Sau những sóng gió năm 2023, nhiều thành viên đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng của thị trường bất động sản trong năm 2024

Sau những sóng gió năm 2023, nhiều thành viên đặt niềm tin vào một tương lai tươi sáng của thị trường bất động sản trong năm 2024

Thị trường địa ốc: Cơ hội mang tên "ngày mai"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm sóng gió, thị trường địa ốc đã trải qua cuộc thanh lọc mạnh mẽ để tạo một sân chơi bền vững và niềm tin rằng, "ngày mai" luôn tốt hơn "ngày hôm qua".

1. Vẫn phong cách thân thiện ấy, nhưng lần này ngồi nói chuyện với tôi, gương mặt của anh Hùng, giám đốc một sàn môi giới bất động sản tại TP. Thủ Đức, TP.HCM, có phần chùng xuống, trầm tư hơn rất nhiều so với trước đây. Theo anh chia sẻ, đây có lẽ là thời điểm khó khăn nhất từ lúc thành lập công ty tới giờ.

“Khó khăn lắm em ạ. Cả bộ máy nói thực là đang phải cố gồng. Việc duy nhất mà doanh nghiệp có thể làm được lúc này là cố gắng giữ nhân sự để khi thị trường phục hồi có nguồn nhân lực cho kế hoạch mới. Và trên hết là không muốn ai phải nghỉ việc, vì xin việc ở thời điểm này rất khó. Tuy nhiên, dự án chậm thanh khoản, nguồn thu eo hẹp khiến doanh nghiệp rất khó khăn”, anh Hùng nói.

Tiếp tục với những chia sẻ, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho biết, bén duyên với nghề bất động sản từ năm 2012 và tách ra lập doanh nghiệp riêng từ năm 2016, nhưng chưa bao giờ thấy thị trường khó khăn như năm qua. Nguồn hàng hạn chế, thanh khoản sụt giảm, mọi chi phí cho bán hàng đều tăng…

Anh cho hay, nguồn tiền chính của sàn là phí môi giới, nhưng đang bị chủ đầu tư nợ đến hàng chục tỷ đồng. Có một chủ đầu tư đang nợ 30 tỷ đồng, họ cũng không xoay xở được để trả cho mình. Dù làm mọi cách, nhưng vì ai cũng khó khăn nên không có nguồn chi trả.

Theo anh Hùng, đợt dịch Covid-19, dù thị trường cũng khó khăn, nhưng không khó như năm qua. Doanh nghiệp không có dòng tiền khiến mọi hoạt động chỉ ở mức cầm cự. Tuy nhiên, anh tin thị trường sẽ sớm trở lại và cơ hội còn ở phía trước.

“Có nhiều người hỏi chúng tôi tại sao lại ra dự án đúng vào thời kỳ này. Tôi nghĩ, ai cũng có chiến lược riêng và chúng tôi chấp nhận đi ngược chiều gió để tìm chỗ đứng cho mình. Thời gian này, mọi người coi là khó khăn, còn tôi coi là thời điểm vàng. Chưa chắc khi thị trường thịnh vượng, mình bước vào đã có kết quả tốt. Còn lúc này, nếu một doanh nghiệp tự tin vào khả năng bản thân, xây dựng được kế hoạch, lộ trình phát triển rõ ràng, có dòng tiền ổn định, có những nhà đầu tư sẵn sàng đi cùng và biết chớp thời cơ thì lợi thế sẽ đến. Mọi người coi năm 2023 là khó khăn, còn tôi coi 2023 là năm bản lề, mở ra cơ hội vàng cho năm 2024”, anh Hùng nói.

2. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Hoàng Văn Thanh, vốn là ca sĩ tự do nhưng bén duyên với kinh doanh bất động sản từ năm 2014. Thời điểm ấy, anh chỉ vô tình mua một căn nhà, sau đó gia đình có biến cố nên đành phải bán căn nhà ấy và lãi đâu đó được hơn 2 tỷ đồng. Thấy lĩnh vực bất động sản hấp dẫn, nên sau khi giải quyết xong việc cá nhân, anh dùng phần tiền còn lại, vay thêm vốn ngân hàng để mua căn nhà tiếp theo. Gặp thời cơ thì bán lại, cứ mua đi bán lại như thế, đỉnh điểm có giao dịch anh chỉ đầu tư khoảng 6 - 7 tỷ đồng, mà bán được 20 tỷ đồng.

“Dần dần tôi thấy mình có duyên với bất động sản, tôi chủ động tìm hiểu đất chỗ này, chỗ kia, dự án này, dự án kia. Tôi cũng chơi khá nhiều với anh em, bạn bè làm bất động sản, môi giới, nên đầu năm 2020, tôi đã xây dựng ekip, chính thức thành lập doanh nghiệp riêng để chuyển sang kinh doanh bất động sản”, anh Thanh chia sẻ.

Với lợi thế về mặt marketing, công ty của anh Thanh chủ yếu chuyên phân phối dự án của các chủ đầu tư lớn trên thị trường. Song kể từ cuối năm 2022, thị trường địa ốc rơi vào giai đoạn giảm tốc, trầm lắng, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự và công ty của anh Thanh cũng không ngoại lệ.

“Do thị trường có nhiều biến động, một số chủ đầu tư chậm thanh toán tiền hoa hồng, nên tôi phải dùng tiền đi hát để trả lương cho nhân viên”, anh Thanh nói và cho biết, năm 2022, Công ty có 3 văn phòng với quy mô hơn 100 người, nhưng hiện thu gọn lại còn 1 văn phòng với 10 nhân sự.

Dù khó khăn là vậy, nhưng sau những “sóng gió”, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cũng nghiệm ra được nhiều điều mà một người làm chủ cần có. Như anh nói, không phải thị trường khủng hoảng mới khó khăn, vì trong kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào, thách thức sẽ luôn thường trực. Quan trọng thái độ ứng xử của người đứng đầu với việc đó như thế nào? Khó khăn chính là bài test (kiểm tra) thử cho mọi người.

Anh xác định, đây là giai đoạn sàng lọc, để mình tìm được những cộng sự trung thành, cùng chí hướng kề vai sát cánh. Thời điểm này, hoạt động kinh doanh sẽ không có gì nổi bật, nhưng đây là thời gian để anh em ngồi cùng nhau, bàn về đường đi dài hơn.

Khi được hỏi: “Ở cương vị là người thuyền trưởng, anh động viên và khích lệ nhân viên công ty ra sao trong thời điểm khó khăn như hiện nay?”, vị “thuyền trưởng” này không ngần ngại trả lời: “Cuộc sống là như thế! Ai yếu đuối sẽ ra đi”.

Theo quan điểm của anh, động viên sẽ chỉ là món quà khích lệ tinh thần. Điều quan trọng của người lãnh đạo là phải lo tài chính, kinh tế và chiến lược tầm nhìn cho doanh nghiệp. Phải làm, phải lo được cho doanh nghiệp tồn tại thì mới có thể lo được cho nhân viên.

“Chúng tôi luôn xác định bám trụ với thị trường. Nếu xa rời thị trường thì rất gay go, bởi thị trường bất động sản dù khủng hoảng nhưng khi phục hồi trở lại sẽ chuyển biến rất nhanh. Nếu rời đi, đến khi thị trường phục hồi mới quay lại thì sẽ chậm hơn và không biết thị trường diễn ra như thế nào để bắt nhịp lại”, anh Thanh tâm sự.

Tin bài liên quan