Thêm quỹ ETF, sẽ thêm cơ hội gọi vốn

Thêm quỹ ETF, sẽ thêm cơ hội gọi vốn

(ĐTCK) Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa công bố bộ quy tắc xây dựng 3 chỉ số mới là Vietnam Diamond Index, Vietnam Leading Financial Index và Vietnam Select Sector Index. Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành Quỹ ETF - Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, các quỹ ETF mô phỏng chỉ số tài chính có sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư, đặc biệt khi các tổ chức đầu tư luôn phân bổ một phần vốn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố bộ quy tắc xây dựng 3 chỉ số mới. Theo ông, nhà đầu tư nên đón nhận việc này như thế nào?

Các chỉ số mới và các sản phẩm tài chính dựa trên các chỉ số này sẽ tạo ra nhiều lựa chọn đầu tư đa dạng hơn. Ðiều này đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, những người khá ưa thích thị trường Việt Nam bởi sự ổn định của tình hình vĩ mô và thực tế thặng dư thanh toán cao.

Dòng vốn và chuỗi cung ứng quốc tế đang dịch chuyển tới Việt Nam khiến cho Việt Nam trở thành nước có nhiều tiềm năng tăng trưởng toàn cầu tiếp theo sau Trung Quốc và các nước Ðông Nam Á cũ.

Một trong các sản phẩm tài chính dựa trên chỉ số cổ phiếu đang lên ngôi mạnh mẽ trên thế giới và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng phân bổ tài sản toàn cầu là quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF). Kênh huy động vốn này ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi với chi phí thấp và hiệu quả đầu tư khá tốt.

Trong xu hướng này, các quỹ ETF mô phỏng 3 chỉ số mới của HOSE được kỳ vọng sẽ thu hút vốn mới cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số ngành cũng sẽ dễ dàng được nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và chấp nhận khi thị trường thế giới đã trải qua quá trình phát triển lâu dài đối với sản phẩm đầu tư theo ngành nghề hoặc theo một yếu tố đặc thù nào đó (ví dụ các công ty do phụ nữ quản lý, công ty theo tiêu chí ESG, công ty bị giới hạn room…).

Ông nhìn nhận như thế nào về sự quan tâm của dòng vốn ngoại với các sản phẩm đầu tư chuyên biệt? Phải chăng các quỹ ETF có lợi thế là có thể sáng tạo ra các sản phẩm đầu tư, phục vụ các nhu cầu chuyên biệt này?

Các sản phẩm đầu tư chuyên biệt về ngành nghề có sự biến động theo chu kỳ khá lớn, bởi trong môi trường kinh tế hiện nay, rất nhiều công ty hoạt động theo chu kỳ. Một số ngành nghề thường hoạt động tốt trong chu kỳ thị trường đi lên lại thường hoạt động rất kém trong chu kỳ đi xuống.

Vì vậy, trong chu kỳ đi lên một số ngành nghề sẽ rất phát triển như tài chính (ngân hàng, chứng khoán, đầu tư...), hay bất động sản (và vật liệu xây dựng đi kèm), nhưng lại hoạt động rất kém trong các chu kỳ nền kinh tế và thị trường đi xuống.

Thêm quỹ ETF, sẽ thêm cơ hội gọi vốn ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Hạnh.

Ngược lại, một số ngành nghề phòng thủ, tiêu dùng cơ bản, dược phẩm, y tế…, các doanh nghiệp thường hoạt động khá ổn định ngay cả trong chu kỳ đi xuống. Vì vậy, khi tham gia đầu tư theo ngành nghề, nhà đầu tư cần có sự am hiểu về chu kỳ kinh tế, chu kỳ TTCK.

Các nhà đầu tư tại khu vực châu Á đặc biệt quan tâm tới nhóm ngành tài chính, bởi đây là nhóm hưởng lợi chính của quá trình đô thị hóa và tỷ lệ lao động trẻ lên ngôi tại Việt Nam hiện nay.

Tại khu vực này, số lượng người sử dụng dịch vụ tài chính còn thấp, tỷ lệ khách hàng có tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán thấp nên tiềm năng tăng trưởng là rất lớn. Nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính cũng là nhóm hưởng lợi nhất trong quá trình phát triển mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Nếu như ETF khá hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, nhưng nhà đầu tư nội lại không mấy mặn mà. Trong khi đó, các cổ phiếu nhóm ngành tài chính còn rất nhiều cổ phiếu còn room. Vậy các quỹ ETF nếu lập trên 2 bộ chỉ số có đặc tính tài chính hoặc hết room thì liệu có hấp dẫn được dòng vốn?

Như đã nói ở trên, các chỉ số này có sức hấp dẫn khá lớn với các nhà đầu tư có gốc châu Á, những người rất ưa thích các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. 

Tại Việt Nam, thực tế 2 nhóm này chiếm  khoảng 40% tỷ trọng trong chỉ số VN-Index và cũng là nhóm ngành có tỷ trọng lớn nhất trong hầu hết các chỉ số chứng khoán của các nước tại châu Á.

Chúng tôi đánh giá, các quỹ ETF mô phỏng chỉ số tài chính có sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư, đặc biệt là khi các tổ chức đầu tư luôn phân bổ một phần vốn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng chỉ số tài chính sẽ không phải trả mức phí (premium) cao như khi mua cổ phiếu trực tiếp trên sàn. Tỷ trọng các cổ phiếu ngân hàng hết room trong chỉ số tài chính hiện cũng chiếm khoảng 50% trong chỉ số và không phải là tỷ lệ thấp.

Ngoài 3 bộ chỉ số mới sắp ra mắt, theo ông, nhà quản lý nên xây dựng thêm chỉ số nhóm ngành nào khác và vì sao?

Nhìn chung, chỉ số VN-Index của Việt Nam hiên nay bị chi phối chính bởi 3 nhóm ngành là tài chính, bất động sản và tiêu dùng. Do đó, 3 nhóm ngành này là 3 nhóm ngành có tiềm năng nhất để có thể triển khai đầu tư theo ngành, vì có đủ các công ty có quy mô lớn cũng như ngành nghề đủ lớn để có thể làm được chỉ số ngành.

Ngoài ra, nhóm ngành công nghiệp cũng có thể trở thành nhóm ngành tiềm năng để xây dựng chỉ số ngành có thể đầu tư. Tuy nhiên, khảo sát nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài của chúng tôi cho thấy, các nhà đầu tư có xu hướng thích các cổ phiếu bán lẻ và công nghệ hơn, nhưng 2 nhóm này có số lượng công ty khá ít và khó đủ để lập chỉ số.

Ở các thị trường trên thế giới có nhiều quỹ ETF mô phỏng theo các chỉ số không, thưa ông?

Trên thế giới hiện nay, ngành quản lý quỹ đã thuộc về các quỹ ETF, họ là những công ty quản lý quỹ có lượng tài sản quản lý lớn nhất thế giới và tỏ ra vượt trội so với các quỹ đầu tư chủ động theo mô hình cũ.

Các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu thường có rất nhiều loại chỉ số khác nhau trong khi tại các nước châu Á và các thị trường mới nổi, nhà đầu tư chủ yếu đầu tư vào chỉ số thị trường chung của quốc gia mà ít đầu tư vào chỉ số của một ngành cụ thể.

Tuy nhiên, khi thị trường càng phát triển thì nhu cầu đầu tư vào từng ngành càng cao hơn. Lưu ý rằng, khi đầu tư theo ngành cần có dải ngành đủ để cho nhà đầu tư chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác theo chu kỳ thị trường.

Một chỉ số như chỉ số thị trường chung thường được hầu hết các quỹ ETF mô phỏng theo. Một chỉ số có thể có hàng trăm quỹ ETF khác nhau mô phỏng là điều rất bình thường. Họ cạnh tranh với nhau nhờ phí thấp, cơ chế tạo lập thị trường (market making) hiệu quả cho nhà đầu tư tham gia cũng như sự tiện dụng trong đầu tư.

Quay trở lại với thị trường Việt Nam, theo ông, nếu có quỹ ETF mô phỏng chỉ số Vietnam Diamond (các cổ phiếu hết room) thì có hấp dẫn được dòng tiền ngoại không?

Nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu hết room là lớn. Chúng tôi đánh giá, chỉ số này sẽ thu hút được tiền từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, do yêu cầu về mức thanh khoản tối thiểu của chỉ số không cao nên có thể một số nhà đầu tư sẽ e ngại việc một số cổ phiếu thành phần có mức thanh khoản không thật sự tốt.

Nhưng dù vậy, chúng tôi vẫn đánh giá, nếu có quỹ ETF xây dựng trên chỉ số của các mã hết room thì khả năng thu hút được dòng tiền sẽ rất tích cực. Nhà đầu tư nước ngoài đang phải trả mức premium để mua các cổ phiếu hết room hiện nay như MWG, MBB, FPT, PNJ, REE, GMD, VPB, TCB…

Trong thời gian tới, SSIAM có dự định thành lập quỹ ETF mới dựa trên các chỉ số mới công bố không, thưa ông?

SSIAM sẽ thành lập 1 quỹ ETF dựa trên 1 chỉ số ngành tài chính nói trên và chưa có ý định lập quỹ dựa trên chỉ số hết room. Chúng tôi sẽ cân nhắc trong thời gian tới về việc lựa chọn chỉ số phù hợp theo chiến lược đầu tư của Công ty.

Tin bài liên quan