Thị trường địa ốc lạc quan với 6 tháng cuối năm

Thị trường địa ốc lạc quan với 6 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần vừa qua, các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản bắt đầu tung ra báo cáo thị trường quý II và 6 tháng đầu năm.

Điều đáng ngạc nhiên là trong quý II/2020, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tăng rất mạnh so với quý đầu của năm 2020. Nếu những số liệu của các đơn vị này được tổng hợp, điều tra một cách toàn diện và chân thực thì điều này quả thực rất đáng mừng. Bởi nhiều người vẫn nghĩ quý II là giai đoạn thị trường rơi rất sâu bởi hầu hết các thành viên bắt đầu ngấm tác động của dịch bệnh, chưa kể những nút thắt lớn, trong đó có yếu tố pháp lý với ngành bất động sản vẫn còn đó khi rất nhiều ưu tiên lớn hơn về an sinh, về các ngành kinh tế thiết yếu hơn được đặt ra sau dịch bệnh.

Vậy đâu là yếu tố lý giải cho câu chuyện tăng cung “đột khởi” trong quý II vừa qua?

Chia sẻ với người viết, điều đầu tiên các chủ đầu tư và đại diện các sàn môi giới cho rằng, đó cơ bản là nguồn cung đã ở “trên bệ phóng” nhưng bị đình lại trong giai đoạn Covid-19 còn hoành hành ở nước ta. Việc ra mắt dự án, mở bán sản phẩm vào tháng 5 và cao điểm là tháng 6 thực ra chỉ là làm nốt những phần việc nhỏ còn dở dang.

Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ mở bán sản phẩm dịp này là việc buộc phải làm để cứu công ty, vốn đã cạn kiệt thanh khoản. Chủ đầu tư một vài dự án từng chia sẻ trong lúc trà dư tửu hậu rằng công ty ông đã phải làm mọi cách để sống, từ cắt lương lãnh đạo, giảm lương nhân viên, làm việc luân phiên…, đến mươi triệu chi phí mua khẩu trang, cồn, nước rửa tay sát khuẩn… đề phòng Covid-19 cũng phải căn ke, tính toán! 

Cho đến nay, dù rõ ràng chúng ta đã làm tốt công tác phòng chống dịch, cả nước bước vào một trạng thái bình thường mới, nhưng thực tế, với việc ra mắt dự án mới còn rất nhiều thách thức.

Cách đây ít lâu, khi đưa ra câu hỏi để tìm động lực tăng trưởng cho những tháng cuối năm, người viết nhận được khá nhiều câu trả lời thú vị. Trong đó, đa phần các ý kiến đều cho rằng, bức tranh thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến chống dịch. Rộng hơn, xa hơn, là cả từ các diễn biến về dịch bệnh ngoài biên giới. Bởi với một nền kinh tế mở, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do như Việt Nam, những tác động đó là không thể nào tránh khỏi.

Tất nhiên, cũng có những yếu tố thuận lợi!

Chia sẻ riêng với người viết, một chuyên gia cho biết, nửa đầu năm 2020, nguồn cung căn hộ trong cả nước giảm đáng kể so với 2019 và cả giai đoạn 2015 - 2019 (giai đoạn có nguồn cung ở ngưỡng cao). Với đà này, hết năm 2020 chỉ có khoảng 15.000 - 18.000 căn hộ, hay “kịch” nhất là 20.000 căn được chào bán. Trong khi đó, giai đoạn 2015 – 2019, tỷ lệ bán hàng đạt khoảng 75% - 80%, tức còn khoảng hơn 20% hàng tồn. Vì thế, dù thị trường đang gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để giải quyết hết hàng tồn kho của giai đoạn trước.

Cũng theo các thành viên thị trường, những tháng vừa qua là dịp để thị trường có sự sàng lọc, điều chỉnh. Giám đốc một sàn phân phối cho biết, dù hiện tại cung -  cầu đều gặp khó khăn, nhưng có đến 99% nhu cầu nhà ở là thật, nhiều khách hàng chỉ mua nhà một lần trong đời. Và trong tương lai, nhu cầu về nhà ở vẫn là rất lớn khi hàng năm, cư dân đô thị đều tăng thêm rất nhiều. Do đó, vị này cho rằng, khó khăn do dịch bệnh gây ra chỉ là nhất thời và không thể triệt tiêu nhu cầu mua bất động sản của người dân, do đó, tiềm năng, động lực cho sự tăng trưởng vẫn còn.

Hai quý đầu năm cũng là giai đoạn các doanh nghiệp địa ốc nhận được những sự hỗ trợ từ chính sách điều hành. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi một chính sách vĩ mô được điều chỉnh, nếu nhằm mục đích hỗ trợ thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều, nhưng cũng sẽ mất khá nhiều thời gian để chính sách đi vào cuộc sống một cách toàn diện, hiệu quả. Và bao giờ các chính sách hỗ trợ cũng ngấm chậm hơn các chính sách “siết” lại thị trường. Do vậy, trong trường hợp này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động với kế hoạch kinh doanh của mình.

Như vậy, diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào bối cảnh chung của nền kinh tế, của công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, trong 6 tháng tới, nếu tình hình vẫn diễn biến như hiện tại và dịch bệnh trên thế giới dần thoái trào, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng sẽ tận dụng được lợi thế đi trước để trở nên hấp dẫn hơn với dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Thậm chí, các ý kiến lạc quan còn cho rằng, ai trường vốn, cần túc tắc “chọn hàng” ngay từ bây giờ! 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan