Tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 5,5 - 6%, khả năng cả năm tăng 12%.

Tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 5,5 - 6%, khả năng cả năm tăng 12%.

Thị trường chứng khoán: Chờ nới van tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 2 tuần cuối tháng 6/2021, không ít nhà đầu tư đã bán một phần danh mục cổ phiếu, cầm tiền đứng ngoài thị trường, chờ đợi xu hướng và các chính sách rõ nét hơn.

“Phiên 14 - 15/6, tôi đã bán 2/3 danh mục và cho đến nay vẫn chưa giải ngân trở lại”, bà Thanh Tâm, nhà đầu tư có giá trị tài khoản 10 tỷ đồng nói và cho biết, không ít nhà đầu tư như bà đang chờ đợi xu hướng thị trường rõ nét hơn, trong đó có các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm 2021.

Thanh khoản thấp trong tuần vừa qua, giảm khoảng 25% so với tuần trước đó, được lý giải ở việc các công ty chứng khoán đang siết lại hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) để báo cáo tài chính quý II/2021 chuẩn chỉnh hơn.

“Thị trường hầu như không có margin mới, nên thanh khoản thấp. Sang tháng 7, dự kiến sẽ có nhiều cải thiện”, một nhà đầu tư lâu năm nhận định.

Chờ chính sách tiền tệ

Có nhiều chính sách đang được giới đầu tư chờ đợi và kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho thị trường bứt phá trong thời gian tới, trong đó, chính sách tiền tệ vẫn được coi là át chủ bài.

Thứ nhất là động thái nới hạn mức (room) tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng. Thông tin từ cơ quan này cho biết, đến nay, hơn 10 ngân hàng đã nộp hồ sơ xin nới room tín dụng năm 2021, bởi dự kiến 6 tháng đầu năm sử dụng khoảng 2/3 hạn mức được cấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,5 - 6% và khả năng tín dụng cả năm tăng ở mức 12% là trong tầm tay, thậm chí có thể mở rộng thêm. Trong đó, 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, bao gồm xuất khẩu (9%), công nghiệp hỗ trợ (6,94%) và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (14,5%).

Hơn 10 ngân hàng đã nộp hồ sơ xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021, bởi dự kiến 6 tháng đầu năm sử dụng khoảng 2/3 hạn mức được cấp.

Nhìn lại năm 2020, 7 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng vỏn vẹn 3,45%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 tăng 7,13%. Do đó, kết quả 6 tháng đầu năm 2021 của ngành ngân hàng là tích cực so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc các ngân hàng xin nới room tín dụng, theo quan điểm của lãnh đạo nhiều ngân hàng, là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Khu vực kinh tế nào “sống” được, ngân hàng nào có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, đưa được vốn ra nền kinh tế, nên được khuyến khích.

Đầu tháng 7/2020, các ngân hàng như Techcombank, VIB, VPBank, MB, TPBank, Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép nâng room tín dụng. Trong đó, Techcombank và VPBank được phép tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 23%, gấp đôi trung bình ngành. Với sự sáng tạo và linh hoạt của những ngân hàng dẫn đầu này, nhiều khả năng năm nay tiếp tục là nhóm được nới room cao nhất.

Được biết, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của VPBank tiếp tục tăng trưởng, hứa hẹn đưa ngân hàng này lọt vào nhóm nhà băng có lợi nhuận tiệm cận mức 20.000 tỷ đồng trong năm nay.

Nhóm ngân hàng có lợi nhuận thực chất hay không và đà tăng trưởng lợi nhuận liệu có bền vững? Câu trả lời được chủ tịch một nhà băng chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán là “có thật”.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, quy mô tài sản của một ngân hàng trung bình tầm 50.000 tỷ đồng, chênh lệch huy động và lãi suất cho vay hiện khoảng 4%/năm, dù có trích lập dự phòng nợ xấu thì con số lãi vài nghìn tỷ đồng của các nhà băng từ thu nhập tín dụng là trong tầm tay, chưa kể các khoản thu phí khác. Thậm chí, một số ngân hàng đã phải giấu lãi bằng cách tăng trích lập dự phòng “xông xênh” hơn so với quy định.

Bên cạnh cú huých từ nới room tín dụng, đưa cung vốn tăng mạnh ra các lĩnh vực có dư địa hấp thụ tốt như xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất công nghiệp, một chính sách khác được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, gián tiếp thúc đẩy hoạt động của khu vực ngân hàng thuận lợi hơn.

Đó là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung nhằm cho phép việc cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021.

Bộ này cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp như giảm từ 3 - 5%/năm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho doanh nghiệp vay mới để bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đánh giá đây là một chính sách quan trọng, không khác gì ngăn ngừa suy thoái kinh tế, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB cho rằng, các doanh nghiệp nào chịu tác động nặng bởi dịch Covid-19 không thể gượng dậy cần được “khoanh vùng, cách ly” khỏi các nhóm doanh nghiệp khác, để không lan nợ xấu ra hệ thống, từ đó ngân hàng có điều kiện cung ứng vốn cho các nhóm doanh nghiệp có khả năng phát triển tốt.

Nhóm ngân hàng có tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán nên những chính sách tác động tích cực tới ngành này được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy cho thị trường trong thời gian tới.

Tuy vậy, theo góc nhìn của nhà đầu tư Nguyễn Quang Vinh, có một điểm cần lưu ý là tới đây sẽ có sự phân hóa mạnh, không phải ngân hàng nào cũng tốt. Chỉ những ngân hàng có kết quả kinh doanh quý II khả quan, triển vọng nửa cuối năm tích cực, cổ phiếu mới có nhiều khả năng bứt phá.

Cỗ xe đầu tư công

Bên cạnh thúc đẩy xuất khẩu và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu không bị gián đoạn, thúc đẩy đầu tư công được kỳ vọng sẽ là mũi tiến công trong nửa cuối năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Những ngành, doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi từ cỗ xe này được nhìn nhận có triển vọng tích cực hơn.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 22,12% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%).

Có nhiều lý do dẫn tới con số không như kỳ vọng này. Trong đó, theo phân tích của ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đạt Phương, nguyên nhân quan trọng từ việc giá cả nhiều loại nguyên vật liệu như thép, vật liệu san lấp tăng đột biến, có những mặt hàng tăng tới 50% so với cùng kỳ.

Do tổng mức đầu tư của các dự án công đã được phê duyệt, thủ tục để điều chỉnh mức đầu tư mới rất phức tạp và mất thời gian (gần như phải làm mới từ đầu) nên ít dự án có khả năng điều chỉnh theo thực tế biến động giá đầu vào. Điều này dẫn tới sự chậm trễ trong thi công và triển khai dự án.

Nếu coi đây là một cỗ xe cần tập trung thúc đẩy cho tăng trưởng nửa cuối năm, giới doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, các dự án được phê duyệt và triển khai trong thời gian tới cần gỡ được nút thắt này. Hoạt động kích thích kinh tế thông qua đầu tư công đóng vai trò quan trọng để tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy các ngành khác phát triển theo.

Bên cạnh đó, thủ tục thúc đẩy các dự án đầu tư tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa và hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thực lực đẩy nhanh được tiến độ các dự án triển khai, có sản phẩm tung ra thị trường, đón đầu cơ hội khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai rộng rãi.

Cuộc họp Chính phủ diễn ra đầu tháng 7/2021 sẽ hé lộ những giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mức cao trong nửa cuối năm. Đây sẽ là những thông tin được các nhà đầu tư chứng khoán chờ đợi.

Tin bài liên quan