Thế giới di động chững lại

Thế giới di động chững lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tham vọng đẩy mạnh mở chuỗi Bách hoá Xanh và chuỗi nhà thuốc An Khang của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) đang bị gián đoạn khi sức mua ngành bán lẻ suy giảm và hiệu quả vận hành không như kỳ vọng.

Thu hẹp hai chuỗi lớn

Sau thành công của chuỗi Thế giới di động, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động đã mở thêm các chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh, Bách Hoá Xanh, nhà thuốc An Khang, chuỗi AVAKids, AVASport… để tạo động lực tăng trưởng khi mảng bán lẻ thiết bị công nghệ có dấu hiệu bão hoà.

Với chuỗi Bách Hóa Xanh, mặc dù liên tục mở mới cửa hàng, tăng độ phủ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng giai đoạn từ 2015 - 2020, chưa năm nào chuỗi bán lẻ thực phẩm này đạt điểm hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao). Thế giới di động không báo cáo con số cụ thể về mức lỗ này.

Năm 2021, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát và lệnh giãn cách xã hội được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố, Bách Hóa Xanh là một trong số ít đơn vị được mở cửa kinh doanh. Nhờ lợi thế này, chuỗi Bách Hóa Xanh đã ghi nhận doanh thu 28.216 tỷ đồng trong năm ngoái, tăng 33% so với năm 2020 và đóng góp 23% vào tổng doanh thu của Thế giới di động.

Trong đó, 45% doanh thu của chuỗi đến từ mặt hàng tươi sống, hàng mát và hàng đông lạnh; 38% doanh thu đến từ thực phẩm và đồ uống khác; 17% đến từ hóa mỹ phẩm và sản phẩm khác. Đây cũng là năm đầu tiên Bách Hóa Xanh có EBITDA là số dương (Công ty không công bố số liệu cụ thể).

Bước sang năm 2022, khi hoạt động kinh doanh ở các chợ truyền thống đã khôi phục lại hoàn toàn, chuỗi cung ứng không còn gián đoạn, hoạt động kinh doanh của chuỗi Bách hóa Xanh ngay lập tức bộc lộ dấu hiệu lao dốc.

Kinh doanh khó khăn và liên tục dính lùm xùm trong vận hành ở chuỗi bán lẻ này khiến Thế giới di động quyết định đóng cửa hàng loạt cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và tái cấu trúc hoạt động của chuỗi. Tính tới ngày 30/11/2022, theo dữ liệu trên website của Bách Hoá Xanh, đơn vị này chỉ còn 1.731 cửa hàng, tức giảm 375 cửa hàng so với con số công bố hồi đầu năm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chuỗi Bách Hóa Xanh vừa trải qua quá trình tái cấu trúc khi thay đổi cách sắp xếp hàng hóa và đóng hàng loạt cửa hàng trong 6 tháng đầu năm 2022. Ước tính, chuỗi này ghi nhận khoản lỗ khoảng 1.130 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, làm giảm lợi nhuận ròng của Thế giới di động trong giai đoạn này.

Điều tương tự cũng đang diễn ra với chuỗi nhà thuốc An Khang. Vào tháng 11/2021, Thế giới di động cho biết đã mua thêm 1,29 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần An Khang với giá 52,2 tỷ đồng, tương ứng nâng sở hữu tại doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm này từ 49% lên 100%.

Trước đây, Thế giới di động từng có kế hoạch mua 100% vốn tại An Khang để bước chân vào mảng bán lẻ dược phẩm, thay vì mất 2 đến 3 năm tìm hiểu và xây dựng mô hình kinh doanh cho mảng mới này. Tuy nhiên, điều bất ngờ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Thế giới di động, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty tuyên bố dừng lại kế hoạch này để đánh giá rủi ro và Thế giới di động sở hữu 49% vốn tại An Khang cho tới quý IV năm ngoái.

Ngay khi nâng sở hữu lên 100% tại An Khang, Thế giới di động đã công bố kế hoạch đầy tham vọng với chuỗi nhà thuốc này: nâng số cửa hàng bán lẻ từ 178 lên 800 vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, sau khi chạm mốc 529 cửa hàng, chuỗi nhà thuốc này lại có dấu hiệu bị thu hẹp.

Tính tới ngày 30/11/2022, trên website của An Khang, đơn vị này cho biết hiện hệ thống bán lẻ bao gồm 510 cửa hàng, tức giảm 19 cửa hàng so với đỉnh tháng 10/2022.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 23/11/2022, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên Hội đồng quản trị Thế giới di động cho biết: “Công ty sẽ giữ con số nhà thuốc An Khang ở mức trên 500 cửa hàng. Thời điểm này, thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn nên việc dừng lại là phù hợp”.

Có thể thấy, năm 2022 là một năm khá đặc biệt khi một doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng liên tục như Thế giới di động chấp nhận “co lại”, từ việc thu hẹp số cửa hàng Bách Hóa Xanh cho tới chuỗi nhà thuốc An Khang.

Sức mua giảm ảnh hưởng tiêu cực tới ngành bán lẻ

Cũng tại buổi gặp nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới di động khẳng định, triển vọng ngành bán lẻ khá u ám và có thể kéo dài sang năm 2023.

Cụ thể, ông Tài cho rằng, vấn đề hiện tại của ngành bán lẻ có nguồn cơn từ một chuỗi những yếu tố tác động như lạm phát, chiến tranh, rủi ro tỷ giá... và “không ai có thể xử lý vấn đề này nhanh gọn”.

Ông Tài dự báo khó khăn chỉ có thể kết thúc nhanh nhất vào cuối quý I/2023. Trong trường hợp tình hình thế giới vẫn bất ổn, nhiều khả năng tác động tiêu cực sẽ kéo dài đến quý III năm sau và từ quý IV/2023 trở đi mới “dễ thở hơn”.

Tại Thế giới di động, ngoài yếu tố khách quan của ngành bán lẻ, một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Công ty chậm lại trong năm nay là do tái cấu trúc chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh. Công ty ước tính chi phí phát sinh từ thanh lý tài sản, hoàn trả mặt bằng do đóng cửa hơn 400 cửa hàng lên đến 500 tỷ đồng và đã hạch toán trong hai quý giữa năm.

Về kết quả kinh doanh năm nay, ông Tài cho biết, lợi nhuận dự kiến đạt 4.400 tỷ đồng, giảm 10% so với mức thực hiện trong năm 2021.

Thông tin được Thế giới di động công bố cho biết, trong 10 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu 113.712 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, hoàn thành 81% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.839 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ và mới hoàn thành 60% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 6.350 tỷ đồng).

Việc các chuỗi bán lẻ như Bách Hóa Xanh, nhà thuốc An Khang – từng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới cho Thế giới di động - bị thu hẹp là tín hiệu cho thấy viễn cảnh kém tích cực của doanh nghiệp bán lẻ này.

Trái ngược với tình hình tại Thế giới di động, doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đang liên tục mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu. Tại ngày 30/9/2022, Long Châu sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 nhà thuốc so với đầu năm 2022.

Năm 2021, FPT Retail tuyên bố chuỗi nhà thuốc có lãi trước hẹn 2 năm (Công ty đặt kế hoạch 2023 chuỗi sẽ có lãi). 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống nhà thuốc này ghi nhận 6.562 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ. Năm nay, ban lãnh đạo FPT Retail kỳ vọng Long Châu sẽ đóng góp khoảng 50 - 100 tỷ đồng lợi nhuận, tuỳ thuộc vào tình hình mở rộng chuỗi thực tế.

Mới đây, FPT Retail dự kiến góp thêm 225 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu. Nếu kế hoạch được thực hiện, vốn điều lệ của FPT Retail Dược phẩm FPT Long Châu được nâng lên 450 tỷ đồng, trong đó, FPT Retail nắm 89,83% cổ phần.

Tin bài liên quan