Thị trường bùng nổ, ấn tượng cặp đôi VHM và VIC

Thị trường bùng nổ, ấn tượng cặp đôi VHM và VIC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có phiên giao dịch cuối tháng 7 đầy ấn tượng khi cả chỉ số và thanh khoản đều lập mức cao nhất trong 1 năm. Trong đó, yếu tố hỗ trợ chính là cặp đôi lớn VHM và VIC đều tăng trần với giao dịch bùng nổ.

Phiên giao dịch sáng diễn ra có chút hụt hẫng về cuối phiên khi VN-Index không giữ được mức điểm cao nhất dù nhóm bluechip tiếp tục hỗ trợ tích cực, đặc biệt là cổ phiếu lớn vẫn giao dịch bùng nổ. Nguyên nhân là do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi nhiều mã đã quay đầu giảm điểm.

Tuy nhiên, đây chỉ là cú nhún để thị trường lấy sức bật mạnh hơn trong phiên giao dịch chiều. Chỉ số VN-Index chỉ giao dịch lình xình đi ngang trong khoảng 30 phút mở cửa rồi bắt đầu tăng tốc trở lại khi lực cầu giá cao tham gia khá mạnh mẽ, đặc biệt là diễn biến khởi sắc hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Thị trường đã bứt phá mạnh mẽ và đóng cửa ghi nhận mức tăng hơn 15 điểm, tiếp tục xác lập vùng đỉnh mới trên mốc 1.220 điểm và hướng tới ngưỡng kháng cự tiếp theo 1.250 điểm. Như vậy, trái với lo ngại chung của thị trường, chỉ số VN-Index đã có tháng 7 giao dịch ấn tượng khi ghi nhận mức tăng 102,72 điểm, tương ứng tăng 9,17%.

Đáng chú ý, dường như thị trường đang dần quen hơn với các phiên thanh khoản vượt 20.000 tỷ đồng và trong phiên hôm nay, cùng sự góp sức của cổ phiếu lớn VIC giao dịch bùng nổ, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đã xác lập con số kỷ lục mới trong 15 tháng, kể từ phiên 22/4/2022 đạt 24.790 tỷ đồng. Điều này càng tiếp thêm niềm tin cho nhà đầu tư về xu hướng tăng của thị trường có thể sẽ được kéo dài hơn khi các cổ phiếu lớn, các nhóm cổ phiếu đã luân phiên làm khá tốt vai trò leader cho thị trường.

Chốt phiên, sàn HOSE có 304 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index tăng 15,23 điểm (+1,26%) lên 1.222,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, trị giá 24.100,92 tỷ đồng, tăng 8,1% về khối lượng và tăng 9,92% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 28/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 81,9 triệu đơn vị, giá trị 1.681,75 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn là động lực chính của thị trường khi ghi nhận 24 mã tăng và chỉ có 6 mã giảm, chỉ số nhóm này tăng tốt hơn chỉ số chung, với mức tăng hơn 18 điểm, nhờ sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VIC và VHM cùng đóng cửa tại mức giá trần, đều tăng 7%, lần lượt đứng tại mức giá 55.100 đồng/CP và 63.000 đồng/CP.

Đồng thời, thanh khoản cũng giữ nhiệt sôi động với VIC khớp lệnh hơn 10,56 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 4,46 triệu đơn vị; còn VHM cũng khớp tới hơn 5,47 triệu đơn vị và dư mua trần 86.100 đơn vị.

Trong khi đó, VRE cũng nới rộng biên độ so với phiên sáng và đóng cửa tăng 3% lên mức 29.650 đồng/CP và khớp lệnh đạt gần 11,6 triệu đơn vị.

Ngoài ra, nhiều mã bluechip khác cũng khởi sắc hơn với VJC tăng 4,3%, BCM tăng 3,8%, PLX tăng 3,6%, GAS tăng 2,1%, FPT tăng 1,4%...

Trong 6 mã giảm điểm, chỉ có MWG và VCB giảm sâu nhất khi cùng để mất 1,5%; còn lại PDR, HPG, SSI, SAB giảm nhẹ.

Xét về nhóm ngành, dưới sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VIC và VHM, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đã tăng tốc khi hàng loạt mã vừa và nhỏ đã đảo chiều khởi sắc hoặc nới rộng đà tăng điểm.

Điển hình như NVL đảo chiều tăng 2,7% lên mức giá cao nhất ngày 18.850 đồng/CP và thanh khoản cũng dẫn đầu thị trường với hơn 56,51 triệu đơn vị khớp lệnh; cặp DIG và DXG cũng hồi phục sắc xanh và đều khớp hơn 30 triệu đơn vị; TCH tăng ấn tượng 5,8%, HPX tăng 5,2%, HBC tiếp tục tăng kịch trần…

Tuy nhiên, vẫn có những mã ngược dòng thị trường chung như HDC giảm 4,27%, CTD đảo chiều sau phiên tăng tốc ngày cuối tuần 28/7 khi giảm 2,31%, PDR, LDG, LCG, HDG, DXS… giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục nhích nhẹ so với phiên sáng do sự “cản trở” của cặp đôi lớn SSI và HCM đều đóng cửa giảm nhẹ. Trong đó, VND và VIX vẫn là 2 điểm sáng của ngành, kết phiên lần lượt tăng 2,5% lên 20.800 đồng/CP và khớp 35,2 triệu đơn vị; tăng 3,3% lên mức cao nhất ngày 15.700 đồng/CP và khớp 28,97 triệu đơn vị.

Tương tự, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, anh cả VCB cũng mất điểm, còn lại chủ yếu đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng nhẹ trên dưới 1%. Ngoại trừ các mã tăng tốt là EIB tăng 2,93%, ACB tăng 3,38%; cổ phiếu STB đóng cửa chỉ tăng 1% nhưng là mã giao dịch sôi động nhất ngành với gần 21,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu thép vẫn mất điểm nhưng đà giảm đã thu hẹp đáng kể. Cặp HPG và HSG cùng giảm chưa tới 0,5%, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 45,1 triệu đơn vị và 23,72 triệu đơn vị. Cổ phiếu NKG cũng chỉ giảm 0,5% và khớp lệnh 10,68 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng nhích nhẹ về cuối phiên nhờ nhóm bluechip có chút khởi sắc hơn.

Đóng cửa, sàn HNX có 110 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 2,02 điểm (+0,85%) lên 239,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 114,84 triệu đơn vị, giá trị 1.827 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,45 triệu đơn vị, giá trị 129,36 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, cổ phiếu TAR vẫn tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 6,2% lên mức 22.300 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 6,61 triệu đơn vị. Ngoài ra, HUT tăng 3,4%, CEO tăng 2,6%, TNG tăng 2,3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bộ 3 nhà apec gồm APS, API và IDJ giữ vững đà tăng trần và đều đóng cửa trong trạng thái dư mua trần khá lớn.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng giao dịch tích cực hơn với các mã BVS, MBS, SHS đều tăng nhẹ. Trong đó, SHS đã lấy lại vị trí vua thanh khoản khi khớp hơn 13,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,6% lên 15.600 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà tăng nhẹ.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,45%), lên 89,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 81 triệu đơn vị, giá trị 1.221,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 37,42 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR khá ấn tượng nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Đóng cửa, BSR tăng 5,9% lên gần mức giá cao nhất trong ngày 19.600 đồng/CP, cùng thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt gần 21,7 triệu đơn vị giao dịch.

Trong khi đó, cổ phiếu nhỏ VHG đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản với hơn 5,27 triệu đơn vị giao dịch thành công, đóng cửa cũng tăng khá tốt 5,7% lên mức 3.700 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng mạnh, trong đó hợp đồng tương lai VN30F2308 tăng 24,2 điểm, tương đương +2% lên 1.234,2 điểm, khớp lệnh 136.135 đơn vị, khối lượng mở 60.884 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, các chứng quyền với chứng khoán cơ sở VHM và VIC đều tăng mạnh. Trong đó CVHM2216 tăng 163,2% lên 500 đồng/cq có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 2,89 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan