Số lượng đại lý bảo hiểm trên thị trường hiện khá lớn. Ảnh: Dũng Minh

Số lượng đại lý bảo hiểm trên thị trường hiện khá lớn. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường bảo hiểm: Tỷ lệ K2, có cần giấu!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số lượng đại lý bảo hiểm có mặt trên thị trường là 770.601 đại lý, trong đó có gần 90.000 nhân viên ngân hàng, do đó bên cạnh tỷ lệ K2, cũng cần công khai cả tỷ lệ bỏ hợp đồng bảo hiểm toàn thị trường.

Tỷ lệ K2 cần được cập nhật trung thực

Sau khi đăng tải bài báo Cần sớm công khai tỷ lệ bỏ hợp đồng bảo hiểm được ký qua ngân hàng”, Báo Đầu tư Chứng khoán tiếp tục nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đề xuất cần công khai thêm tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm toàn thị trường.

Quan điểm công khai những con số được cho là nhạy cảm như tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm được ký qua ngân hàng (K2) được nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng, việc công bố cần được thực hiện một cách trung thực và thường xuyên. Nói như đại lý bảo hiểm cá nhân lâu năm Nguyễn Hùng Hồ, điều này sẽ thể hiện rõ năng lực quản trị của ngân hàng, công ty bảo hiểm.

“Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần yêu cầu các ngân hàng, công ty bảo hiểm phải công bố rộng rãi, trung thực tỷ lệ K2 nói riêng và các thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm nói chung, bởi công tác công bố thông tin trên thị trường bảo hiểm hiện chậm trễ hơn so với các ngành nghề khác, gây rủi ro cho người tham gia bảo hiểm”, đại lý bảo hiểm trên nhấn mạnh.

Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian qua, ngoài yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo và thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm đối với các nhân viên ngân hàng, Cục còn đề nghị các công ty bảo hiểm có các biện pháp nâng cao tỷ lệ K2 nhằm đảm bảo hiệu quả, an toàn tài chính của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Trên thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ K2 như gắn tỷ lệ này với chính sách thi đua, khen thưởng dành cho nhân viên ngân hàng, đa dạng hóa các kênh thu phí trên nền tảng trực tuyến và tại ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng nộp phí bảo hiểm, giới thiệu các chương trình chăm sóc khách hàng, tăng cường công tác nhắc phí thông qua các công cụ như SMS, email, điện thoại…

Sau khi hợp đồng bảo hiểm được phát hành, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động liên lạc với khách hàng để lấy ý kiến đánh giá về chất lượng hoạt động tư vấn bảo hiểm của nhân viên ngân hàng. Nếu phát hiện có dấu hiệu ép buộc mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, trong trường hợp tiếp tục duy trì hiệu lực của hợp đồng đó thì phải được khách hàng chấp thuận. Có công ty bảo hiểm còn thỏa thuận với ngân hàng về các chế tài xử lý nhân viên ngân hàng vi phạm theo hướng nghiêm khắc nhất.

Bởi trên thực tế, có không ít trường hợp nhân viên ngân hàng gần như “tặng không” hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng VIP mà không cần tư vấn, nghĩa là không dựa trên nhu cầu bảo hiểm thực, kết quả là tỷ lệ K2 giảm mạnh trong những năm sau do khách hàng không tiếp tục đóng phí.

Không phủ nhận việc liên tiếp đầu tư tăng chất lượng phục vụ khách hàng từ khâu bán hàng, chăm sóc, bồi thường, đào tạo và từng bước đi vào hoạt động chuyên nghiệp hơn, nhưng chất lượng của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng, kênh bán bảo hiểm nói chung (ở không chỉ khối nhân thọ, mà còn cả khối phi nhân thọ) vẫn còn nhiều vấn đề.

Những lùm xùm trong bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng từng được đưa vào nghị trường Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa qua (hiện luật này đã được thông qua từ tháng 6/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 11/2023). Theo đó, ngoài đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, có đại biểu quốc hội còn đề xuất cần có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng “ép” khách hàng phải mua bảo hiểm mới được giải ngân vốn vay, hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”… được các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều thời gian qua.

Khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, trong bối cảnh các công ty bảo hiểm có xu hướng mở rộng hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh tổ chức tín dụng, tình trạng khách hàng vay vốn bị “ép” mua bảo hiểm nhân thọ diễn ra khá phổ biến, bất chấp những biện pháp chấn chỉnh được đưa ra.

Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã có quy định cấm đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm… để hạn chế tình trạng này, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, trên cơ sở dự thảo Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm sẽ bổ sung các chế tài xử lý đại lý bảo hiểm là cá nhân hay tổ chức vi phạm, kết hợp với việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được quyền của mình khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, các nhân viên của tổ chức đại lý bảo hiểm hiểu đúng nghĩa vụ của hoạt động đại lý và tuân thủ quy định pháp luật bảo hiểm.

Vì sao cần công khai tỷ lệ bỏ hợp đồng bảo hiểm toàn thị trường?

Ngoài đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến đề xuất cần công khai thêm cả tỷ lệ bỏ hợp đồng bảo hiểm của toàn thị trường (bao gồm cả kênh bán bảo hiểm cá nhân truyền thống và kênh đại lý bảo hiểm tổ chức, chứ không chỉ riêng kênh bán qua ngân hàng) vì số lượng đại lý bảo hiểm trên thị trường hiện khá lớn.

Tính đến hết tháng 6/2022, số lượng đại lý bảo hiểm mới tuyển dụng là 131.597 đại lý, nâng tổng số lượng đại lý bảo hiểm có mặt trên thị trường lên 770.601 đại lý, trong đó có gần 90.000 nhân viên ngân hàng, theo thống kê của Bộ Tài chính. Theo đó, kênh phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có sự tăng trưởng doanh thu rõ rệt, tốc độ tăng trưởng phí khai thác mới đạt khoảng 20%/năm.

Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (hoạt động theo mô hình đại lý tổ chức) đưa ra đề xuất, nếu công ty bảo hiểm để tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm thấp thì không cho tăng số lượng cấp chứng chỉ cho tư vấn viên, cũng không cho mở rộng kinh doanh. Việc này tương tự như Ngân hàng Nhà nước đang quản lý nợ xấu ở các ngân hàng. Các đại lý chạy theo doanh số hợp đồng để hưởng hoa hồng nên tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm còn thấp, khiến các công ty bảo hiểm bị lỗ vốn và được coi là “lợi nhuận xấu”. Do đó, cần loại trừ khoản “lợi nhuận xấu” này để phát triển ngành bảo hiểm theo hướng bền vững hơn.

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tỷ lệ K2, bởi nhà bảo hiểm thường dùng tỷ lệ này để đánh giá và thưởng đại lý bảo hiểm đạt tỷ lệ duy trì hợp đồng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có lẽ do tỷ lệ này hiện chưa “đẹp” nên công ty bảo hiểm chưa công bố nếu không bắt buộc.

“Hiện các công ty bảo hiểm nhân thọ đang làm việc với Bộ Tài chính về phương pháp quản lý gián tiếp thông qua việc kiểm soát chi phí ban đầu các công ty có thể thu của khách hàng. Động thái này tích cực ở chỗ hạn chế nguồn thu của các công ty bảo hiểm để trả quá nhiều cho các đại lý có hợp đồng bảo hiểm năm đầu tiên, dù không đạt chất lượng, từ đó thúc đẩy công ty bảo hiểm cần có chính sách khuyến khích các đại lý có tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm cao”, ông Hải nói.

Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, bên cạnh K2, cơ quan quản lý cũng cần xem chỉ tiêu lãi, lỗ sau thuế của công ty bảo hiểm là tiêu chí đánh giá nhà bảo hiểm uy tín để khách hàng có thêm cơ sở lựa chọn, chứ không hoàn toàn dựa vào doanh thu phí bảo hiểm như hiện nay.

Tin bài liên quan