Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ sôi động hơn vì đâu?

Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ sôi động hơn vì đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định mới về ký quỹ của nhà đầu tư và thành viên bù trừ được đưa ra tại dự thảo sửa đổi Nghị định 42/2015 được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới.

Để thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam” của Chính phủ, vào tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Nghị định bao gồm nhiều nội dung quy định mang tính nguyên tắc lớn về sản phẩm chứng khoán phái sinh và việc tổ chức hoạt động giao dịch bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Trong đó, đối với hoạt động bù trừ thanh toán, Nghị định đã quy định giao cho Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm với các nội dung quy định cụ thể về cơ chế ký quỹ, bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho 2 sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ cũng như các biện pháp đảm bảo thanh toán và cơ chế phòng ngừa rủi ro tại VSD.

Khung pháp lý kể trên đã mở đường cho thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào hoạt động với sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 vào ngày 10/8/2017. Hai năm sau, ngày 4/7/2019, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tiếp tục ra mắt thị trường.

Số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán cho thấy, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động số lượng tài khoản giao dịch và bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh đã lên tới hơn 146.000 tài khoản. Giá trị tài sản ký quỹ cũng như tổng giá trị lỗ/lãi vị thế và thanh toán đáo hạn thực hiện qua VSD đã tăng lên rất đáng kể. Đặc biệt, không xảy ra trường hợp nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán.

Các chuyên gia chứng khoán nhận định, Nghị định 42 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh trong hơn 3 năm qua, tạo hành lang pháp lý cho các bên tham gia thị trường, giúp cho thị trường vận hành an toàn, ổn định.

Trong giai đoạn tới, theo kế hoạch triển khai sản phẩm mới đã được cơ quan quản lý phê duyệt, thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều sản phẩm mới như Hợp đồng tương lai cổ phiếu riêng lẻ, hợp đồng quyền chọn với nhiều loại tài sản cơ sở khác nhau. Đặc biệt, Luật Chứng khoán 2019 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm tới.

Để tạo ra một khung pháp lý đầy đủ thực hiện Luật Chứng khoán 2019, cơ quan quản lý đang gấp rút hoàn thiện các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật này, trong đó có Nghị định 42.

Một thay đổi quan trọng được đưa ra trong dự thảo sửa đổi Nghị định 42 là quy định ký quỹ của nhà đầu tư và thành viên bù trừ.

Theo đó, dự thảo đã điều chỉnh từ cơ chế ký quỹ trước và giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, tỷ lệ giới hạn vị thế theo thời gian thực như hiện nay sang ký quỹ sau và giám sát việc nộp ký quỹ (theo quy định hiện nay tỷ lệ ký quỹ tại VSD là 13%), tỷ lệ giới hạn vị thế định kỳ trong ngày.

Theo quy định này, nhà đầu tư vẫn nộp ký quỹ cho thành viên bù trừ khi giao dịch theo yêu cầu của thành viên nhưng việc nộp ký quỹ của thành viên cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán (hiện nay là VSD) được thực hiện sau khi giao dịch căn cứ vào mức ký quỹ yêu cầu do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán tính toán cho danh mục vị thế ròng trên từng tài khoản của nhà đầu tư.

Theo các công ty chứng khoán, việc thay đổi từ kiểm soát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, giới hạn vị thế theo thời gian thực sang định kỳ kiểm soát việc nộp ký quỹ và tỷ lệ giới hạn vị thế sẽ giúp cho thành viên, nhà đầu tư chủ động và linh hoạt, góp phần gia tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Đồng thời, quy định mới này cũng đòi hỏi các thành viên bù trừ phải làm tốt hơn công tác quản lý rủi ro.

Theo dữ liệu của VSD, hiện có 19 thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Trong số 19 thành viên bù trừ thì Công ty Chứng khoán VPS hiện là công ty có thị phần môi giới chứng khoán phái sinh lớn nhất, với 52% thị phần tại thời điểm kết thúc quý III/2020, gấp hơn 4 lần thị phần của công ty đứng ở vị trí thứ 2.

Tin bài liên quan