Năm 2019, ngành tài chính Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp tại London, Vương quốc Anh
Trong ảnh: Lãnh đạo Sở GDCK London chào đón Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đến thăm Sở giao dịch.

Năm 2019, ngành tài chính Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp tại London, Vương quốc Anh Trong ảnh: Lãnh đạo Sở GDCK London chào đón Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đến thăm Sở giao dịch.

Thay đổi để tiếp cận tốt hơn dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Việc chủ động tham gia và hội nhập vào các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, bên cạnh ý nghĩa tích cực khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam, còn là cơ hội để quảng bá về sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, mang tới cơ hội kết nối cung - cầu các dòng vốn đầu tư giữa trong nước và nước ngoài. 

Việt Nam - nước chủ nhà ASEAN 2020

Theo cơ chế luân phiên, ngày 2/10/2019, tại Hội nghị Diễn đàn các Thị trường vốn ASEAN (ACMF) lần thứ 31 được tổ chức ở Phuket (Thái Lan), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã chính thức nhận chuyển giao vai trò Chủ tịch ACMF năm 2020 từ Thái Lan, đánh dấu khởi đầu một năm sắp tới với nhiều hoạt động tích cực của ngành chứng khoán.

Nếu như chủ đề chung năm ASEAN 2020 của Việt Nam là “Gắn kết và chủ động hội nhập”, thì trong lĩnh vực thị trường vốn, phát triển bền vững các thị trường vốn ASEAN là trọng tâm thảo luận trong chương trình nghị sự của ACMF.

Sáng kiến xây dựng lộ trình phát triển bền vững các thị trường vốn ASEAN của ACMF được thông qua tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN vào tháng 4/2019, nhằm đưa ra một định hướng chung và toàn diện cho hệ sinh thái phát triển bền vững các thị trường vốn, cũng như thúc đẩy việc phát triển lớp tài sản ASEAN cho đầu tư bền vững.

Các sáng kiến trong khuôn khổ ACMF nhằm tăng cường sự kết nối giữa các thị trường vốn khu vực, bao gồm di chuyển người hành nghề chuyên nghiệp trên thị trường vốn ASEAN, Quỹ đầu tư tập thể ASEAN và Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN.

Ngoài ra, để tăng cường khả năng thích ứng của các thị trường vốn, UBCK tham gia đóng góp trong ACMF nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động tiếp theo của Nhóm kết nối về giám sát ttài sản số, một lĩnh vực mới đối với hầu hết các thị trường vốn trong khu vực.

Về tài chính xanh, Hội nghị bàn tròn đầu tiên về trái phiếu xanh trong khu vực ASEAN đã được UBCK chủ trì tổ chức tại Đà Nẵng sau khi ACMF hoàn thành việc xây dựng và chính thức công bố Bộ Nguyên tắc về trái phiếu xanh năm 2017.

Tiếp theo, Việt Nam cùng các nước ASEAN thông qua 2 Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu xã hội ASEAN và Tiêu chuẩn Trái phiếu bền vững ASEAN vào tháng 10/2018.

Đây là ba sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy tính kết nối và phát triển bền vững của thị trường vốn ASEAN.

Việc tham gia và áp dụng các hướng dẫn, thông lệ tốt của quốc tế trong khuôn khổ các sáng kiến trên đã góp phần đưa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại hơn, bền vững hơn.

Diễn đàn ACMF và hợp tác trong ASEAN là hai trong số nhiều khung khổ hợp tác khu vực và toàn cầu mà cơ quan quản lý TTCK Việt Nam tích cực tham gia và đóng góp một cách hiệu quả như Sáng kiến Tài chính xanh và Phát triển bền vững với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Sáng kiến Quản trị công ty trong khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và IFC…

Ở cấp độ toàn cầu, các hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (MMoU IOSCO) tiếp tục được triển khai có hiệu quả.

UBCK đã phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với cơ quan quản lý TTCK các nước thành viên IOSCO trao đổi thông tin về hoạt động thị trường và doanh nghiệp, hỗ trợ việc quản lý và giám sát thị trường của các cơ quan đối tác, cũng như phục vụ chính công tác giám sát thị trường của Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các vấn đề về công nghệ tài chính mới và các vấn đề liên quan đến lợi ích/vi phạm xuyên biên giới.

Mở cửa thị trường, thực hiện các cam kết hội nhập

Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với tỷ lệ tán thành 100%.

Đây được coi là dấu ấn quan trọng về mở cửa thị trường kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.

Thay đổi để tiếp cận tốt hơn dòng vốn ngoại ảnh 1

Tháng 7/2019, lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) ký biên bản ghi nhớ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ chuyên môn và nâng cao chuẩn mực kế toán quốc tế.

Cùng với Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và các hiệp định đang trong quá trình đàm phán như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), các cam kết trong khuôn khổ hội nhập thị trường chung ASEAN…, việc tham gia vào các thỏa thuận hội nhập quốc tế đồng nghĩa với việc Việt Nam có nghĩa vụ chấp thuận những quy tắc chung, cam kết tự do hóa, mở cửa thị trường các lĩnh vực có cam kết, trong đó có lĩnh vực dịch vụ tài chính, chứng khoán.

Cơ hội lớn nhất của việc tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP… sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp niêm yết, khi các cam kết này giúp gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa, làm tăng cơ hội giúp hàng hóa trong nước tiếp cận nhiều thị trường quốc tế với các điều kiện ưu đãi hơn.

Từ đó, cổ phiếu của những ngành này sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng và đi lên tích cực của TTCK.

Cùng với đó, cam kết trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới buộc các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các công ty đại chúng/công ty niêm yết phải đổi mới, tái cấu trúc, áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro, công bố thông tin… để hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, mặt tích cực của sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường khi các hiệp định có hiệu lực sẽ buộc các tổ chức này tăng cường tái cấu trúc, đổi mới hoạt động và tăng khả năng tích lũy để trở nên mạnh hơn, củng cố vị thế trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế.

Có thể nói, việc mở cửa thị trường bên cạnh tạo ra những thách thức phải đáp ứng được yêu cầu cao của các cam kết quốc tế, mặt khác lại là điều tích cực giúp thúc đẩy TTCK trong nước ngày càng phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng hơn, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.

Việc đạt được các chuẩn mực quốc tế vừa là yêu cầu của quá trình hội nhập, vừa là một trong những lợi ích mà hội nhập có thể đem đến cho TTCK, đảm bảo sự phát triển của thị trường công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế.

Tăng cường nhận thức và hoàn thiện các quy định về quản trị công ty

Không chỉ trên thị trường vốn, mà tại tất cả các lĩnh vực kinh tế, yêu cầu hình thành nền tảng quản trị công ty tốt là vô cùng quan trọng và cần được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt tại các doanh nghiệp đại chúng đang niêm yết.

Thay đổi để tiếp cận tốt hơn dòng vốn ngoại ảnh 2

Các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Riêng đối với thị trường vốn Việt Nam, trong thời gian qua, UBCK và hai Sở Giao dịch chứng khoán nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị công ty tại các doanh nghiệp tham gia trên thị trường, thông qua việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức các chương trình đào tạo, ban hành các sổ tay hướng dẫn, tổ chức các giải chấm thường niên về minh bạch và tổ chức các hội thảo để học hỏi các thông lệ quốc tế về quản trị công ty.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và IFC, Việt Nam đã tham gia chương trình Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN trong 7 năm qua.

Theo đó, nhận thức về quản trị công ty đã được cải thiện và thu hút sự quan tâm không những của các cơ quan quản lý mà cả các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia, việc thành lập Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) vào tháng 4/2018 là một ví dụ điển hình.

Nhiều sản phẩm đã được ra đời và việc ban hành Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất cho các thành viên thị trường ngày 13/8/2019 đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ sinh thái về quản trị công ty tại Việt Nam.

Gồm 10 nguyên tắc với các khuyến nghị chi tiết về các thông lệ tốt nhất, Bộ Nguyên tắc tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên trong thực thi quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sáu trong 10 nguyên tắc tập trung vào chức năng hoạt động của hội đồng quản trị, đây là lĩnh vực đòi hỏi phải cải thiện hơn nữa tại nhiều doanh nghiệp trong nước.

Bốn nguyên tắc còn lại gồm các lĩnh vực như môi trường kiểm soát, công bố thông tin và minh bạch, quyền của cổ đông và quan hệ với các bên có quyền lợi liên quan.

Bộ Nguyên tắc cũng gồm các điều khoản liên quan tới kinh doanh có trách nhiệm như thúc đẩy đa dạng giới và khuyến khích sự tập trung mạnh mẽ hơn vào các vấn đề môi trường và xã hội trong hội đồng quản trị.

Bộ Nguyên tắc Quản trị công ty là sản phẩm lần đầu tiên được xây dựng và công bố tại Việt Nam, là thành quả của sự hợp tác trực tiếp giữa UBCK và IFC, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO).

Sản phẩm này nằm trong định hướng chính sách chung của Chính phủ Việt Nam và đã được chờ đợi từ lâu, là sản phẩm hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng áp dụng các tiêu chuẩn quản trị công ty theo thông lệ quốc tế, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và sẽ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của TTCK nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thay đổi để tiếp cận tốt hơn dòng vốn ngoại

Năm 2019 tiếp tục ghi dấu ấn trong nỗ lực quảng bá TTCK và các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, với việc tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp do Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì tại London, Vương quốc Anh đầu tháng 7.

Thay đổi để tiếp cận tốt hơn dòng vốn ngoại ảnh 3

Một số hình ảnh đẹp về báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hơn 50 lượt tiếp xúc song phương để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư Anh. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, hoặc lĩnh vực chuyên ngành như viễn thông, than khoáng sản, cảng hàng không… nhận được nhiều sự quan tâm và đề nghị bố trí làm việc. Nhà đầu tư Anh cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

Theo ghi nhận của đối tác phối hợp tổ chức là Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Hiệp hội Kinh doanh Anh - ASEAN (UKABC), hội nghị đã thực sự tạo điểm nhấn thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng đầu tư nước sở tại, các nhà đầu tư đánh giá cao phiên đối thoại chính sách cởi mở, cũng như nỗ lực kết nối doanh nghiệp hai nước tiếp xúc và tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động xúc tiến đầu tư trong huy động vốn cho nền kinh tế, Bộ Tài chính, UBCK đã có những thay đổi mang tính chiến lược trong quá trình triển khai để tăng cường hiệu quả của hoạt động này.

Thứ nhất, xây dựng chiến lược dài hạn và kế hoạch tổng thể về xúc tiến đầu tư, trong đó lựa chọn các chủ đề phù hợp trong từng giai đoạn nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, chuyển từ hội nghị đối thoại trong nước là chính sang kết hợp đối thoại và gặp gỡ trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường trọng điểm.

Bên cạnh đó, UBCK chủ động xây dựng diễn đàn tương tác trong quá trình diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư (tương tác hai chiều ở hai cấp - Bộ trưởng với nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài).

Mục tiêu là tạo sự liên kết giữa chính sách và thực tiễn, đi từ chính sách đến thực tiễn qua phần thảo luận của doanh nghiệp, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp, cởi mở giữa Bộ trưởng và lãnh đạo các đơn vị liên quan với nhà đầu tư.

Những thay đổi trong phương thức xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của Bộ Tài chính, UBCK đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cộng đồng đầu tư nước ngoài.

Họ ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc mở cửa thị trường, thu hút luồng vốn ngoại.

Sự tham gia đông đảo và tích cực của nhà đầu tư nước ngoài, sự chuẩn bị nghiêm túc và giới thiệu đa dạng của các doanh nghiệp cổ phần hóa khi tham gia tại mỗi chương trình, hội nghị đã cho thấy sức lan tỏa và thành công của công tác tổ chức.

Hội nghị tại Anh vừa qua ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực: có sự tham gia đông đảo nhất của lãnh đạo cấp cao bên nước bạn, số lượng doanh nghiệp nước ngoài tham gia nhiều nhất…

Quá trình hội nhập khu vực và mở cửa thị trường sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp thông qua TTCK.

Trên thực tế, với sự khuyến khích của Chính phủ, nới lỏng các điều kiện, thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, làn sóng mua bán - sáp nhập tại Việt Nam gia tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại các doanh nghiệp trong nước tăng lên đáng kể.

Các chính sách mới sắp được ban hành như Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi… với việc nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.

Sau 19 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển tương đối nhanh, tạo dựng được một cơ sở nền tảng cơ bản, vững chắc, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

Với triển vọng tích cực của kinh tế vĩ mô cùng sự phát triển ngày càng ổn định, chất lượng nghiệp vụ ngày một nâng cao và chính sách mở cửa, tạo điều kiện đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, kỳ vọng TTCK sẽ là một điểm đến thực sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Tin bài liên quan