VN-Index điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh

VN-Index điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liêp tiếp tăng gần 90 điểm sau 7 phiên gần nhất, cuối cùng thì áp lực điều chỉnh cũng diễn ra trong phiên hôm nay. Tuy vậy, theo nhiều phân tích, nhịp điều chỉnh này là cần thiết để củng cố cho đà tăng trong trung và dài hạn của thị trường.

Việc VN-Index đã liên tiếp tăng 7 phiên và đã xuất hiện rung lắc khá mạnh trong phiên hôm qua với sự xuất hiện của mẫu hình nến Dragonfly Doji. Điều này cho áp lực chốt lời đã có sự gia tăng đáng kể.

Đồng thời, chỉ báo Stochastic Oscillator đã bắt đầu cho tín hiệu bán trong vùng quá mua khiến rủi ro điều chỉnh ngắn hạn gia tăng.

Điểm tích cực là dòng tiền ngoại vẫn đang chảy mạnh và tâm lý nhà đầu tư vẫn rất vững vàng khi lực cung giá thấp luôn được tiết giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Mặc dù vậy, điều gì đến cũng phải đến, khi nhịp điều chỉnh ắt sẽ diễn ra trong bối cảnh thị trường tăng "nóng" như hiện tại.

Tuy nhiên, theo một số nhận định từ các công ty chứng khoán, những nhịp tích lũy, điều chỉnh nếu xuất hiện sẽ là điều cần thiết để củng cố cho đà tăng trong trung và dài hạn.

Diễn biến điều chỉnh theo đó đã tìm đến thị trường trong phiên chiều nay, khi VN-Index sau khi rung lắc nhẹ ở ngay trên vùng tham chiếu đã đảo chiều giảm khi nhóm bluechip xuất hiện thêm nhiều sắc đỏ, dù không giảm mạnh, nhưng cũng đủ khiến chỉ số đánh rơi gần 10 điểm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 136 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index giảm 9,77 điểm (-0,66%), xuống 1.460,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1.405 triệu đơn vị, giá trị 34.302,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 79 triệu đơn vị, giá trị 1.912 tỷ đồng.

Nhóm bluechip VN30 đổi sắc, với 25 mã giảm khi kết phiên. Tuy nhiên, hầu hết đều chỉ giảm nhẹ, với BCM dẫn đầu cũng chỉ mất 2,2% xuống 67.000 đồng, các mã theo sau là BID, VJC, VHM, VCB, VRE, GVR, dù chỉ mất 1,4% đến 1,8%.

Các mã tăng, với SAB, SSB, MWG nhích nhẹ và LPB +2% lên 33.500 đồng và SSI +2,5% lên 30.500 đồng.

Trong khi đó, nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn thu hút dòng tiền và đứng vững ở mức giá trần đi kèm thanh khoản cao như PTL, GEE, FIT, LDG, HDC, SMC, TDC, BCG và TSC. Các cổ phiếu OGC, TDG, JVC, GEX, TLH, HAR, DAH tăng từ hơn 4% đến hơn 6%.

Ở chiều ngược lại, một số ít các cổ phiếu giảm đáng chú ý có HAG, CRC, DC4, DRH, TCH, VNE, TDH khi để mất hơn 3% đến hơn 5%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục tăng trong phiên chiều và cũng đã có nhịp lùi bước, thu hẹp đáng kể đà tăng vào cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 77 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,30%), lên 240,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 165,7 triệu đơn vị, giá trị 2.716,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,9 triệu đơn vị, giá trị 47,1 tỷ đồng.

Vẫn là hai cổ phiếu nhỏ DDG và MBG thu hút nhà đầu tư khi kết phiên ở mức giá trần, khớp trên dưới 1,8 triệu đơn vị mỗi cổ phiếu. Hai mã khác còn tăng khá là TIG +5,3% lên 8.000 đồng và APS +7,7% lên 8.400 đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu SHS hạ nhiệt, chỉ còn tăng hơn 2% lên 15.000 đồng, nhưng khớp lệnh vượt trội khi có tới hơn 50,6 triệu đơn vị.

Các mã khác như CEO, MBS, PVS, VFS, VGS giảm nhẹ, khớp 5,3 triệu đến hơn 19,7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau ít phút rung lắc đầu phiên chiều và cũng đã thu hẹp đà tăng vào cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,36 điểm (+0,35%), lên 103,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,7 triệu đơn vị, giá trị 1.329,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16 triệu đơn vị, giá trị 492,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu SBS vẫn là điểm nhấn chính khi tăng kịch trần +13,7% lên 5.800 đồng và khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 10,8 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai 41IF7000 giảm 7,2 điểm, tương đương 0,45% xuống 1.594 điểm, khớp lệnh hơn 172.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 40.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, nhưng mã khớp lệnh tốt nhất là CMWG2407 tăng điểm, dù chỉ +3% lên 680 đồng/cq, khớp 2,6 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan