Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội VinaCapital

Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội VinaCapital

Thị trường chứng khoán thường tăng mạnh vào giai đoạn 1-2 năm trước khi nâng hạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ” do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên”, ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội VinaCapital cho biết.

Phát biểu tại Hội thảo Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết, ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc kiêm Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội VinaCapital chia sẻ, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, vì nhiều lý do, vẫn được 2 tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm thị trường cận biên.

Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như “một con cá lớn nằm trong ao nhỏ” do Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong các chỉ số thị trường cận biên, lên đến 29% trong chỉ số thị trường cận biên của MSCI và 38% trong chỉ số của FTSE Russell. Các nước xếp ngay sau Việt Nam chỉ có tỷ trọng trên dưới 10%.

Xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi. Tổng vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE vào thời điểm cuối tháng 9/2023 là 190 tỷ USD, gần tương đương với quy mô vốn hóa của thị trường Malaysia và lớn hơn nhiều thị trường châu Á (Philippines, Qatar, Kuwait…) hay châu Âu (Hy Lạp, CH Séc, Hungary…).

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ thu hút thêm lượng lớn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài từ cả các quỹ đầu tư chủ động và các quỹ chỉ số (ETF).

Theo thống kê, hiện tại có 860 quỹ đầu tư trên thế giới sử dụng chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi làm chỉ số tham chiếu, với tổng giá trị tài sản ròng lên tới 705 tỷ USD. Trong đó, có 844 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của MSCI làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 615 tỷ USD và 16 quỹ đầu tư sử dụng chỉ số thị trường mới nổi của FTSE Russell làm tham chiếu với tổng giá trị tài sản ròng khoảng 90 tỷ USD.

Có thể thể đến tên một số quỹ đầu tư lớn như: Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (71 tỷ USD), iShares Core MSCI Emerging Markets ETF (69 tỷ USD), iShares MSCI Emerging Markets ETF (19 tỷ USD).

“Chúng tôi ước tính trong trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD”, ông Quang cho biết.

Có một thống kê khá thú vị là thị trường chứng khoán các nước thường tăng mạnh và tăng vượt trội so với chỉ số chứng khoán toàn cầu vào giai đoạn 1-2 năm trước khi được nâng hạng. Lấy ví dụ khi thị trường chứng khoán Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2014, thì chỉ số chứng khoán của nước này đã tăng 153% trong vòng 1,5 năm trước đó, gấp 5,3 lần mức tăng 29% của chỉ số MSCI toàn cầu trong cùng thời gian.

Với trường hợp của Ả Rập Xê Út, chỉ số chứng khoán của họ đã tăng 27% trong 18 tháng trước khi được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào tháng 5/2019, trong khi chỉ số MSCI toàn cầu giảm 1% trong cùng kỳ.

Việc nâng hạng thị trường còn có ý nghĩa tăng chiều sâu cho thị trường chứng khoán Việt Nam, khắc phục tình trạng các nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ lệ giao dịch trên 90% toàn thị trường, thông qua việc tăng hút dòng vốn ngoại, có tính ổn định cao, vào thị trường.

Điều này còn có tính thời điểm đặc biệt quan trọng khi dòng vốn quốc tế, nhất là dòng vốn của các Quỹ Hưu trí và Quỹ Hiến tặng lớn của phương tây đang rút khỏi thị trường Trung Quốc do căng thẳng địa chính trị Mỹ – Trung, và các nhà đầu tư tổ chức quy mô cực lớn này đang tìm kiếm thị trường chứng khoán giàu tiềm năng khác để giải ngân.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở trong nhóm “Cận biên” trong khi Ấn độ và Indonesia đã ở trong nhóm “Mới nổi” là điều bất lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn rất lớn này.

Tin bài liên quan