Ảnh Dũng Minh

Ảnh Dũng Minh

Thị trường bất động sản “gồng mình” chờ cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bức tranh nhiều màu xám do bị bủa vây bởi dịch bệnh, các thành viên thị trường bất động sản mong sớm cụ thể hóa và tháo gỡ các chính sách hỗ trợ mang tính nền tảng để yên tâm ổn định sản xuất kinh doanh.

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại “Diễn đàn Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường” do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố, bao gồm: Sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản.

Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính gắn với dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà, hay đầu tư.

Theo ông Lộc, việc các địa phương chủ động đẩy mạnh triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 mới là động lực cho các doanh nghiệp trong kế hoạch định hướng kinh doanh.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, bức tranh thị trường hiện nay còn nhiều vướng mắc, đặc biệt trong sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu. Các doanh nghiệp hiện nay trông chờ nhiều các chính sách có thể thẩm thấu và đi vào thực tế, từ đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp, khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp đến thu nhập của đại bộ phận người dân, hoạt động mua bất động sản để ở hoặc đầu tư bị dừng lại. Đồng thời, sự sụt giảm thu nhập khiến khách hàng vay ngân hàng để đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Cengroup cho rằng, cơ hội và các dòng đầu tư bất động sản nhiều hơn, song cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, mô thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn… Các chính sách ban hành luôn nhận được sự đón nhận của doanh nghiệp, đặc biệt là những chính sách mang tính cởi mở và tạo điều kiện thông thoáng cho môi trường kinh doanh, nhưng từ việc ban hành chính sách tới việc cụ thể hóa cần sự vào cuộc sớm hơn của các nhà làm luật.

Có những khung chính sách các doanh nghiệp nay cũng rất nhiều lần góp ý và mong muốn cơ quan quản lý làm rõ ràng hơn. Chẳng hạn, việc sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có việc giao sớm quyền sử dụng đất và quyền tài sản gắn liền với đất nó rõ ràng, rành mạch để chúng tôi có thể ghi nhận vào báo cáo tài sản của doanh nghiệp mình một cách rõ ràng. Đặc biệt là loại tài sản nhưng lại gắn liền với đất đi thuê trả tiền hàng năm khi tài sản của doanh nghiệp nhưng lại đất thuê nên khó trong việc thế chấp tài sản, đồng thời ghi các quyền tài sản đó khi hạch toán.

Dưới góc nhìn đơn vị phân phối, ông Hưng cho rằng, cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được mua/bán, bất động sản nào không được mua/bán mà chỉ được cho thuê, ví dụ condotel, officetel, bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại – dịch vụ. Thậm chí, có thể cân nhắc ghi rõ trong các chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp để từ đó vừa định hướng cho doanh nghiệp thực thi đúng, vừa giúp khách hàng tránh việc mua phải những loại hình bất động sản trên thực tế không được cấp phép giao dịch,…

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các doanh nghiệp địa ốc đang rất mong chờ những giải pháp hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan quản lý để vượt qua thách thức dịch bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều chính sách phát triển hiện nay lên chủ trương rất nhiều nhưng việc thực hiện lại không được như mong muốn. Trong khi đó, nhiều đề xuất lại không cụ thể hóa hoặc chưa đi sát với thực tiễn của thị trường hoặc chưa phù hợp với giai đoạn phát triển. Từ các chính sách phát triển nhà ở xã hội, đề xuất nhà ở giá thành thấp (dưới 20 triệu đồng/m2),…đề xuất rất nhiều, nhưng cách vận hành thực thi lại có gì đó chưa phù hợp.

Dưới góc nhìn của các cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cơ quan luôn lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Từ thực tiễn, cơ quan quản lý luôn xác định đây là những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xuất hiện những diễn biến về đại dịch, những biến động mới trong phát triển kinh tế của đất nước.

Thị trường bất động sản là một ngành kinh tế tổng hợp, nếu chỉ riêng ngành xây dựng mà xử lý chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính... Do đó, giải pháp mang tính tổng hợp trước tiên là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh bất động sản, sửa đổi bổ sung luật đất đai, quy định đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở, để đáp ứng nhu cầu mới.

Hiện nay, rất nhiều mô hình kinh doanh bất động sản mới ở thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam đem về, trong khi luật pháp Việt Nam chưa có quy định và cũng đang vướng mắc. Bản thân các cơ quan nhà nước ở địa phương và Trung ương cũng đang vướng mắc. Có nhiều dự án khả năng chưa thể xử lý ngay được mà cần có sự tháo gỡ từng bước.

Tin bài liên quan