Sức mua yếu đang ảnh hưởng tới các chuỗi bán lẻ của Thế giới di động .

Sức mua yếu đang ảnh hưởng tới các chuỗi bán lẻ của Thế giới di động .

Thế giới di động (MWG): Các chuỗi bán lẻ… khó đều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuỗi bán lẻ như Điện máy Xanh và Thế giới di động gặp khó nên khả năng “gồng lỗ” cho chuỗi Bách hóa Xanh, nhà thuốc An Khang của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động cũng bị hạn chế.

Bách hóa Xanh càng kinh doanh càng lỗ

Chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách hóa Xanh của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (mã MWG) ra đời năm 2015. Theo giải thích của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế giới di động tại thời điểm đó, “mô hình này được Ban lãnh đạo Tập đoàn học tập theo một mô hình ở Indonesia, trong hành trình tìm kiếm động lực mới thay thế cho mảng công nghệ để tiếp tục đà tăng trưởng hai con số của doanh nghiệp”.

Nhiều năm qua, Thế giới di động liên tục phát đi thông điệp sẽ phát triển chuỗi Bách hóa Xanh cả về chiều rộng và chiều sâu. Dù mạng lưới cửa hàng được mở rộng, tăng độ phủ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng kể từ khi thành lập tới nay, chưa năm nào chuỗi Bách hóa Xanh có lãi, thậm chí càng kinh doanh càng lỗ.

Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2022, Công ty cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh (đơn vị vận hành Bách hóa Xanh) ghi nhận lỗ luỹ kế 7.394,96 tỷ đồng; trong đó, năm 2016 lỗ 54,94 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 144,6 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 555,6 tỷ đồng, năm 2019 lỗ 978,4 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 1.733,5 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 966,5 tỷ đồng và năm 2022 lỗ kỷ lục 2.961,5 tỷ đồng.

Sau một năm công bố tái cấu trúc mạnh mẽ chuỗi bán lẻ này, với việc đóng cửa nhiều cửa hàng kinh doanh kém hiệu quả, năm 2023, Thế giới di động đặt mục tiêu doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh tăng trưởng hai chữ số và nỗ lực đạt điểm hoà vốn vào cuối năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Bách hóa Xanh tiếp tục thua lỗ trong ít nhất 3 quý đầu năm.

Bên cạnh triển vọng lợi nhuận kém tích cực, theo SSI Research, kế hoạch bán vốn của Bách hóa Xanh dự báo sẽ bị hoãn lại do điều kiện thị trường không thuận lợi. Trước đó, hồi đầu năm 2022, Công ty cổ phần Thế giới di động cho biết sẽ chào bán riêng lẻ tối đa 20% vốn cổ phần của chuỗi bán lẻ này cho nhà đầu tư trong khu vực hoặc trên thế giới, thời gian thực hiện trong năm 2022 - 2023.

Số tiền huy động được từ thương vụ dự kiến sẽ dùng để đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư phát triển mạnh mẽ kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh ra toàn cầu.

Các chuỗi bán lẻ đều gặp khó

Không riêng chuỗi Bách hóa Xanh, các chuỗi bán lẻ được Thế giới di động mở ra sau cũng đang kinh doanh thua lỗ. Trong đó, Công ty MWG Cambodia Co., Ltd (đơn vị đầu tư tại Campuchia) lỗ luỹ kế tại thời điểm cuối năm 2022 là 604,7 tỷ đồng. Cùng thời điểm, Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang (vận hành chuỗi nhà thuốc An Khang), công ty liên kết của Thế giới di động, cũng ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 318,6 tỷ đồng…

Mới đây, Thế giới di động đã thừa nhận thất bại tại thị trường Campuchia và tuyên bố đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng điện máy Bluetronics tại thị trường này trong quý I/2023 sau gần 6 năm kinh doanh tại đây.

Như vậy, tổng lỗ luỹ kế các chuỗi bán lẻ ngoài Thế giới di động và Điện máy Xanh là 8.365,2 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, chủ yếu là ghi nhận lỗ từ chuỗi Bách hóa Xanh.

Từ năm 2014 (khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán) đến năm 2021, Thế giới di động có tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 36,2%/năm và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 33,9%/năm. Có thể thấy, giai đoạn này, Công ty liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, năm sau cao hơn năm trước chủ yếu là nhờ chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh.

Năm 2022, Thế giới di động ghi nhận lợi nhuận giảm 16,3%, về còn 4.101,71 tỷ đồng.

Và năm 2022, khi hai chuỗi bán lẻ này gặp khó khăn, lần đầu tiên kể từ khi lên niêm yết, Công ty đã ghi nhận mức tăng trưởng âm khi lợi nhuận giảm 16,3%, về còn 4.101,71 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 65% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Việc đánh mất đà tăng trưởng hai con số của Thế giới di động có thể không chỉ là câu chuyện tạm thời. Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 ở mức 135.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.200 tỷ đồng, tăng 1% về doanh thu và 2% về lợi nhuận so với thực hiện trong năm 2022, với giả định sức mua sẽ hồi phục tích cực từ quý III/2023.

Công ty chia sẻ, theo ghi nhận sơ bộ trong những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự kiến của Công ty. Trong đó, tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra ngay cả đối với nhóm khách hàng trung, cao cấp, do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế.

Trong khi đó, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức mua trả góp. Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra bằng việc mua các sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.

Theo dự báo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tác động lan toả của suy thoái kinh tế toàn cầu đối với ngành bán lẻ bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của các công ty bán lẻ trong quý IV/2022 do nhu cầu tiêu dùng kém trong bối cảnh thu nhập khả dụng bị siết chặt. Diễn biến tiêu cực này nhiều khả năng sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng nhộn nhịp trở lại vào nửa cuối năm 2023 và hồi phục mạnh hơn vào năm 2024.

Nhiều năm trở lại đây, chưa năm nào mà thu nhập của người dân ở nhiều ngành nghề đều chịu tác động. Đối với nhóm xuất khẩu, đơn hàng sụt giảm dẫn tới việc cắt giảm giờ làm và sa thải nhân viên hàng loạt trong các lĩnh vực như may mặc, da giày… Đối với lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực xương sống của nền kinh tế việc các chủ đầu tư mất thanh khoản ngắn hạn dẫn tới chậm cho nhà thầu, dự án chậm triển khai và kéo theo nhiều lĩnh vực liên quan chịu ảnh hưởng…

Với những tác động nêu trên, việc chi tiêu tiêu dùng bị thắt chặt là điều không thể tránh khỏi. Trong đó, hai chuỗi mũi nhọn và đóng góp lợi nhuận chính cho Thế giới di động là Thế giới di động và Điện máy Xanh đang và tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm lại và thu nhập người dân suy giảm.

Với việc hai chuỗi tạo tiền chính đang gặp khó khăn, điều này sẽ làm hạn chế khả năng “gồng” lỗ cho chuỗi Bách hóa Xanh và chuỗi nhà thuốc An Khang. Điều này có thể là nguyên nhân chính khiến Thế giới di động không còn mở rộng hai chuỗi bán lẻ này từ cuối năm 2022 tới nay.

Tin bài liên quan