Theo Hổ thụ lộc…

Theo Hổ thụ lộc…

(ĐTCK-onli9ne) Mươi ngày nữa mới Tết, nhưng hương Xuân đã trở về với mưa phùn như khói như sương. Người người đã chộn rộn đi sắm sanh. Năm nay dẫu cho kinh tế suy thoái, nhưng báo đài cho biết, Tết tây Tết ta tiền thưởng đều khá cả, nên chi tiêu cũng có phần rộng rãi. Riêng dân đầu tư chứng khoán, cái khoản lộc lá còn “khẳm” hơn. Ngoài lương thưởng cơ quan, sàn Bắc sàn Nam cũng chẳng phụ công người có lòng, mỗi sàn cũng tăng được năm bảy chục phần trăm trong năm Trâu vàng.

Thói thường năm hết Tết đến, người ta hay trang hoàng nhà cửa để đón Xuân! Bộ Tam đa “Phúc - Lộc - Thọ” thế nào cũng được chủ nhân chăm chút nhiều nhất. Cũng là điều hiển nhiên, bởi “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” là ba điều mơ ước thường nhật của mỗi người, mỗi nhà. Ai chẳng mong cha mẹ, ông bà và bản thân trường Thọ. Còn Phúc và Lộc thì biết mức nào là đủ? Xưa các cụ dạy: “Một con một của ai từ”. Ngày xưa, Lộc, có thứ của vua ban, có loại của dân biếu. Vua ban để úy lạo bầy tôi. Còn dân biếu quan để bày tỏ lòng biết ơn. Như vậy, hoàn toàn có thể nói: Lộc chính là sự ghi nhận công lao. Trên sàn chứng khoán, đâu phải ai bập vào cũng đều gặt hái. Người ta vốn chẳng bảo “vô công bất thụ lộc” là gì!  

 

Khi mê sàn chỉ là tiền…”

Xin được nhái lại câu thơ đời của ông nhà thơ kiêm bác sĩ chó mèo Nguyễn Bảo Sinh. Thói thường, chứng khoán là câu chuyện tiền bạc, của lộc lá, của đền này phủ nọ. Nhưng năm qua, hình như cái chuyện “Phát Lộc” với “Tán Lộc” của “dân ấp chứng”     cũng có phần đổi khác.

Chả là người viết có nhóm bạn, cũng là câu lạc bộ bia cỏ chứng khoán, chứ không đến mức là cả đàn cá mập rỉa rói con mồi như báo chí vẫn viết. Những năm trước thì đều như vắt chanh: “Lúc trẻ trai ngày hai buổi đến sàn. Yêu đô la qua từng tờ ghi lệnh”. Còn những lúc rỗi rãi là cả hội kéo nhau đi hết đền này phủ nọ… Cuối năm thì Phủ Tây Hồ, ông Hoàng Mười, đầu năm trực chỉ Bà chúa kho để mong cho tài lộc đầy bồ, tài khoản nhân đôi nhân ba. Năm qua, dù lộc sàn, lộc trời cũng không hẻo, nhưng địa chỉ của hội này lại thường là các gia đình khó khăn, các trại mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ hay những địa phương gặp thiên tai hạn hán. Hôm vừa rồi gặp nhau, đem thắc mắc ấy ra hỏi, anh “Chủ tịch câu lạc bộ bia cỏ” bảo: “Thật ra, suy nghĩ cũng đã khác trước rồi. Muốn âm phù thì cũng phải lo tích đức phần dương thế cái đã”.

Chẳng biết có phải chữ Lộc gắn với chữ Tâm trở thành một cái kết có hậu hay không, mà ông “chủ tịch” trên cả năm 2008 đã từng đốt gần chục ngôi biệt thự trên sàn. Thế nhưng, đến cuối tháng 10 vừa rồi, trong một cuộc trà dư tửu hậu với người viết đã xoa tay nở nụ cười thu hoạch mà rằng, anh đã hoàn vốn và dôi thêm vài ba căn nữa.

Hỏi thăm chiến lược đầu tư, anh cười hề hề: chú muốn đầu tư chứng khoán thì cứ nhờ người vẽ cho chữ Nhẫn bằng cái mẹt treo ở trước ngực ấy. Nghề này, thiếu Nhẫn thì làm gì có Lộc… Dù chưa từng làm chủ DN, nhưng anh cũng mạo muội đồ rằng, trong các lĩnh vực kinh doanh, nhà đầu tư chứng khoán có thể xem là các nhà lãnh đạo giỏi nhất, bởi vì trong khi các nhà lãnh đạo khác thi thoảng mới phải ra quyết định thì họ phải ra các quyết định mua bán hàng ngày. Ra quyết định thì vài giây vài phút, nhưng đừng mong nay mua sàn mai bán trần với mong mỏi dỡ nhà người khác về làm nhà ngang nhà mình. Cái câu “dục tốc bất đạt” phải nhẩm dăm lần trước khi xuống tay viết lệnh...

Hoá ra, ông bác sĩ chó mèo làm thơ thâm đáo để: “Khi mê tiền chỉ là tiền. Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”. Nghiệp chứng khoán từ Nhẫn đến Lộc; Từ Lộc đến Tâm. Cũng là cái vòng tuần hoàn đáng mơ ước. Nhưng chẳng biết năm cọp Canh Dần, lộc lá đầu tư thế nào nhỉ? Dự đoán điểm số thì không dám vì gương chuyên gia vẫn sờ sờ. Đành mạo muội lạm bàn về Dịch học vậy...

 

Năm Hổ và “Lý hổ vĩ”

Người phương Đông cho rằng, Hổ biểu hiện cho sức mạnh, quyền lực, sự nhiệt tình và dũng cảm. Trong truyền thuyết thì bốn vị thần trấn giữ bốn phương trời là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước. Còn trong phong thủy, hai khái niệm trấn giữ hai cục thế bên cạnh huyệt đạo quan trọng là Thanh Long và Bạch Hổ.

Khác hẳn với sự thực tế, tính toán của hành Thổ năm Sửu 2009, sự cứng rắn và lạnh lẽo là đặc tính của hành Kim thống trị trong Thiên can Canh năm nay. Trong khi Địa chi Dần lại là mệnh Mộc. Các cụ xưa nói, “cưa đứt đục suốt” chẳng hiểu có phải dựa trên cái nguyên lý dịch học Kim gặp Mộc này không? Sự khác biệt này sẽ cho ra kịch bản của năm Canh Dần là một năm năng động thịnh Dương.

Điều không thể sẽ dường như là có thể trong một năm đầy hào hứng này. Những việc cần nhưng chưa thực hiện được do còn gặp nhiều trở ngại thì trong năm nay sẽ được hoàn tất, hoặc ít nhất sẽ được tiến hành.

Nhân năm Canh Dần, bác nhà văn kiêm nhà dịch học Xuân Cang có bốc được một quẻ gọi là quẻ “Lý hổ vĩ”. Đây là quẻ thứ 10 trong Kinh dịch. Lời quẻ nghe hoang dã, cổ sơ không dính một chút nào với tên quẻ Dịch, nhưng cho đến nay vẫn còn tính hiện đại, nhà đầu tư chứng khoán cũng học được ít nhiều.

Đó là quẻ Thiên Trạch Lý. Thiên là Trời. Trạch là đầm hồ. Tượng quẻ là trời ở trên, đầm (hồ) ở dưới. Trời bao la thâm nghiêm bí ẩn đầy uy lực soi bóng xuống mặt đầm mênh mông tươi vui trinh trắng như tâm hồn thiếu nữ. Thế nhưng, một quẻ Dịch với nội dung trinh trắng như vậy lại được dẫn bằng lời quẻ như sau: Giẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn, hanh thông. Lời quẻ khiến người đọc phải giật mình, dừng lại rất lâu trên từng chữ.

Trời là dương, đầm hồ là âm. Âm nhu vui vẻ theo dương cương, đó là thuận lẽ trời. Có tính âm nhu, vui vẻ đi theo sau dương cương thì dù người đi trước mình dữ như cọp, cũng tỏ ra hiền từ với mình, cho nên bảo rằng giẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn. Vậy là nhu có thể thắng cương, cái hiền khô có thể thắng cái bạo cường, cái mềm mỏng có thể thắng cái cứng rắn.

Phải thế nào thì giẫm lên đuôi cọp mà vẫn an toàn chứ? Chỉ có mấy chữ mà nói lên cái tính cách người, bản lĩnh người. Giẫm lên đuôi cọp, mà biết sợ hãi, nên sẽ tốt. Đi sau cọp thì phải biết sợ mà đề phòng, sẽ được an toàn.

Ngày xưa, Quỷ cốc tiên sinh ngồi xem hai con hổ đánh nhau mà vuốt râu hùm cười ha hả nghĩ ra thế “Tọa sơn quan hổ đấu”. Năm nay năm Hổ, mình dĩ nhiên chẳng phải loại hổ báo gì rồi, chỉ biết dựa theo cái quẻ Thiên Trạch Lý mà nhu hòa với thị trường. Người khôn ngoan vẫn bảo, đừng cố tỏ ra khôn ngoan cưỡng lại thị trường là cái ý này đây. Bởi thị trường là chốn ngọa hổ tàng long, sói nằm cừu ẩn, hạng nào cũng có. Giẫm vào đuôi hổ nhưng hổ thấy hiền lành mà không quay đầu cắn cổ. Âu cũng là lấy chữ Nhẫn để tìm chút Lộc vậy.

Trong truyện ngắn “Bi kịch của chàng Wanxon ngốc nghếch”, Mark Twain đã mượn miệng nhân vật chính của mình thốt lên rằng: “Tháng Mười, đấy là tháng chơi cổ phiếu nguy hiểm nhất; còn các tháng nguy hiểm khác là tháng Bảy, tháng Một, tháng Chín, tháng Tư, tháng Mười một, tháng Năm, tháng Ba, tháng Sáu, tháng Mười hai, tháng Tám và cả tháng Hai nữa”. Như vậy thì tháng nào chẳng là tháng ẩn chứa rủi ro! Đấy không chỉ là lời hài hước trong sáng tác của Mark Twain, trong thực tế, nó còn nói trúng đòn đau thấm thía mà nhà văn từng dính trên sàn chứng khoán.

Vậy thì vào ra thị trường khác gì chơi với cọp. Nếu không muốn “com cóp cho cọp nó xơi” thì cần Nhẫn mới có Lộc. Đầu tư chứng khoán không phải như bán hàng ngoài chợ, tính lãi lỗ ngay trong ngày, trong phiên hay thậm chí trong tháng. Mùa Xuân đang nở hoa trên mọi miền đất nước. Hy vọng rằng, bảng điện tử cũng nở hoa. Những bông hoa dành cho người biết gieo hạt, vun trồng và kiên nhẫn chờ ngày hái quả…

Ở quê tôi, đến ngày 30 Tết, ai cũng lo trang trải hòm hòm các khoản nợ nần, khó quá thì mang lễ sang nhà người ta khất nợ. Trước giao thừa, nấu một nồi nước thơm thật to để mọi người trong nhà cùng tắm gội, mong gột sạch những rác rưới, đen đủi của năm cũ để tâm hồn nhẹ nhõm đón chào năm mới. Tết này, mong được mừng tuổi mỗi nhà đầu tư một chữ Nhẫn.

Từ Nhẫn đến Lộc đâu có bao xa!!!