UBND xã Tóc Tiên phải cắm cọc cảnh báo người dân cảnh giác với dự án “ma”

UBND xã Tóc Tiên phải cắm cọc cảnh báo người dân cảnh giác với dự án “ma”

Thị trường địa ốc phía Nam lại dậy sóng dự án “ma”

(ĐTCK) Thời gian qua, tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận... xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp, đầu nậu, cò đất lừa bán đất nền, căn hộ trên giấy.

Dự án “bánh vẽ” giăng khắp nơi

Cách đây 1 tuần, UBND phường Bình Thuận, (quận 7, TP.HCM) đã phải ra văn bản cảnh báo về những thông tin rao bán trên các trang mạng kinh doanh bất động sản về dự án “Căn hộ 9X quận 7” trên địa bàn phường.

Trong thông báo phát đi, UBND phường Bình Thuận cho biết, thời gian qua, một số trang mạng mua bán, kinh doanh bất động sản đã đăng tải thông tin rao bán về dự án “Căn hộ 9X quận 7” tọa lạc ở hẻm 134 đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7.

Qua rà soát công tác quản lý dự án trên địa bàn, UBND phường Bình Thuận khẳng định, đến thời điểm hiện nay, tại hẻm 134 đường Nguyễn Thị Thập nói riêng và toàn bộ địa bàn phường nói chung “không có bất kỳ dự án nào mang tên “Căn hộ 9X quận 7” được cấp phép triển khai thực hiện.

Về các thông tin liên quan đến “dự án” này, UBND phường Bình Thuận cho biết, chưa có cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt và cũng chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xin chủ trương để đầu tư.

Thị trường địa ốc phía Nam lại dậy sóng dự án “ma” ảnh 1

Một “dự án” mang tên Alibaba Tân Thành vừa bị UBND thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) ra quyết định cưỡng chế. Ảnh: Trọng Tín

“UBND phường Bình Thuận khuyến cáo người dân khi có nhu cầu chuyển nhượng căn hộ, nhà đất thì chủ động tìm hiểu tính pháp lý của dự án từ các cơ quan quản lý nhà nước, không dựa vào thông tin trên mạng, tờ rơi chưa được kiểm chứng tránh rủi ro gây thiệt hại về sau”, văn bản của UBND phường Bình Thuận nêu rõ.

Trước đó, UBND phường Phú Thuận (quận 7, TP.HCM) cũng phải ra văn bản thông báo, trên địa bàn phường không có bất kỳ dự án nào mang tên “Dự án khu dân cư Venica Garden”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, vài tháng trở lại đây, trên các tuyến đường của TP.HCM liên tục xuất hiện những tờ rơi quảng cáo về Dự án Venica Garden. Trên các trang quảng cáo mua bán nhà đất cũng liên tục xuất hiện thông tin chào bán dự án này với nội dung: Dự án Venica Garden có tổng diện tích khoảng 10.000 m2, với 118 nền, giá chỉ 2,8 tỷ đồng/nền. Diện tích các lô đất từ 50 - 75 m2. Khách hàng mua đặt cọc ngay 100 triệu đồng, 7 ngày sau thanh toán tiếp 30%, sau đó tiếp tục thanh toán số tiền còn lại.

Dự án “ma” này cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mại và quảng cáo “có cánh” như: Dự án view sông và nằm cạnh các dự án tỷ đô; quà tặng lên đến 10 chỉ vàng cho mỗi khách chỉ trong 1 đợt; cam kết mua lại lợi nhuận 10% trong 6 tháng… Theo các thông tin giới thiệu trên mạng, Dự án do Công ty Kim Tây Nam làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, ngày 2/5 vừa qua, ông Trần Nguyễn Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phú Thuận đã ký Văn bản số 586/TB-UBND, khẳng định trên địa bàn phường không có dự án nào mang tên khu dân cư Venica Garden.

Tại tỉnh Đồng Nai, cuối tháng 3 vừa qua, địa phương này phải tổ chức họp báo về việc Công ty Địa ốc Alibaba tổ chức rao bán dự án, phân lô bán nền 27 dự án tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Các dự án này đều không có giấy phép và không có thật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tại buổi họp báo, ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, tính đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai chưa ban hành quy định liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất để Công ty Alibaba thực hiện dự án bất động sản.

“Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Long Thành và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là đối với các khu đất nêu trên”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.

Cũng tại buổi họp này, thượng tá Trần Hùng Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hoạt động của công ty này trong thời gian vừa qua đã có dấu hiệu vi phạm luật đất đai và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Về việc xử lý vi phạm liên quan đến hành vi quảng cáo, phân lô, bán nền của Công ty Alibaba, ông Chánh cho biết, UBND huyện Long Thành đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp; UBND xã Long Phước đã lập biên bản đình chỉ thi công 1 trường hợp; UBND xã Phước Bình đã lập biên bản và ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp…

Chưa đủ pháp lý vẫn rao bán

Không chỉ các dự án “bánh vẽ” nêu trên, rất nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa đủ điều kiện khởi công hay được phép bán vẫn được các doanh nghiệp, giới cò mồi tung ra thị trường. Các chủ đầu tư này sẵn sàng bán đất, căn hộ cho người mua theo kiểu “tiền thu trước, pháp lý tính sau”.

Đơn cử, mới đây UBND tỉnh Long An đã ban hành kết luận thanh tra đối với dự án khu dân cư, nhà ở công nhân HomeLand Gold do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Phúc làm chủ đầu tư.

Theo đó, hai dự án này có hàng loạt sai phạm như chưa thực hiện các thủ tục đất đai, xin giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến các vi phạm về xây dựng, môi trường… Pháp lý chưa xong nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng huy động vốn, bán nền cho khách hàng, dẫn đến khiếu kiện liên tục.

Tương tự, tại TP. Phan Thiết (Bình Thuận), có 4 dự án bất động sản cũng vừa bị chính quyền sở tại “tuýt còi” vì chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Cụ thể như, Khu du lịch nghỉ dưỡng Apec Mandala Wyndham Mũi Né; Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2; Khu dân cư Nam Cảng cá phường Đức Long và dự án Sentosa Villa. Trước đó, cũng tại Bình Thuận, có 9 dự án khác đã bị “tuýt còi” với hình thức kinh doanh tương tự.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra tình trạng dự án “ma”, dự án chưa đủ pháp lý vẫn tung ra thị trường thời gian qua là do khan hiếm nguồn cung. Nhu cầu luôn cao, nhưng nguồn cung thì lại nhỏ giọt, dẫn tới các đối tượng môi giới lợi dụng “cơn khát” này để lừa đảo trục lợi.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, trong các năm 2016 tới 2018, nhiều doanh nghiệp bất động sản đua nhau thành lập, trong khi đó, nguồn hàng từ năm 2017 tới nay giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới cảnh doanh nghiệp làm liều.

“Có doanh nghiệp mua được quỹ đất, hoặc bắt tay với nhà đầu tư có quỹ đất lớn, rồi tự ý phân lô bán. Với mục đích bán trước làm sau, khi thu được tiền sẽ lấy tiền này đóng tiền sử dụng đất, tiền lập dự án, tiền làm hạ tầng để nộp hồ sơ pháp lý cho chính quyền địa phương. Đây là hình thức ‘mỡ nó rán nó’, lấy trước tiền của khách hàng làm dự án, từng diễn ra rất nhiều tại các tỉnh lân cận TP.HCM”, ông Châu nói.

Luật sư Nguyễn Anh Dũng, đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng, việc lấy đất chưa đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh, bán cho người mua chính là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là những người bán dự án “ma” đã lách luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Chẳng hạn, thay vì ký hợp đồng mua bán thì họ chỉ làm hợp đồng góp vốn, hợp đồng giữ chỗ hoặc hợp đồng hợp tác phân chia sản phẩm. Đây là kẽ hở khiến thời gian qua nhiều trường hợp vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. 

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan