Dự án Vinhomes Ocean Park 2 vẫn có thanh khoản kỷ lục ngay trong giai đoạn thị trường thanh lọc.

Dự án Vinhomes Ocean Park 2 vẫn có thanh khoản kỷ lục ngay trong giai đoạn thị trường thanh lọc.

Thị trường bất động sản chờ đòn bẩy “nới room - tăng cung”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã xuất hiện một số thay đổi khiến cho mùa kinh doanh cuối năm nay của nhóm doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng trở nên dễ thở hơn.

Tăng cung đón tin… nới room

Việc Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với một số tổ chức tín dụng vào ngày 7/9/2022 là một trong những thông tin được các doanh nghiệp và nhà đầu tư mong chờ nhất nhiều tháng qua.

Trong đó, 4 “ông lớn” ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh và 11 nhà băng tư nhân có sức khoẻ tốt hoặc tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng 1-4%.

Xác nhận với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Vietcombank cho biết, Ngân hàng được tăng thêm 2,7% từ mức trần cũ 15%. Với Agribank, ngân hàng 100% vốn nhà nước, cũng vừa được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%. Với quy mô dư nợ tốp đầu hệ thống, dự kiến nhà băng này còn dư địa khoảng 50.000 tỷ đồng để tung ra thị trường đến hết năm.

Hai nhà băng có vốn nhà nước còn lại cũng được nới room, nhưng ở mức khiêm tốn hơn. Còn với nhóm nhà băng tư nhân quy mô nhỏ hơn, mức nới tín dụng quanh 3% khá phổ biến. Đơn cử, Sacombank được giao thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, nhà băng này còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỷ đến hết năm.

Một nhà băng tư nhân khác được cho là MBbank (có kế hoạch nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém) cũng được cấp thêm room tín dụng 3,2%, tương đương với mức tăng trưởng tín dụng cả năm xoay quanh 14,5%.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, những doanh nghiệp có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt sẽ có hy vọng được giải ngân trong thời gian sắp tới. Đồng thời, “khi nền kinh tế được cấp thêm hạn mức tín dụng mới cộng với tăng cung tiền từ việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, chắc chắn bất động sản sẽ được thơm lây với sức cầu tăng lên”, đại diện một chủ đầu tư đang mở bán một số dự án bất động sản lớn ven Hà Nội kỳ vọng.

Trên thực tế, liền trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố nới room tín dụng, nhiều chủ đầu tư đã rục rịch công bố kế hoạch tung lượng hàng lớn vào thời điểm cuối năm hoặc đầu năm tới. Chẳng hạn, Vinhomes sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường bất động sản miền Bắc giai đoạn 2022-2023 với các dự án của Vinhomes, MIK Group, Ecopark, Gamuda, Văn Phú - Invest như Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire, Gamuda City, Imperia River View, Ecopark…

Tại thị trường phía Nam, Nhà Khang Điền cũng công bố sẽ mở bán dự án Classia với 176 căn nhà phố/biệt thự vào quý IV/2022 và một dự án khác được mở bán trong quý 4 năm nay là Priva (Bình Tân, TP.HCM), diện tích 1,8 ha. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, Đất Xanh Group có thể sẽ thi công trở lại dự án Gem Riverside sau 4 năm tạm dừng do vướng mắc về pháp lý. Đất Xanh có thể nhận được giấy phép xây dựng và mở bán dự án này trong nửa cuối 2022, cung cấp hơn 3.000 căn hộ cao cấp.

Một dự án đáng chú ý khác khu vực phía Nam dự kiến ra mắt trong cuối năm nay là Izumi City (Đồng Nai) của Nam Long. Theo công bố từ Nam Long, doanh nghiệp dự kiến tung ra 517 sản phẩm từ đợt mở bán dự án này trong năm nay với doanh số ước tính 3.514 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam Long cũng đã bán ra thị trường nhiều sản phẩm cao tầng tại dự án Akari City và Mizuki City tại TP.HCM.

“Cú nhả phanh” đúng lúc

Các chuyên gia và rất nhiều thành viên thị trường cho rằng đây là quyết định đúng đắn và kịp thời, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không siết tín dụng bất hợp lý với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, không siết quá chặt tín dụng thời điểm này là một quyết định sáng suốt. “Duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ là hành xử phù hợp nhất của cơ quan điều hành trong giai đoạn này”, ông Nghĩa phân tích.

Theo ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Hải Phát Land, việc nới room tín dụng dù gián tiếp nhưng cũng sẽ có tác động rất tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và tạo dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát triển.

“Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho”, ông Giang nói.

Đồng quan điểm, theo đánh giá của các chuyên gia tới từ Công ty Chứng khoán SSI, việc nới room có thể giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để trả nợ, đáo hạn trái phiếu, đặc biệt đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để xoay vòng. Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp lớn còn tài sản đảm bảo để vay ngân hàng sẽ đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới cũng như vay trái phiếu quốc tế...

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, thị trường bất động sản thời gian qua bước vào giai đoạn điều chỉnh và có sự sàng lọc. Thị trường sẽ phục hồi ở một số phân khúc như nhà ở, khu công nghiệp… và diễn biến khả quan rõ nét hơn bắt đầu từ quý IV năm nay khi room tín dụng mở dần.

Thực tế, cuộc khủng hoảng nợ bất động sản tại Trung Quốc từ việc siết tín dụng quá đà đã làm dấy lên những mối lo ngại trên thị trường bất động sản châu Á và ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Mới đây, Trung Quốc đã “sửa sai” bằng cách bơm 29 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản hoàn thành các dự dang dở, sau khi nguồn cung dự án mới sụt giảm và khoảng 5% dự án hiện tại bị đình trệ do thiếu vốn.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Fiin Group, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh tính đến cuối quý II/2022, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) trung bình là 0,3 - 0,4 lần, tỷ lệ tiền và tương đương tiền tương đối cao, khoảng 15 - 20% tổng tài sản. Do đó, việc cơ quan quản lý điều chỉnh các chính sách điều hành của mình theo hướng ít khắt khe hơn so với trước đó như nới room và dự kiến là cả dự thảo sửa đổi Nghị định 153 mà Bộ Tài chính đang dự kiến trình Chính phủ thông qua, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp cận lại dòng vốn tốt hơn, đồng thời thị trường sẽ tạo đà ổn định hơn vào cuối năm nay.

Dự báo diễn biến thị trường sắp tới, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group nhận định, các bất động sản phục vụ nhu cầu thực như chung cư tại các thành phố lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,… sẽ lên ngôi. Ngược lại, những sản phẩm đầu cơ như phân lô tách sổ đất rừng, đất nông nghiệp… có hồ sơ pháp lý mù mờ sẽ “hết đất diễn”.

"Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những chủ đầu tư tốt và những người tham gia vào thị trường hiện tại đều là nhà đầu tư có tiềm lực, có tầm nhìn. Tôi khẳng định, thị trường sẽ trụ vững qua giai đoạn khó khăn này và sẽ sớm trở lại chứ không đổ vỡ như một số dự báo”, vị này nhấn mạnh.

Tin bài liên quan