Ông Lê Đạt Chí: "Ngân hàng phát hành tín phiếu hút tiền về sẽ không nhiều, không lâu dài"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái Ngân hàng Nhà nước rút tiền về thông qua ba đợt bán tín phiếu lên đến 30.000 tỷ đồng, đang tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán. Nhưng, "đợt rút tiền này sẽ không nhiều, không lâu dài và nhớ là kỳ hạn 28 ngày".

Đây là nhận định của Tiến sỹ Lê Đạt Chí, Giám đốc Chương trình “Cử nhân tài chính ứng dụng” liên kết Đại học Kinh tế TP.HCM – Đại học Renes (Pháp) chia sẻ cùng Báo Đầu tư Chứng khoán.

Trong bối cảnh, lãi suất VND xuống mức thấp tương đương với giai đoạn covid, FED mới công bố kéo dài giai đoạn lãi suất cao, một số lo ngại cho rằng lãi suất sẽ phải tăng trở lại để giảm áp lực lên tỷ giá. Ông có bình luận gì?

Tiến sỹ Lê Đạt Chí

Tiến sỹ Lê Đạt Chí

Nghiệp vụ bơm và hút tiền trong lưu thông, cụ thể thông qua việc mua vào và phát hành công cụ tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ là một nghiệp vụ bình thường trong hoạt động điều tiết thanh khoản của hệ thống. Việc không bình thường ở đây chính là rất nhiều tuần/tháng qua NHNN không thực hiện nghiệp vụ này.

Trong quá khứ, khi thực hiện nghiệp vụ này đi liền với hoạt động tăng lãi suất. Do đó, lúc này, khi NHNN tái khởi động lại công cụ này, liên tục hút tiền của hệ thống ngân hàng thương mại về qua 3 đợt bán tín phiếu lên đến 30 nghìn tỷ đồng, làm cho thị trường liên tưởng đến câu chuyện tiếp theo là lãi suất tăng.

Tuy nhiên, thị trường tài chính vận hành mỗi một thời điểm luôn gắn với bối cảnh thông tin khác nhau.

Vậy bối cảnh phát hành tín phiếu của ngân hàng Nhà nước lúc này có đặc điểm gì đáng chú ý?

Theo quan điểm riêng, tính đến hết tháng 8/2023, NHNN đã mua ròng ngoại tệ khi mà dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết và giải ngân tương ứng hơn 18 và 13 tỷ USD, thặng dư cán cân thương mại lên đến hơn 20 tỷ USD. Điều này cho thấy việc mua vào ngoại tệ đã làm cho thanh khoản hệ thống NHTM trở nên dồi dào VND.

Câu chuyện này đã duy trì cho một thời gian dài nhằm đáp ứng mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đi từ "chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả" sang "chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời hiệu quả" mà Chính phủ đưa ra trong điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm.

Qua đó, việc mua vào ngoại tệ trong bối cảnh mục tiêu mới để gia tăng thanh khoản, thúc đẩy tín dụng trong nền kinh tế và giảm lãi suất. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng không thể tăng trưởng một sớm một chiều, mà việc dư thừa thanh khoản của hệ thống đã gây áp lực trở lại tỷ giá VND/USD. Áp lực này thấy rõ dấu hiệu cụ thể vào tuần qua. Do vậy, theo tôi, NHNN buộc phải hút tiền VND về thông qua nghiệp vụ bán ra tín phiếu là chuyện rất bình thường.

Như vậy, nếu như tay phải đưa VND ra bằng cách mua ngoại tệ vào thì tay trái sẽ hút tiền VND vào thông qua bán tín phiếu. Đây chính là bối cảnh hiện tại khác bối cảnh của quá khứ.

Chúng ta cần lưu ý, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là 2 mục tiêu xuyên suốt của NHNN. Lạm phát hiện nay không còn là vấn đề quan ngại của thế giới và Việt Nam, và mục tiêu lúc này của chính sách tiền tệ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Room tăng trưởng tín dụng năm nay còn dư địa rất nhiều, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm thấp hơn mức đặt ra là 6,5%, nghĩa là 3 tháng cuối năm cần phải thúc đẩy tăng trưởng và giải pháp, cũng là sử dụng chính sách tiền tệ. Nghĩa là bối cảnh này cần đưa vốn vào nền kinh tế, trong đó mức tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ chính. Do vậy, việc thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ tăng sau động thái này của NHNN là điều không thể và mâu thuẫn với mục tiêu xuyên suốt của NHNN.

Việc FED kéo dài thời gian lãi suất cao trước khi có quyết định cắt giảm có thể làm cho chính sách tiền tệ phải chuyển trọng tâm sang ổn định tỷ giá trong thời gian tới hay không?

Vấn đề cần lưu ý trong kỳ hạn của phát hành tín phiếu lần này của NHNN là 28 ngày, nó không phải là quá dài. Điều này càng thấy rõ việc mua tín phiếu chỉ là điều tiết sự dư thừa thanh khoản của NHTM, hiện đang áp lực lên tỷ giá. NHNN không thể dùng dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá bởi lẽ nền kinh tế đang ở thái cực dòng vốn vào cả đầu tư trực tiếp đều cao, thặng dư thương mại. Vì vậy, không muốn để VND tăng giá gây bất lợi cho tổng thể nền kinh tế thì buộc phải dùng công cụ tín phiếu để rút tiền về từ sau nghiệp vụ mua ngoại tệ.

Nhìn rộng ra trong điều hành tỷ giá: Một là chênh lệch lãi suất VND và Fed fund rate (lãi suất quỹ liên bang) mở rộng khi Fed tăng lãi suất và Việt Nam nỗ lực giảm lãi suất VND hỗ trợ cho nền kinh tế. Tỷ giá đã phát đi một kỳ vọng tăng. Nhưng nếu để tỷ giá tăng thì gây bất lợi cho nhiều mục tiêu lớn và dài hạn. Kiểm soát tỷ giá tăng trong một chừng mực có kiểm soát là một nhiệm vụ trong nỗ lực điều hành mục tiêu của NHNN.

Tôi muốn nói đến là nhiệm vụ chứ không phải mục tiêu. Chính sách tỷ giá chỉ là một phần hay chỉ là 1 công cụ trong nhiều công cụ của NHNN. Công cụ này cũng đặt trong mục tiêu của điều hành chính sách của NHNN.

Hai là bối cảnh của tỷ giá các loại tiền tệ khác so với USD. Nhìn sang nhiều thị trường khác cũng thấy đồng nội tệ của các nước cũng đã mất giá nhiều nên VND cũng phải ở trong xu hướng đó để hỗ trợ cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong thương mại toàn cầu, là một yếu tố quan trọng mà NHNN phải nhìn và chủ động. Do vậy, một mặt điều chỉnh tỷ giá trong biên độ có kiểm soát thì NHNN cần rút tiền VND về và việc rút tiền này sẽ không nhiều, không lâu dài và nhấn mạnh lưu ý là kỳ hạn 28 ngày.

Tin bài liên quan