Thêm xung lực mới!

Thêm xung lực mới!

(ĐTCK) Đề cập tới một loạt vấn đề nóng của thị trường bất động sản thời gian vừa qua, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Chính phủ là thông tin được quan tâm nhất với giới quan sát thị trường trong tuần rồi.

Chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ một mặt cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng của lĩnh vực bất động sản với nền kinh tế, mặt khác sự sâu sát trong việc yêu cầu xử lý các vấn đề nóng cho thấy một viễn cảnh khá lạc quan đối với thị trường thời gian tới.

Trong đó, ý chính được Chính phủ nhấn mạnh là dù đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực từ năm 2014 đến nay, nhưng sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, "sức khỏe" ngành bất động sản quyết định lớn đến sự "lên xuống" của nhiều ngành nghề, không chỉ riêng đối với kinh tế Việt Nam, mà trên thế giới điều này cũng được khẳng định.

Nói một cách dân dã, ai cũng cần ít nhất một mái nhà để ở!

Hầu như ngành nghề nào cũng đều gắn bó và có mối liên hệ với bất động sản. Không chỉ là nơi hút nguồn vốn lớn từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản còn tạo ra động lực phát triển các ngành khác như sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải...

Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, ở các nước phát triển nếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng lên 1 USD thì sẽ có khả năng thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển từ 1,5 - 2 USD.

Tại Việt Nam, ngành bất động sản dù chưa thực sự có khả năng thúc đẩy các ngành liên quan ở mức tỷ lệ cao như ở các nước phát triển (phần vì bất động sản là ngành còn tương đối non trẻ), nhưng cũng chứng minh được khả năng tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế chung.

Đặc biệt, kể từ năm 2014 trở lại đây, sự phát triển của lĩnh vực bất động sản tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong thay đổi cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư nước ngoài và dòng kiều hối đổ về lớn nhất. Bên cạnh đó, nó cũng giải quyết bài toán quan trọng về nhu cầu nhà ở ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, bất động sản là một ngành còn tương đối non trẻ so với nhiều ngành nghề khác. Kể từ năm 2014, sau khi hai bộ luật quan trọng là Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi ban hành và có hiệu lực, về cơ bản thị trường đã có một khung khổ pháp lý tương đối chuẩn mực với độ mở cao.

Dẫu vậy, thực tế cho thấy, qua thời gian vận hành, khuôn khổ pháp lý hiện nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết hoặc chưa theo kịp với diễn biến chung của thị trường.

Một trong những minh chứng rõ nét nhất là tình trạng "sốt đất" cục bộ liên tục xảy ra ở một số địa phương lớn như Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn hay một số vùng ngoại ven hai thị trường Hà Nội, TP.HCM. Mặc dù có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, nhưng thực tế cho thấy, việc xử lý của các cấp địa phương thường chậm trễ khi nhiều quy định chồng chéo nhau, hệ quả sau cơn sốt đất là nhiều người "tiền mất, tật mang".

Cũng cần nói thêm, sự chồng chéo về pháp lý và quá trình thanh kiểm tra ở một số dự án kéo dài cũng khiến cho việc cấp phép với một số loại hình bất động sản mới du nhập vào Việt Nam như condotel, officetel, hometel khó khăn, kéo dài, gây ảnh hưởng cả với nhà phát triển dự án lẫn nhà đầu tư, phần nào làm giảm đi sự tự tin của nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.

Với mục tiêu bao trùm là hướng thị trường tiếp tục phát triển bền vững, tại Chỉ thị 11/CT-TTg, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho nhiều bộ, ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… Trong đó, điều được giới quan sát thị trường quan tâm là các nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung nhiều sắc luật quan trọng; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường; bố trí nguồn vốn cho nhà ở xã hội; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ quyền sở hữu đối với một số loại hình bất động sản mới… Chẳng hạn, Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường “Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú...) theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý III/2019”…

Siết tăng trưởng nóng, ngăn chặn sốt ảo và mở ra cơ hội với những dư địa phát triển mới, thị trường có quyền kỳ vọng nếu chỉ thị này được triển khai theo lộ trình “trên nóng, dưới cũng nóng theo”.     

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan