Ảnh: Lê Toàn

Ảnh: Lê Toàn

Thị trường bất động sản “nhúc nhắc” trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu tạo đáy, nhà đầu tư bắt đầu tự tin hơn khi ra quyết định xuống tiền và chủ đầu tư cũng lên kế hoạch cho việc đưa hàng ra thị trường, dù ban đầu mới chỉ ở dạng “dò đá qua sông”.

Thị trường khởi động trở lại

Sau thời gian dài “đứng hình”, thị trường bất động sản gần đây bắt đầu chứng kiến nhiều dự án mới được chào bán. Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, điểm chung của các dự án tung sản phẩm ra thời điểm này là đều có chính sách bán hàng linh hoạt.

Tại TP.HCM, mới đây, Hưng Thịnh Land ra mắt dự án Avatar Thu Duc quy mô gần 3,3 ha, bao gồm 6 toà tháp căn hộ cao từ 28-33 tầng, cung cấp ra thị trường gần 2.400 sản phẩm. Đại diện chủ đầu tư cho biết, khách hàng khi mua căn hộ tại dự án được trả chậm trong 5 năm, ký hợp đồng thanh toán trước 4% và mỗi tháng trả góp 0,75% giá trị căn hộ. Ngoài ra, khách hàng mua căn hộ trước ngày 15/4/2023 còn được chiết khấu thêm 1% giá trị căn hộ, thanh toán trước hạn được hưởng 18% lãi suất của phần vượt.

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh đã công bố bán sản phẩm tại dự án ở huyện Hóc Môn, giá bán trung bình hơn 30 triệu đồng/m2 và tiến độ thanh toán cũng được kéo dài trong 5 năm theo dạng trả góp. Với chính sách này, Hưng Thịnh đã bán thành công gần 400 căn hộ của dự án.

Tương tự, Capitaland đang mở bán dự án căn hộ cao cấp Delasol tại quận 4, quy mô 1,45 ha bao gồm 870 căn hộ, giá trung bình 7 tỷ đồng/căn, người mua thanh toán trước 30% được nhận nhà, ngân hàng hỗ trợ vay vốn 65%, thời gian bàn giao nhà vào quý IV/2023. Đây là dự án bị vướng thủ tục pháp lý trong thời gian dài và nằm trong danh sách dự án được lãnh đạo TP.HCM tích cực gỡ vướng thời gian qua.

Ngoài ra, một số dự án khác trên địa bàn Thành phố cũng được mở bán trở lại như Khang Điền tung ra dự án The Classia Khang Điền (TP. Thủ Đức); Hongkong Land chào bán căn hộ dự án The Maq trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1); Keppel Land đưa ra thị trường 100 căn Celesta (huyện Nhà Bè)…

Không chỉ tại TP.HCM, theo ghi nhận của phóng viên, các thị trường lân cận bắt đầu có dấu hiệu hồi phục trở lại, nhất là những khu vực có thông tin về hạ tầng và chính sách quy hoạch, chẳng hạn như khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Huy, Giám đốc một doanh nghiệp môi giới bất động sản tại Nha Trang cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là cửa ngõ chính ra Biển Đông, trong đó khu kinh tế Vân Phong, đô thị Cam Lâm là động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. Cụ thể, phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Trong đó, phát triển TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, còn huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

“Thị trường các khu vực trọng tâm trong quy hoạch như Vân Phong, Cam Ranh, Cam Lâm… trong những ngày qua chứng kiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại tìm hiểu”, ông Huy nói và cho rằng, dù chưa xác định được tình hình giao dịch, song với những gì đang diễn ra, khả năng những khu vực này sẽ sớm sôi động trở lại.

Một khu vực phụ cận khác nhận được sự quan tâm của thị trường là TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản SG Holdings, 2 tuần qua, thị trường bất động sản Bình Thuận bắt đầu xuất hiện nhiều hơn bóng dáng nhà đầu tư.

“Chưa phải là xu hướng, song Bình Thuận là một thị trường xuất phát từ nhu cầu thực, nhiều trường hợp do kẹt tiền mới chấp nhận bán giá thấp hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông nơi đây đang được phát triển mạnh, nên không ít nhà đầu tư đang âm thầm săn hàng trở lại”, ông Sang nói và chia sẻ thêm, mới đây, Bình Thuận đã chính thức thông xe kỹ thuật đoạn đường 8 km ven biển ĐT 719B, kết nối Quốc lộ 1 đến khu vực biển Tiến Thành. Được biết, đây là địa điểm tổ chức lễ khai mạc năm du lịch quốc gia 2023 (diễn ra tại NovaWorld Phan Thiết). Ngoài ra, theo kế hoạch, ngày 30/4 tới, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chính thức thông xe cũng trở thành lực đẩy cho thị trường bất động sản Bình Thuận.

Những khu vực có thông tin về quy hoạch hạ tầng sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Toàn

Những khu vực có thông tin về quy hoạch hạ tầng sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Ảnh: Lê Toàn

Cơ hội dần mở

Ở thời điểm hiện tại, dù hoạt động giao dịch chưa chuyển biến rõ nét, song theo nhiều thành viên thị trường, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua. Theo ông Đoàn Thanh Ngọc, Giám đốc Công ty PropertyX (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh), tâm lý thị trường hiện ổn định hơn nhiều so với trước, đây là yếu tố quan trọng đối với thị trường bất động sản.

Còn ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn DKRA cho hay, trong vài tuần trở lại đây, thị trường xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Tại một số dự án do DKRA tham gia bán hàng, thanh khoản bắt đầu có sự chuyển biến, kể cả nhóm sản phẩm có giá trị lớn. Đơn cử, sản phẩm tại dự án The Classia (TP. Thủ Đức) của Khang Điền có giá trị từ 20-40 tỷ đồng/căn, mỗi ngày có từ 3-5 giao dịch được thực hiện. Tương tự, dự án căn hộ The Marq trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) trong tầm giá khoảng 10 tỷ đồng/căn cũng bán khá tốt…

Theo ông Hiếu, có 4 yếu tố chính hỗ trợ thị trường lúc này: Một là, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc được Chính phủ và các cơ quan quản lý thực hiện quyết liệt, lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm dần; hai là, nhu cầu tích sản bằng bất động sản của người dân vẫn rất lớn; ba là, tiền trong dân còn nhiều, bằng chứng là thời gian gần đây, sản phẩm nhà phố có giá trị từ 20-40 tỷ đồng thanh khoản khá tốt, có người sẵn sàng chi trả một lần bằng tiền mặt để hưởng chính sách chiết khấu cao; bốn là, tâm lý phổ biến hiện nay là thích đầu tư bất động sản an toàn, tức là pháp lý đầy đủ, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, chất lượng xây dựng tốt và đặc biệt, thời gian thanh toán càng kéo dài và càng chẻ nhỏ thì khách hàng càng thích mua.

Theo phân tích của giới chuyên gia, sau thời gian dài trầm lắng, thị trường bất động sản đang dần mở ra cơ hội mới. Sẽ khó xảy ra tình trạng sốt đất khắp nơi như giai đoạn trước, song với các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, dự án được đầu tư bài bản… sẽ luôn được chú ý.

Ông Nguyễn Lê Tiến Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cát Tường chia sẻ, nhiều người cho rằng xuống tiền vào thời điểm này là không khôn ngoan, nhưng với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thì lúc này là thời điểm tốt nhất để tích lũy đường dài. Bởi trên thực tế, cứ sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, thị trường bất động sản lại bật dậy mạnh mẽ hơn.

Tâm lý thị trường bớt hoang mang

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS)

Nửa đầu quý I/2023, thị trường địa ốc vẫn duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài từ năm 2022. Hiện tại, tất cả thành viên thị trường đều “nín thở” theo dõi từng động thái từ Chính phủ. Mặc dù thị trường vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không còn tâm trạng “hoang mang”, “hoảng loạn”... như thời điểm năm 2022.

Ngay từ đầu năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản nói chung, doanh nghiệp môi giới địa ốc nói riêng đã “xác định sẵn tinh thần” để đối mặt với thực tế khó khăn này. Một số doanh nghiệp phải đối diện với thách thức sớm từ đầu năm 2022, đến thời điểm này đã “bình tâm” hơn và đang nỗ lực vận dụng các cơ chế, chính sách mới để vượt qua khó khăn hiện tại. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có động thái quan tâm hơn với thị trường, đặc biệt là tại các khu vực có thông tin đầu tư hạ tầng, khu kinh tế...

Lời giải cho bài toán phục hồi là sự chung tay của các doanh nghiệp

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group

Để dòng tiền quay trở lại với bất động sản sẽ cần giải pháp tổng thể. Thứ nhất là kinh tế vĩ mô phải tăng trưởng khả quan. Thứ hai là cần khôi phục niềm tin của người dân vào thị trường. Hiện tại, dù Nhà nước đang tập trung gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, nhưng phải có chính sách cụ thể hơn. Chỉ khi người mua cảm thấy việc tháo gỡ pháp lý diễn ra thật sự nhanh và tin rằng thị trường hồi phục, thì lúc đó họ mới xuống tiền.

Thứ ba là liên quan đến việc điều tiết lãi suất của ngân hàng. Ví dụ, lãi suất bây giờ giảm xuống dưới 10%/năm thì ít nhất người dân cũng có cơ sở để tin rằng, khi lãi vay giảm thì cũng là lúc thị trường bất động sản “chạm đáy” và quyết định mua vào.

Bên cạnh đó, bản thân các chủ đầu tư cũng cần chủ động lấy lại niềm tin với khách hàng, mà muốn như vậy thì phải thực hiện đúng những gì đã cam kết trước đó. Điều lưu ý là không phải một doanh nghiệp, mà tất cả doanh nghiệp trên thị trường đều phải làm như vậy. Bởi chỉ cần có một doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ ảnh hưởng tới toàn thị trường. Vì thế, lời giải cho bài toán này là sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường.

Thị trường địa ốc có thể ấm lên từ nửa cuối năm

Ông Phạm Văn Nam, Chuyên gia đào tạo kinh doanh bất động sản
Ông Phạm Văn Nam, Chuyên gia đào tạo kinh doanh bất động sản

Theo quan sát của tôi, nhìn chung thị trường chưa sôi động, nhưng nhà đầu tư “cá mập” đã có những động thái rõ ràng hơn trong việc đi săn, đi gom hàng giảm giá. Cùng với đó là các nhà đầu tư có kiến thức, đi theo hội nhóm, dùng tiền thật săn hàng giá rẻ.

Tôi cũng nhận thấy tỷ lệ nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính tăng trở lại khi lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt. Chẳng hạn, ở khu vực TP. Thủ Đức (TP.HCM), phân khúc nhà chung cư trong tầm giá 3-5 tỷ đồng có giao dịch nhiều hơn do khả năng tiếp cận tín dụng tốt hơn.

Các thông tin vĩ mô như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần tốc độ tăng lãi suất USD, hay ở trong nước là việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho bất động sản…, những điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường bước vào giai đoạn lấy đà và có thể ấm lên từ nửa cuối năm.

Tin bài liên quan