Thay đổi phương thức quản lý kỳ hạn: Thực và ảo?

Thay đổi phương thức quản lý kỳ hạn: Thực và ảo?

(ĐTCK) Kỳ hạn tiền gửi là một trong những số liệu thống kê quan trọng đối với ngân hàng thương mại. Khác hẳn với thông lệ quốc tế, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang quản lý dòng tiền theo kỳ hạn danh nghĩa, chứ không phải kỳ hạn thực. Các chuyên gia ngân hàng từ lâu đã khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sự cần thiết quản lý dòng tiền theo kỳ hạn thực. Đến nay, cơ quan này đã có những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, đó sẽ là một con đường không bằng phẳng.

Theo thông tin ĐTCK có được từ cơ quan quản lý, trong thời gian tới, các quy định về quản trị ngành ngân hàng sẽ được tính theo kỳ hạn tiền gửi thực tế. Đây là một cấu phần nhỏ trong kế hoạch cải tổ ngành ngân hàng hướng theo các thông lệ quốc tế.

Kỳ hạn danh nghĩa, hiểu đơn giản là kỳ hạn trên các giấy tờ giao dịch giữa ngân hàng thương mại và khách hàng. Kỳ hạn thực là kỳ hạn thực tế của các giao dịch gửi tiền - rút tiền do các khoản tiền gửi có thể được rút trước hạn so với kỳ hạn trên giấy tờ.

Như ĐTCK từng đề cập, từ lâu ngân hàng thương mại đã quen với việc “biến” các khoản tiền gửi dưới 12 tháng trở thành 12 tháng trở lên, dù chỉ là trên giấy tờ giao dịch để được hưởng mức dự trữ bắt buộc thấp hơn.

Ví dụ như khách hàng tới gửi tiền 3 tháng thì ngân hàng sẽ “nhờ” khách hàng ký vào giấy gửi tiền với kỳ hạn 12 tháng trở lên với đảm bảo rằng, sau 3 tháng vẫn nhận đủ lãi của kỳ hạn 3 tháng. Khách hàng không bị thiệt. Còn ngân hàng, thay vì phải nộp dự trữ bắt buộc 3% cho tiền gửi dưới 12 tháng thì chỉ phải nộp 1% cho khoản tiền gửi 12 tháng trở lên.

Đó là lý do nhiều ngân hàng phải có hai hệ thống sổ sách quản lý: một để báo cáo cơ quan quản lý là NHNN, hai là cho bản thân ngân hàng quản lý nguồn vốn của mình theo kỳ hạn tiền gửi thực.

Tín hiệu từ NHNN cho thấy một sự đột phá trong tư duy quản lý. Có quản lý theo kỳ hạn thực thì các số liệu thống kê mới có thể chính xác, tạo điều kiện để đưa ra các chính sách tiền tệ thích hợp. Tuy nhiên, các điều kiện hỗ trợ để áp dụng việc quản lý dòng tiền theo kỳ hạn thực ở Việt Nam là chưa có.

Ở các thị trường phát triển, có một điểm khác biệt cơ bản là ứng xử của người gửi tiền. Do áp dụng những mức lãi suất phạt rất cao trong trường hợp rút tiền trước hạn, người gửi tiền thường chỉ rút khi tới hạn.

Còn ở Việt Nam , người gửi tiền có thể rút tiền bất cứ khi nào họ muốn, thậm chí việc khách hàng rút tiền trước hạn vẫn nhận được lãi suất theo kỳ hạn tới ngày rút đã trở thành một thông lệ. Đã là thông lệ thì phải mất thời gian mới có thể xoá bỏ được.

Thông lệ nêu trên khiến việc triển khai quản lý tiền gửi trong hệ thống ngân hàng theo kỳ hạn thực ở Việt Nam phức tạp hơn các thị trường khác, do thời điểm rút tiền của người gửi là khó đoán định hơn.

Do đó, theo một số chuyên gia ngân hàng, để có thể quản lý dòng tiền theo thông lệ quốc tế, trước tiên phải siết chặt quản lý hoạt động gửi tiền. Điều này cũng không dễ.

Như vậy, dù các văn bản pháp luật có liên quan tới vấn đề này đang trong quá trình soạn thảo và có thể sẽ được thông qua vào cuối năm nay, nhưng từ luật tới thực tế xem ra vẫn còn một khoảng cách khá xa.