Thị trường bất động sản: Chờ sức cầu lớn sau dịch

Thị trường bất động sản: Chờ sức cầu lớn sau dịch

(ĐTCK) Hàng trăm chuyến bay mỗi ngày đưa du học sinh, người lao động, Việt kiều và cả người nước ngoài đến Việt Nam những ngày qua. Hàng chục bài viết trên các báo nước ngoài nói về Việt Nam với những phương án chống dịch Covid-19 hiệu quả…

Những thành công chỉ là bước đầu và dịch bệnh những ngày tới còn rất phức tạp, không cho phép mỗi người và cả hệ thống chủ quan, lơi lỏng. Lượng người lớn đổ về cũng gây những băn khoăn về sự quá tải… Nhưng rõ ràng, sự yên tâm của người Việt và sự thừa nhận của thế giới về một Việt Nam an toàn là có thật. Những hành động đó, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, đơn giản là chúng ta phải làm vì nghĩa đồng bào.

Mà trong bối cảnh này, còn gì quý hơn sự an yên!

Vì vậy mà đã có ý kiến lạc quan nhận định rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, rất có thể sẽ có nhiều người nước ngoài, Việt kiều đến Việt Nam mua nhà, mua đất.

Với cả triệu Việt kiều, đó đơn giản là sự tìm về quê hương khi đã có được lòng tin; còn với người nước ngoài, giá cả bất động sản, nhất là bất động sản nghỉ dưỡng còn rất rẻ so với thế giới, và sự yên bình có thể là những lý do họ chọn Việt Nam làm địa chỉ “phòng thủ” cho những bất trắc phi truyền thống trong tương lai.

Bình luận này có đúng hay không sẽ cần thời gian trả lời, nhưng ngay trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng này, có thể thấy các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam không thụ động đứng ngoài cuộc.

Doanh nghiệp này ủng hộ tiền bạc, vật dụng cho công tác chống dịch, doanh nghiệp kia miễn giảm tiền thuê mặt bằng cho đối tác... Và hăng hái nhất, kịp thời nhất, có lẽ phải kể đến sự vào cuộc của các doanh nghiệp bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Chỉ tính đến cuối ngày 19/3, Tổng cục Du lịch cho biết, đã có 120 khách sạn, cơ sở lưu trú trên cả nước đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch Covid-19, có nơi thu phí (nhưng giảm), có nơi tự nguyện “cho không”, trong đó nhiều nhất tập trung tại hai tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng…

Sự vào cuộc của doanh nghiệp, cùng với các chính sách hỗ trợ người Việt hồi hương, thậm chí cả với những vị khách nước ngoài một cách vô tư của Việt Nam suốt những ngày qua, đã thực sự tạo nên mối thiện cảm với bạn bè quốc tế về một Việt Nam an toàn, thân thiện.

Xúc động trước tình cảm, lối nghĩ, cách ứng xử của Chính phủ và người dân Việt, ông Gareth Ward, đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết: “Tôi mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả y bác sĩ và các cơ quan Chính phủ Việt Nam vì đã giúp chúng tôi hỗ trợ các công dân Anh trong thời gian qua. Rất nhiều du khách Anh đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam”.

Trong một đánh giá mới đây về tiềm năng thị trường, đặc biệt là 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam bình luận, TP.HCM được các nhà phân tích bất động sản đánh giá là thành phố ưa thích của các nhà đầu tư nhà ở do tiềm năng tăng trưởng và năng suất cao hơn, vượt xa so với Bangkok (Thái Lan), Singapore.

“Chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Việt Nam và các hiệp định thương mại tự do với hơn 60 quốc gia đã giúp tạo ra một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, củng cố sức hấp dẫn và động lực của Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi tin rằng, hai thành phố lớn nhất đất nước sẽ tiếp tục vượt trội về tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư nước ngoài trên toàn cầu”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản Việt Nam những năm qua đã thực sự trở thành mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư quốc tế. Và sau những điều tốt đẹp đã làm được trong cơn bĩ bực này, sau làn sóng tìm về, tìm đến của những người Việt xa xứ, cả những du khách 5 châu, ngày hái quả với các thành viên thị trường hẳn không còn xa ngái, khi Việt Nam thực sự được biết đến, được tin tưởng là bến đậu an toàn, là nơi có thể tạo lập ngôi nhà thứ 2, là nơi để thôi thúc quay về, mong đến.

Đánh giá về câu chuyện thời hậu Covid-19, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savill Hà Nội cho biết, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được. Tuy nhiên, việc chủ động ứng phó với các kịch bản cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh được khống chế sẽ là cơ hội để ngành giảm bớt thiệt hại trong ngắn hạn.

“Về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng”, ông Sơn nhấn mạnh. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan