Bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại có nhiều điểm khác biệt so với những đợt phát hành tín phiếu trước của NHNN

Bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại có nhiều điểm khác biệt so với những đợt phát hành tín phiếu trước của NHNN

Thị trường chứng khoán: Ẩn số tín phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trong nước chịu áp lực rung lắc trước thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền về. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, liều lượng hút ròng phụ thuộc vào biến động tỷ giá, thị trường vàng, tiền ảo…

Áp lực mang tên “tín phiếu”

Phiên giao dịch cuối tuần trước nữa (8/3/2024), thị trường chứng khoán trong nước bất ngờ xuất hiện đà bán tháo trên diện rộng, mà tác nhân được cho là thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ mở lại kênh đấu thầu tín phiếu lan truyền trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đầu tư.

Những e ngại đâu đó về việc “đảo chiều chính sách lãi suất”, hay “dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng” và dữ liệu quá khứ về biến động của thị trường chứng khoán mỗi đợt Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu tiếp tục tạo áp lực rung lắc lên VN-Index trong tuần qua, khi thông tin chính thức được đưa ra.

Tính đến ngày hôm qua (18/3), Ngân hàng Nhà nước đã có 6 phiên liên tục phát hành tín phiếu, hút ròng khoảng 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Các lô tín phiếu trên có lãi suất từ 1,38 - 1,4%/năm.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra: Mục tiêu của động thái này là gì? Việc phát hành tín phiếu có tiếp tục?

Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), động thái hút ròng qua kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là nhằm kiềm chế “cơn sốt” tỷ giá USD/VND. Từ đầu năm tới nay, tỷ giá đã liên tục tăng nóng trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do.

Theo bà Hiền, ba yếu tố chính tác động đến tỷ giá thời gian qua gồm: USD vẫn duy trì sức mạnh so với các loại tiền tệ khác, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ. Ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước một mặt duy trì diễn biến tự nhiên của tỷ giá trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực đều yếu đi đáng kể so với đồng USD, mặt khác cẩn trọng quan sát áp lực tỷ giá đẩy lên lạm phát trong thời gian tới.

“Vì vậy, hoạt động hút ròng có thể tiếp diễn cho đến khi tỷ giá hạ nhiệt và tìm được điểm cân bằng”, bà Hiền nói.

Trong khi đó, ông Chen Chia Ken, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, việc phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là để điều tiết thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, giảm bớt lượng tiền dư thừa trong ngắn hạn, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD - VND nhằm giảm tình trạng đầu cơ trên tỷ giá.

Theo quan sát của CEO PHS, những lần Ngân hàng Nhà nước thực hiện phát hành tín phiếu trước đây đều dựa trên bối cảnh tình hình thực tế của thị trường tài chính tại thời điểm đó, nên phản ứng của thị trường chứng khoán cũng khác nhau ở từng thời điểm. Trong quá khứ, ba lần phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước gây tác động mạnh đến thị trường chứng khoán đều là vào những giai đoạn tình hình kinh tế trong nước biến động mạnh và tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực: Năm 2018 là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; năm 2020 là dịch bệnh Covid-19 bùng phát; năm 2022 là giai đoạn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mạnh mẽ nâng lãi suất USD để kiềm chế lạm phát, USD tăng giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước thậm chí phải bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá trong nước. Năm 2024, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới có nhiều sự khác biệt so với các lần phát hành tín phiếu trước đó. Hiện tại, chỉ số USD Index (đo lường sức mạnh đồng USD) đang trong xu hướng giảm khi Fed dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất từ giữa năm nay, trong khi các giai đoạn trước, Fed ở trong chu kỳ tăng lãi suất và USD-Index tăng mạnh.

“Tuy nhiên, hiện tại, thanh khoản dư thừa trong hệ thống liên ngân hàng vẫn còn lớn, tín dụng chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện và chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn còn ở mức âm. Lượng gọi thầu, kỳ hạn và lãi suất trúng thầu của tín phiếu chưa thực sự gây bất ngờ đối với thị trường. Do đó, tỷ giá khó giảm sâu hơn nữa và việc phát hành tín phiếu sẽ chỉ giúp ổn định tỷ giá quanh vùng 24.600 - 24.800 VND/USD, tương ứng với biến động khoảng 1,5 - 2% so với đầu năm”, CEO PHS nhận định.

Chung quan điểm, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, bối cảnh kinh tế và thị trường tiền tệ năm 2024 khác với tháng 9/2023. Tháng 9/2023, tỷ giá USD/VND chịu áp lực kép từ thị trường thế giới, khi chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) cũng tăng mạnh trong giai đoạn này, kết hợp với chênh lệch lãi suất VND USD trên liên ngân hàng âm. Năm 2024, điểm giống với năm 2023 là câu chuyện chênh lệch lãi suất VND/USD trên liên ngân hàng âm, nhưng điểm khác biệt là áp lực từ thị trường quốc tế và nội tại kinh tế Việt Nam. Áp lực từ thị trường quốc tế không còn nhiều như năm 2023, khi chỉ số DXY đã giảm từ mức 106,6 điểm ở giai đoạn tháng 11/2023 xuống còn 102,83 điểm ở phiên gần đây nhất.

Trong khi đó, kinh tế trong nước phục hồi, nhu cầu USD ngày càng tăng lên trong bối cảnh nhập khẩu tăng mạnh (nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ), dẫn đến cán cân thương mại khó thặng dư lớn như năm 2023. Do vậy, mục tiêu hút bớt tiền dư thừa trên thị trường liên ngân hàng khá rõ ràng, đó là kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên, nhằm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND.

Tác động mang tính tâm lý?

Thị trường chứng khoán là thị trường đặc biệt nhạy cảm với thông tin chính sách tiền tệ, nhất là thông tin về lãi suất, tỷ giá. Trên thực tế, các đợt phát hành tín phiếu để hút ròng VND với thời gian dài trước kia phần nào có tác động đến thanh khoản của thị trường chứng khoán. Những lo lắng từ một bộ phận nhà đầu tư xuất phát từ điều này.

Dưới góc nhìn của bà Trần Khánh Hiền, hoạt động hút tiền của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường là điều hết sức bình thường, đã diễn ra nhiều năm nay, nhằm mục tiêu hút bớt lượng tiền dư thừa trên hệ thống ngân hàng, bảo đảm mục tiêu ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, tác động của động thái này lên thị trường chứng khoán 2 năm nay là tương đối khác nhau, bởi nguyên nhân và bối cảnh kinh tế khác nhau. Trong năm 2023, thị trường chứng khoán diễn biến khá tiêu cực sau 7 tuần hút ròng của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đó là giai đoạn nền kinh tế trong nước và thế giới đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức.

“Còn thời điểm này, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn ở mức khá thấp, cũng như triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là tương đối sáng so với năm ngoái. Đây là hai yếu tố tích cực có thể hỗ trợ cho thị trường giai đoạn này”, chuyên gia MBS khẳng định.

Ông Chen Chia Ken cũng nhìn nhận, việc hút tiền từ kênh tín phiếu không tác động gì tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán và đây chỉ là nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều tiết lượng tiền thừa tại hệ thống các ngân hàng thương mại.

“Thị trường chứng khoán trước đây thường có các phiên điều chỉnh sâu trong giai đoạn Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu nhưng đó là đi kèm với bối cảnh kinh tế có nhiều thông tin bất lợi Còn hiện tại, kinh tế trong nước dần cho thấy nhiều dấu hiệu hồi phục, với những triển vọng tích cực từ dòng vốn FDI và hoạt động xuất nhập khẩu. Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ không bị tác động quá mạnh trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, các tác động phần nhiều là yếu tố tâm lý”, CEO PHS nói.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch FIDT

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch FIDT

Việc Ngân hàng Nhà nước hút tín phiếu hiện tại có thể thắt chặt thanh khoản phần nào đó trên thị trường liên ngân hàng/thị trường chứng khoán, nếu hành động hút tiền diễn ra liên tục sắp tới, tùy theo tốc độ hút của Ngân hàng Nhà nước trong ngắn hạn, hay rộng ra là xu hướng đầu cơ crypto và vàng ngắn hạn.

Việc hút tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng không gây ảnh hưởng đến cấu trúc lãi suất tiền gửi – cho vay của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn quý II, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa khởi sắc đáng kể.

Dòng tiền đầu cơ vào hai thị trường crypto và vàng giai đoạn này là nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tỷ giá (áp lực mạnh nhất là trên các sàn crypto và chợ đen). Bối cảnh hiện tại, giá crypto và vàng đều chạm đỉnh lịch sử, với xu hướng đầu cơ theo đà mạnh dần.

Số liệu cụ thể về dòng tiền đầu cơ trên hai thị trường này không có, tuy nhiên có cơ sở dự đoán rằng, quy mô đầu cơ của Việt Nam trên crypto và vàng (đặc biệt là crypto) là đáng kể, có thể tạo ra các biến động mạnh trên thị trường tài chính.

Hành động của Ngân hàng Nhà nước cho thấy họ quan ngại về điều này. Cũng đến thời điểm cơ quan quản lý bắt buộc phải ra dấu hiệu tạm dừng dòng tiền đầu cơ bằng can thiệp, dù hiệu quả chưa rõ ràng. Mục đích của Ngân hàng Nhà nước là bảo vệ kỳ vọng tỷ giá trung hạn (ở ngưỡng 24.800 – 25.000 VND/USD, với biên động dao động an toàn < 3%/năm). Hiện tại, áp lực tỷ giá từ thị trường tự do là rất lớn. Tỷ giá tự do chạm mốc 25.700 VND/USD, trong khi tỷ giá P2P trên crypto cũng trên 25.800.

Tin bài liên quan