Thi hành án dân sự vẫn tồn đọng gần 50% số vụ việc

Thi hành án dân sự vẫn tồn đọng gần 50% số vụ việc

(ĐTCK) Ngày 1/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức sơ kết công tác tư pháp 8 tháng đầu năm. Theo đó, việc thi hành án dân sự vẫn không có gì đột phá.

Thi hành án dân sự vẫn tồn đọng gần 50% số vụ việc ảnh 1

Theo Bộ Tư pháp, lâu nay, việc thi hành án dân sự vẫn được đánh giá là chậm trễ, án tồn đọng lớn và tỷ lệ thi hành án hoàn thành về giá trị còn thấp. Do đó, lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết 37 về việc giao chỉ tiêu cho các ngành công an, kiểm sát, toà án và thi hành án. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về vụ việc, trên 77% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án.

Để thực hiện được chỉ tiêu này, Bộ Tư pháp đã tổ chức giao chỉ tiêu cụ thể cho các cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời tập trung rà soát công tác phân loại án. Kết quả, 7 tháng, qua phân loại số việc có điều kiện thi hành chiếm tới 75,4%, số tiền có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ 64,8%, tăng so với cùng kỳ năm 2012.

Cụ thể, từ ngày 1/10/2012 đến 30/4/2013, đã thi hành xong hơn 200.000 vụ việc trong tổng số gần 400.000 vụ việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 54,8%. Về số tiền, đã thi hành xong 9.683 tỷ đồng, tăng 5.765 tỷ đồng so với năm trước đó, đạt tỷ lệ 28,6%.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Hồng Sơn, việc thi hành án dân sự vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế, dẫn đến tình trạng tồn đọng án, như vấn đề liên quan đến bán đấu giá tài sản, việc miễn thi hành án cho các khoản thu ngân sách không có điều kiện thi hành. Đáng lưu ý, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật của ngành thi hành án còn chưa nghiêm, số lượng cán bộ, công chức trong đó có cán bộ lãnh đạo vi phạm và bị xử lý còn nhiều (25 trường hợp, tăng 5 trường hợp so với cùng kỳ).

Ngoài ra, để tạo điều kiện thi hành án dân sự và một số công việc khác, Bộ Tư pháp đã tiến hành thí điểm Văn phòng Thừa phát lại tại TP. HCM. Dự kiến thời gian tới, sẽ tiếp tục thí điểm mở rộng tại 13 tỉnh thành khác trong cả nước.

Một vấn đề khác là tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo, không hợp pháp, sai thẩm quyền… liên tục được dư luận phản ánh. Theo Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, qua theo dõi và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật, 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra 251.900 văn bản và phát hiện 3.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp, vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền. Các cơ quan ban hành đã xử lý xong 2.305 văn bản. Bộ Tư pháp đã kiểm tra 898 văn bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều văn bản, như quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, quy định cấm phát tán thông tin tiêu cực…

Về đăng ký giao dịch bảo đảm, với việc triển khai đăng ký trực tuyến được bắt đầu từ năm 2013, số lượng đơn yêu cầu tăng mạnh, trên 30% so với cùng kỳ, đạt số lượng 95.509 đơn. Trong đó, số lượng đơn đăng ký trực tuyến đạt hơn 32.000 đơn, chiếm tỷ lệ 33,9%; số lượng tra cứu tìm hiểu thông tin trực tuyến đạt gần 170.000 lượt.

Đối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, 6 tháng đầu năm, các bộ ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 325 thủ tục hành chính. Như vậy, tổng số thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa đến nay là 3.606 thủ tục trong số 4.751 thủ tục được Chính phủ yêu cầu đơn giản.