Lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh). Ảnh: Hải Minh

Lễ khánh thành Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh). Ảnh: Hải Minh

Thế giới cần, doanh nghiệp Việt lên tiếng

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang dần trở nên quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thậm chí, có thể nói, đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Nhưng điều quan trọng là, doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội và cùng tham gia “cuộc chơi” đó như thế nào?

Thế giới cần Việt Nam

Nhà máy bán dẫn 1,6 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 520 triệu USD, của Amkor Technology (Mỹ) đã chính thức khánh thành ngày 11/10 vừa qua, chỉ sau khi Hana Micron (Hàn Quốc) đưa nhà máy bán dẫn thứ hai ở Bắc Giang đi vào hoạt động chưa đầy 1 tháng.

“Đây là một trong những nhà máy tiên tiến nhất của Amkor. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển hệ sinh thái bán dẫn ở Việt Nam”, ông Kim Sung Hun, Tổng giám đốc Amkor Technology Việt Nam nói.

Còn ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Tập đoàn Hana Micron cho biết, Hana Micron Việt Nam sẽ là cơ sở sản xuất số 1 trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Hana Micron cũng đã có kế hoạch nâng vốn đầu tư dự án ở Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD vào năm 2025.

Việc liên tiếp có 2 dự án trong lĩnh vực bán dẫn quy mô lớn đồng loạt khánh thành trong thời gian ngắn đã chứng minh sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một điểm đến mới nổi trong lĩnh vực bán dẫn.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà giờ đây, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Tháng 7/2023, khi thăm Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói rằng, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Chia sẻ về sáng kiến đặt sản xuất ở các nước “bằng hữu” của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Janet Yellen cho biết, Mỹ đang mong muốn hợp tác với một mạng lưới rộng lớn các đối tác kinh tế đáng tin cậy trong các lĩnh vực như thương mại, khí hậu, bao gồm cả các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Lời khẳng định càng mạnh mẽ hơn khi trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9/2023, Tổng thống Joe Biden nói: “Chúng ta sẽ củng cố chuỗi cung ứng, cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn nữa, đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh để mang lại sự phồn thịnh cho tất cả chúng ta”.

Các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó có lĩnh vực bán dẫn đã được hai bên thống nhất. Thông cáo phát đi của Nhà Trắng vào thời điểm đó cũng cho biết, Biên bản ghi nhớ hợp tác mới về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, lực lượng lao động và phát triển hệ sinh thái trong lĩnh vực này sẽ chính thức hóa mối quan hệ đối tác song phương này, nhằm mở rộng năng lực của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hỗ trợ ngành công nghiệp Mỹ phát triển.

Thực tế, đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Mỹ cần Việt Nam như một phần quan trọng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, ngành công nghiệp đang rất “hot” trên toàn cầu, bởi hầu hết các ngành công nghiệp của thời đại 4.0 đều cần chip bán dẫn, từ ô tô điện đến thiết bị di động…

Và không chỉ Mỹ, còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Họ cũng đang cần và coi Việt Nam như một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dự án của các nhà đầu tư này đang tiếp tục dịch chuyển tới Việt Nam. Nếu trước đây, trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam là tâm điểm của mô hình “Trung Quốc +1”, thì giờ đây, trong lĩnh vực bán dẫn, là “Đài Loan +1”. Đài Loan là một trong những địa điểm sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới. Việt Nam, có điều kiện và tiềm năng để có thể đứng bên cạnh Đài Loan, trở thành “cứ điểm” sản xuất mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Việt Nam hấp dẫn không chỉ vì có chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, nhân lực có chất lượng…, mà còn đang sở hữu những mỏ đất hiếm với trữ lượng đứng thứ hai thế giới. Hiện cả Mỹ và Hàn Quốc đều mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Còn Việt Nam, cũng cần các nhà đầu tư Mỹ nói riêng, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, để “hiện thực hóa chủ trương của Việt Nam trong việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, như lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói.

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng cho “cuộc chơi” chung

Đích cuối cùng của mọi sự hợp tác là thúc đẩy sự phát triển đột phá của nền kinh tế và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tác động lan tỏa mà Việt Nam kỳ vọng là ở đó.

35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dù không ngừng lớn mạnh, nhưng doanh nghiệp Việt phần nào vẫn đang đứng ngoài “cuộc chơi” chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng lần này, câu chuyện có vẻ đã khác. Nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang sẵn sàng, thậm chí rất hào hứng với các kế hoạch hợp tác mới để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

FPT là một trong những tập đoàn như vậy. Thực tế, trước các thỏa thuận hợp tác đang nóng lên từng ngày trong thời gian gần đây, FPT đã mở riêng một công ty chuyên về sản xuất bán dẫn. Trường đại học FPT cũng vừa mở thêm chuyên ngành bán dẫn với mục tiêu phát triển nhân lực trong lĩnh vực này.

Theo chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, 70 triệu con chip của FPT đã được các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đặt hàng. “Khi chúng ta trở thành một trung tâm chip của thế giới, thì công việc của chúng ta là bạt ngàn”, ông Bình nói.

Cũng chính ông Trương Gia Bình, ngay tại Hội nghị Cấp cao Việt Nam - Hoa Kỳ về Đổi mới sáng tạo và Đầu tư, tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, đã công bố kế hoạch hợp tác với LandingAI - công ty tiên phong trong lĩnh vực thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục của FPT.

Ông Trương Gia Bình đã đề xuất Chính phủ Mỹ có các chính sách hỗ trợ toàn diện đưa Việt Nam trở thành quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn (Semiconductor Ecosystem) hấp dẫn, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Chỉ ít thời gian sau, khi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công du tại Mỹ, ông Trương Gia Bình đã công bố hợp tác với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và phát triển kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Cụ thể, Silvaco, Công ty cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor JSC), Đại học FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ. Các bên đồng thời hợp tác để thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực theo chương trình của Chính phủ.

Không chỉ ông Bình, mà lãnh đạo các tập đoàn lớn của Việt Nam như MoMo, VNG, BRG, VinFast… cũng rất hào hứng với các kế hoạch hợp tác mới trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG cho biết, VNG đang mong muốn tìm kiếm quan hệ đối tác với các công ty Mỹ trong lĩnh vực điện toán đám mây, AI, đồng thời đang xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn dành riêng cho tiếng Việt dựa trên mã nguồn mở của các công ty công nghệ Mỹ. Trong khi đó, CEO MoMo Nguyễn Mạnh Tường mong muốn trở thành một nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam…

Chờ thêm “chất xúc tác”

Chúng tôi xác định công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen là những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Nhiều cơ hội to lớn đang mở ra và doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng. Nhưng có lẽ, vẫn cần có những “chất xúc tác” về chính sách để có thể đẩy nhanh quá trình này. Tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, được tổ chức cuối tháng 9/2023, tham vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam, ông Arnaud Ginolin, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Boston Việt Nam (BCG) cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải xác định rõ muốn tham gia công đoạn nào, như thiết kế, sản xuất hay kiểm nghiệm, đóng gói… Bên cạnh đó, phải xây dựng được một chiến lược vừa táo bạo, vừa hiện thực để tối đa hóa cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Một đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030 cũng đã được xây dựng.

Khi chiến lược hoàn thành, Việt Nam sẽ có đầy đủ tiềm năng và cơ hội, cũng như chính sách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp bán dẫn, và quan trọng hơn, có thể tạo điều kiện để “kéo” không chỉ tập đoàn lớn của nước ngoài, mà cả của Việt Nam cùng chơi chung trong một “sân chơi” hấp dẫn.

Việc Việt Nam thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), dự kiến chính thức khánh thành vào ngày 28/10 tới, sẽ là cú hích quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, qua đó tạo bước đột phá cho nền kinh tế, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông ST Liew, Phó chủ tịch Qualcomm CDMD Technologies Asia Pacific Pte. Ltd, kiêm Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, Australia và New Zealand, trong một cuộc trao đổi với báo giới gần đây đã chia sẻ về những hợp tác của Qualcomm với VinAI, với SonKim Lanh, rồi Viettel, Đại học Phenikaa trong phát triển 5G, AI… tại Việt Nam.

Ông ST Liew cho biết, Việt Nam là một thị trường “mồi”, rất tốt và màu mỡ cho thử nghiệm các công nghệ, đặc biệt về giải pháp 5G, ứng dụng trong thành phố thông minh, giáo dục thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, nông nghiệp, mạng lưới tư nhân... Ông đã nhắc đến Viettel, VinAI, SonKim Land hay Phenikaa như những “ngọn hải đăng” cho quá trình này.

Chắc chắn, ở Việt Nam, nhiều “ngọn hải đăng” đang sẵn sàng dẫn dắt cuộc chơi toàn cầu. Đó như là một sự đảm bảo cho tương lai thành công hơn nữa của Việt Nam.

Tin bài liên quan