Thị trường chứng khoán: Chờ động thái… khác thường

Thị trường chứng khoán: Chờ động thái… khác thường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi vào mùa thiếu vắng thông tin hỗ trợ từ doanh nghiệp, cộng với việc thị trường vừa trải qua đợt tổn thương lớn, thông tin được chờ đợi hơn cả là các quyết sách vĩ mô.

Câu chuyện mà không chỉ doanh nghiệp mà các nhà đầu tư chứng khoán đang rất mong chờ hiện nay là room tín dụng mới được quyết định ra sao.

Trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán tuần qua, lãnh đạo một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam cho biết, tiền trong hệ thống rất dồi dào, nhưng dường như Ngân hàng Nhà nước đang ở thế khó, mạnh tay nới room tín dụng thì e lạm phát khó kiểm soát.

Thế nhưng, ngay tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mới đây, các chuyên gia đã mổ xẻ khá kỹ vấn đề này, trong đó phát biểu của ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đáng chú ý.

Ông nói, tắc nghẽn vốn đầu tư công, chậm bơm vốn ra cho doanh nghiệp vì sợ lạm phát là lãng phí cơ hội. Việt Nam đang có nền tảng tốt, kinh tế đang có đà, có thế, có khát vọng, có thể bứt phá nên "không được lãng phí cơ hội này".

Nếu không bơm tiền ra nền kinh tế thì theo ông Thiên, lạm phát vẫn tăng vì đang nằm ngoài ý chí của cơ quan quản lý. Trong điều kiện lạm phát, doanh nghiệp 'thiếu máu', thiếu lực thì sẽ gặp rủi ro. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sẵn sàng với mức lạm phát cao hơn 4% để bơm nguồn lực cho nền kinh tế, kiểu “lấy độc trị độc”.

Hoàn cảnh đang không bình thường thì tư duy và động thái xử lý vấn đề cũng phải khác thường, có lẽ đó cũng là thông điệp mà ông Hồ Quốc Tuấn, Giáo sư Đại học Bristol (Anh Quốc) muốn nhấn mạnh khi cung cấp nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc sau khi thắt chặt thị trường bất động sản và kênh trái phiếu đã khiến doanh nghiệp lâm bạo bệnh và đình trệ dây chuyền.

Nay họ quyết định bơm tới 5.000 tỷ USD, tương đương 25% GDP vào nền kinh tế, song khả năng hấp thụ của doanh nghiệp rất yếu ớt khi Covid-19 giáng xuống kinh tế Trung Quốc những đòn nặng nề.

Nhưng ở vế ngược lại, cũng có ý kiến của không ít chuyên gia cho rằng cần lo xa cho tương lai. Xét bối cảnh toàn cầu, xung đột Nga - Ukraine tạo ra nhiều bất ổn. Hai nền kinh tế Nga và Ukraine có quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính với Việt Nam ở mức thấp nên tác động trực tiếp không nhiều. Tuy nhiên, tác động gián tiếp đến giá nhiên liệu, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng mới đáng chú ý.

Cùng với đó, lạm phát ở châu Âu, Mỹ hiện trên 8% - mức rất cao với các nước phát triển. Việt Nam hiện thời chưa có lạm phát cao bởi độ trễ của nhập khẩu lạm phát, tăng trưởng GDP chưa cao và nhờ là nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm trong khi giá các mặt hàng này leo thang. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang không thấp, đến hết tháng 5 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Khi các nhà tạo lập chính sách còn quan sát, doanh nghiệp tiếp tục phải ứng phó với tình trạng khát vốn đầu tư, có vẻ như vòng quay của nền kinh tế đang chậm lại, điều này phần nào lý giải cho tình trạng thanh khoản thấp và sự trồi sụt bất định của TTCK gần đây. Nhận diện những trở lực trên TTCK để hoạch định chiến lược đầu tư phù hợp trong giai đoạn này cũng là chủ đề Đầu tư Chứng khoán tập trung phân tích sâu trong số báo này.

VN-Index kết thúc tuần giao dịch bằng một phiên giảm điểm mạnh, thổi bay thành quả tích lũy của nhiều cổ phiếu trong đợt hồi phục vừa qua.

Điều này cho thấy đà tăng của thị trường rất khó khăn khi lượng cung chốt lời, cắt lỗ chực chờ sau những phiên tăng điểm. Khi mốc tâm lý 1.300 điểm không còn được giữ vững, chỉ số có thể quay lại với trạng thái giằng co tích lũy, ngóng chờ một cú huých về chính sách vĩ mô.

Tin bài liên quan