Nhà đầu tư cá nhân đang dõi theo động thái của quỹ ngoại

Nhà đầu tư cá nhân đang dõi theo động thái của quỹ ngoại

Theo dấu dòng tiền lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đợt giảm giá quá đà, ảnh hưởng bởi thông tin tiêu cực trên thị trường trái phiếu và các đợt bán giải chấp ồ ạt của công ty chứng khoán, dòng tiền đang tự tin giải ngân, nhất là khi chứng kiến động thái mua ròng của khối ngoại.

“Dõi theo dấu chân Fubon” là từ khóa đang “hot” trên nhiều diễn đàn của giới đầu tư chứng khoán. Cuối mỗi ngày, dân “oánh chứng” lại lục lọi xem trong phiên sáng, Fubon (quỹ đầu tư đến từ Đài Loan, Trung Quốc) và khối ngoại đã giải ngân vào những mã nào. Trước phiên bùng nổ cuối tuần qua, Fubon được cho là còn khoảng 750 tỷ đồng chưa giải ngân. Dù vậy, quỹ này còn tới gần 100 triệu Đài tệ và gần 250.000 USD. Như vậy, nếu tính ra tiền Việt, số tiền mà Fubon có thể mua vào lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Tâm lý đám đông của thị trường rất mạnh mẽ nên khi Fubon giải ngân, các dòng tiền khác đang quan sát lập tức chạy theo, cuốn theo cả tiền của các tổ chức đầu tư và cá nhân khác.

Thống kê cho thấy, trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán, tính đến cuối quý III năm nay vẫn có hơn 60.000 tỷ đồng đang “nằm chờ”. Khi cảm nhận có cơ hội, dòng tiền đã nhập cuộc. Một số room chứng khoán đã rôm rả trở lại, nhà đầu tư cũng rục rịch rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng để gửi vào tài khoản chứng khoán.

Tháng 12, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ sôi động vì các quỹ, tổ chức đầu tư có xu hướng giao dịch tích cực để chốt NAV đẹp, đồng nghĩa giá cổ phiếu phải cao hơn. Đây là chỉ số để đánh giá nhiều thứ, gọi vốn mới, lương thưởng cho đội ngũ quản lý…

Dòng tiền quyết định cục diện thị trường nên dễ hiểu khi gần đây doanh nghiệp lại đua nhau phải giải trình 5 phiên tăng trần, trong khi trước đó thi nhau giải trình chiều ngược lại. Lý do được nêu ra ở các bản giải trình là do cung - cầu thị trường, còn hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không có biến động đặc biệt nào.

Bỏ qua các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, không ít chuyên gia và nhà đầu tư tìm đến yếu tố kỹ thuật để lý giải cho “cơn sốt” những ngày qua.

Xét về lý thuyết, thị trường bò tót là tình trạng của một thị trường tài chính trong đó giá đang tăng hoặc dự kiến sẽ tăng, được xác định khi chỉ số giá cổ phiếu tăng từ 20% trở lên so với mức đáy gần nhất.

So với đáy 874 điểm, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 20%, liệu có phải thị trường đang trở lại giai đoạn “bò tót”, hay rồi sẽ “sớm nở tối tàn”?

Theo thống kê của Hartford Funds, thị trường bò tót kéo dài trung bình 991 ngày, tức là 2,7 năm. Nói cách khác, chỉ cần VN-Index bước vào thị trường bò tót, nhà đầu tư có gần 3 năm để kiếm lợi nhuận.

Thị trường bò tót có đặc trưng bởi sự lạc quan, niềm tin của nhà đầu tư, họ kỳ vọng rằng kết quả tốt sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian dài. Một trong những điều khiến thị trường bò tót duy trì còn nằm ở tâm lý, là việc các nhà đầu tư thấy thị trường hấp dẫn, bèn đổ tiền vào, tạo lực cầu lớn hơn trên thị trường. Các đợt điều chỉnh thông thường nếu xuất hiện sẽ thường ở mức 10 - 12% và những đợt điều chỉnh sẽ không làm thay đổi toàn bộ xu hướng tăng của thị trường.

Vậy những nghi ngờ về trái phiếu đáo hạn năm 2023, những khó khăn về sản xuất khi doanh nghiệp bị siết room tín dụng có khiến đà tăng của thị trường đảo ngược?

VN-Index đã nã phát súng báo hiệu bước vào giai đoạn mới khi có phiên bùng nổ theo đà vào ngày 22/11/2022 khi chỉ số này đóng cửa tại 971,46 điểm, tăng 23,75 điểm, tương đương 2,51%, thanh khoản đạt 9.482,28 tỷ đồng. Hai phiên sau đó, VN-Index tiếp tục xác nhận sức mạnh của xu hướng mới. Đặc biệt, đà tăng mạnh của VN-Index đi kèm thanh khoản rất cao, đánh bay những nghi ngờ của nhiều nhà đầu tư.

Lại nhớ về câu nói của William O’Neil, “Thị trường là một cơ chế phản hồi. Thị trường không có hằng số, luôn có sự thay đổi, nhiều thay đổi nhanh, nhiều thay đổi chậm, đó là bản chất của trò chơi đầu tư tài chính”. Liệu đã đến giai đoạn khởi đầu cho 3 năm tìm kiếm lợi nhuận?

Tin bài liên quan