Nhà đầu tư đặt niềm tin lớn vào cổ phiếu bất động sản

Nhà đầu tư đặt niềm tin lớn vào cổ phiếu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thêm một phiên giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn cho thấy tâm lý tích cực và dồn lệnh tập trung mua vào nhóm cổ phiếu bất động sản giúp không ít mã trở thành điểm nóng thanh khoản trên thị trường.

Sau phiên sáng giảm điểm nhẹ, nhưng giao dịch vẫn rất sôi động, thị trường bước vào phiên chiều nối tiếp nhịp đi xuống và chỉ khi về gần 1.190 điểm thì bảng điện tử mới có chuyển biến tích cực hơn, khi sắc xanh gia tăng, lực cầu trở lại mạnh mẽ với nhóm bất động sản, xây dựng.

Trong khi đó, các bluechip thu hẹp đà giảm đã giúp VN-Index trồi dần lên và chạm gần ngưỡng 1.200 điểm trước phiên ATC và đáng tiếc đã không thể lấy lại ngưỡng điểm này mà quay đầu giảm thêm đôi chút khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 193 mã tăng và 262 mã giảm, VN-Index giảm 3,51 điểm (-0,29%), xuống 1.197,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,16 tỷ cổ phiếu, trị giá 22.695,5 tỷ đồng, tăng hơn 27% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn hơn 83,3 triệu đơn vị, giá trị 1.761 tỷ đồng.

Trong số những trụ cột giúp VN-Index không giảm thêm đáng kể là MWG, khi +3,8% lên 54.100 đồng, khớp hơn 5,82 triệu đơn vị, sau khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, dù kém khả quan với doanh thu 56.570 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ và mới hoàn thành được 42% so với kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Hai cổ phiếu bất động sản theo sau là NVL +3,8% lên 18.750 đồng và PDR +2,1% lên 22.000 đồng. Nhích lên đóng cửa tăng điểm còn có VJC, VIC, GVR, VNM, FPT, SSI.

Ở chiều ngược lại, VHM bất ngờ nới đà giảm và là lực cản lớn nhất đối với chỉ số khi -2,5% xuống 57.500 đồng. Dù vậy, ngoài VHM thì các mã giảm khác đều chỉ mất điểm nhẹ trên dưới 1% như PLX, VRE, MSB, BVH, SAB cùng các cổ phiếu ngân hàng.

Như đã đề cập, lực cầu về cuối phiên tập trung rất cao vào nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, ngoài NVL khớp lệnh vượt trội với hơn 71 triệu đơn vị, thì các mã khác cũng đã có mức tăng cao và thanh khoản khá.

Trong đó, những điểm sáng lớn thuộc về NBB, HPX, NHA, PHX, ITC, LDG, TGG và DXG khi đều đóng cửa ở mức giá trần, với DXG khớp lệnh đạt hơn 43,7 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2021, giá cổ phiếu DXG tại 18.850 đồng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2022.

Các mã khác trong nhóm khác là BCG +6,5% lên 10.650 đồng, KHG +6,1% lên 7.300 đồng, VCG +4,8% lên 26.300 đồng, TDH +4,2% lên 5.460 đồng, DXS +4,1% lên 11.450 đồng, TCH +4% lên 10.300 đồng.

Các cổ phiếu HTN, NTL, HDG, HAR, NLG, CII, LGL, TDC, TCD, CCL, PTL, CRE tăng từ hơn 2% đến 3,5%. Nhiều cổ phiếu khác giảm điểm cuối phiên sáng cũng đã đảo chiều và có sắc xanh như DIG, GEX, HQC, SCR, DRH, KBC, ASM, EVG…với DIG +2,2% lên 26.000 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau NVL với hơn 46,5 triệu đơn vị, các mã còn lại cũng thuộc top khớp lệnh cao nhất sàn với khối lượng từ hơn 5,3 triệu đến gần 22 triệu đơn vị.

Giảm điểm phiên này đáng kể có CTD khi -5,5% xuống 68.800 đồng, khớp lệnh hơn 2,11 triệu đơn vị, DHG -4,7% xuống 119.100 đồng, TLG -4,6% xuống 56.500 đồng, ST8 -4% xuống 23.800 đồng, cổ phiếu NT2 có thời điểm giảm sàn, nhưng kết phiên còn -3,2% xuống 29.100 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng điểm cũng đã giúp HNX-Index thu hẹp đà giảm và kết phiên chỉ còn mất điểm nhẹ.

Đóng cửa, sàn HNX có 73 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,56 điểm (-0,24%), xuống 235,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 106,4 triệu đơn vị, giá trị 1.743,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,9 triệu đơn vị, giá trị 251,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu tăng lác đác có CEO +0,5% lên 18.850 đồng, NRC +1,5% lên 6.700 đồng, TIG +2,5% lên 12.300 đồng, IPA +1,3% lên 16.200 đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý là NRC, khi nới rộng đà tăng từ mức +1,5% cuối phiên sáng đã lên mức giá trần trước khi còn +7,6% khi đóng cửa lên 7.100 đồng, khớp 5,39 triệu đơn vị.

Tăng khá còn có TIG +5% lên 12.600 đồng, gấp đôi mức tăng cuối phiên sáng, khớp 3,49 triệu đơn vị, NDN +4,2% lên 12.300 đồng, khớp 1,25 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu CEO, MBS, TAR, IDJ, MBG, MST, AAV, DVM, VC2 cũng đã tích cực hơn và tăng điểm nhẹ, khớp từ 1,19 triệu đến hơn 9,3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu SHS dừng chân ở tham chiếu 15.200 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 15,76 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã trồi dần và vượt nhẹ lên trên tham chiếu vào những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%), lên 88,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,5 triệu đơn vị, giá trị 754,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,48 triệu đơn vị, giá trị 15,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật nhất là DVN khi trở lại sắc tím +14,9% lên 22.300 đồng, khớp lệnh hơn 0,95 triệu đơn vị.

Các mã tăng khác trong số các mã thanh khoản cao không nhiều, với BSR, PAS, TVN và VTP, trong đó, BSR +0,5% lên 18.400 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 7,54 triệu đơn vị.

Khá nhiều cổ phiếu giằng co và về tham chiếu như VGI, NED, VGT, LMH, BOT, AAS, VHG, SBS, khớp từ 0,7 triệu đến 3,39 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2308 giảm nhẹ 3,2 điểm, tương đương -0,27% xuống 1.193,8 điểm, khớp lệnh có hơn 161.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 61.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CFPT2210 nổi bật khi +19,2% lên 903 đồng/cq, khớp hơn 1,03 triệu đơn vị, trong khi đó, CVNM2212 khớp lệnh cao nhất với 1,8 triệu đơn vị và tăng khá +7,7% lên 280 đồng/cq.

Tin bài liên quan