One Village One Product - OVOP) ở thị trấn Oyama, quận Oita, Nhật Bản từ những năm 60 thế kỷ trước, đến nay, OCOP đã trở thành mô hình mẫu của việc phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực địa phương ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại Việt Nam.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành 1/8/2022, theo Quyết định số 919/QĐ-TTg. Theo Bộ NNPTNT, đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án hoặc Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Chương trình OCOP tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn.

Các địa phương tiếp tục chủ động ban hành chính sách riêng về hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là về phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại, khen thưởng sản phẩm OCOP… điển hình như: Tuyên Quang, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bến Tre…

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác triển khai Chương trình, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có văn bản đôn đốc, chỉ đạo đẩy mạnh công tác triển khai, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, điển hình như: Lai Châu, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kon Tum, Đồng Nai, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau,...

Cùng với đó, 100% các tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (đã được Bộ NNPTNT công nhận).

Đã có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước); vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 18,4%).

Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.

Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.

Đặc biệt, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại tiếp tục được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến các địa phương với các hoạt động tham gia nhiều Hội chợ quốc tế tại Thái Lan, châu Âu, Nhật Bản…; tổ chức các diễn đàn, hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, thương mại điện tử...

Bộ NNPTNT cũng đã phê duyệt danh mục mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cho 30 mô hình. Hiện, các tỉnh đang chủ động xây dựng dự án, kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện mô hình. Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai mô hình thí điểm.

Ngoài ra, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Chương trình thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ (kết quả sau 5 năm triển khai cho thấy, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, như: ở Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, MN phía Bắc là 43,4% và Tây Nguyên là 45,2%).

Có thể nói, Chương trình OCOP đã trở thành một giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, gắn liền với xây dựng nông thôn mới, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn, như: Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Đặc biệt, công tác quản lý, giám sát sản phẩm sau khi được công nhận còn là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và đẩy mạnh.

Thay đổi cách tiếp cận về OCOP

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 đã đề ra ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, 400-500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, tương ứng với các phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.

Nhu cầu mua sắm sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn gặp khó khăn trong khâu tiếp cận, lựa chọn sản phẩm. Đưa sản phẩm OCOP lên các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,...) sẽ giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nếu các chủ thể bán hàng tăng cường ứng dụng các giải pháp mới (livestream bán hàng, tham gia chợ OCOP online, kết nối cung - cầu trực tuyến, xây dựng gian hàng thực tế ảo về sản phẩm OCOP,…) sẽ giúp phổ cập nhanh thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng.

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn TP. Hà Nội năm 2023. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn TP. Hà Nội năm 2023. (Ảnh: Dương Đình Tường)

Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao. Nắm bắt xu hướng này, để tháo gỡ khó khăn và “khơi thông” đầu ra cho các sản phẩm OCOP, TP. Hà Nội đã và đang tổ chức các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô.

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Sở NNPTNT Hà Nội đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2023 tại quận Bắc Từ Liêm và quận Long Biên. Mỗi sự kiện có sự tham gia của khoảng 50 gian hàng của hơn 40 doanh nghiệp, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và các tỉnh: Hà Tĩnh, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa…

Hai sự kiện thu hút khá đông người tiêu dùng Thủ đô và du khách tới tham quan, mua sắm, thực sự là cơ hội cho các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới thị trường.

Còn tại TP.HCM, Chương trình OCOP đã được triển khai tại 5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) từ năm 2019. Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP.HCM Hoàng Thị Mai cho biết, hiện TP.HCM đã công nhận 66 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao. Một số sản phẩm OCOP của TP.HCM đã có mặt tại các siêu thị và được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng như: bột rau má, bột diếp cá, bột tía tô (Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt), mật dừa nước cô đặc (Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam), mật ong rừng sữa ong chúa (Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên), xoài cát, khô cá dứa (HTX Cần Giờ Tương Lai),…

Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, mở rộng tìm kiếm sản phẩm OCOP tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức của Thành phố. Mục tiêu đến 2025, TP.HCM sẽ có ít nhất 124 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Theo ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM), Sở sẽ hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cho chủ thể sản xuất về tổ chức, quản trị và phát triển sản phẩm; phối hợp với các sở, ngành có liên quan để tham mưu UBND TP.HCM ban hành chính sách kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022-2025.

Để Chương trình OCOP tiếp tục được triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề xuất mỗi tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và bổ sung cho trung tâm này chức năng đào tạo người dân khởi nghiệp, làm sản phẩm nông nghiệp.

“Cần tri thức hóa, tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê. Thay đổi cách tiếp cận về OCOP, để tạo ra tinh thần, linh hồn cho OCOP chứ không phải sản phẩm gắn mác OCOP. Một sản phẩm OCOP phải thể hiện được hình ảnh của người tạo ra OCOP”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tin bài liên quan