Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 2/9?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, cũng là thời điểm tháng Ngâu đã kết thúc, điều nhà đầu tư quan tâm là diễn biến thị trường sẽ như thế nào? Liệu việc Fed tăng lãi suất, chu kỳ T+2 mới hay việc nới room tín dụng sẽ tác động đến thị trường ra sao?
Thị trường diễn biến thế nào sau kỳ nghỉ lễ 2/9?

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, trong 14 năm trước kỳ nghỉ lễ, VN-Index đã có 9 tuần tăng và 5 tuần giảm, trong khi HNX-Index có 10 tuần tăng và 4 tuần giảm.

Điều đáng chú ý, đa số các tuần tăng/giảm trước kỳ nghỉ của 2 chỉ số này đều song hành cùng nhau qua các năm, trừ năm 2015, khi đó, VN-Index giảm 1,5% thì HNX-Index lại tăng 1,11%.

Còn sau kỳ nghỉ lễ 2/9, VN-Index và HNX-Index cũng có những diễn biến tương đồng, khi cùng tăng hoặc giảm, ngoại trừ năm 2012, 2016 và 2020.

Với VN-Index, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ là vào năm 2011, khi đó chỉ số +7,6%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2013 với -1,89%. Ngược lại, sau kỳ nghỉ, năm 2009 là năm tệ nhất, khi chỉ số mất 3,53% và tăng tốt nhất vào 2011 khi tăng 5,56%.

Đối với HNX, tuần tăng mạnh nhất trước kỳ nghỉ rơi vào năm 2010 với +10,95%, trong khi giảm mạnh nhất là năm 2012 và năm 2022 này, cùng với mức giảm -2,53%. Ngược lại, sau kỳ nghỉ, tăng tốt nhất là 2011 với mức +1,87% và giảm sâu nhất là 2009 với mức -3,1%.

Diễn biến thị trường trong tuần trước và sau kỳ nghỉ lễ 2/9 từ năm 2009 đến nay

Năm

Tuần trước kỳ nghỉ

Tuần sau kỳ nghỉ

VN-Index

HNX-Index

VN-Index

HNX-Index

2009

+2,08%

+2,74%

-3,53%

-3,1%

2010

+6,78%

+10,95%

-1,56%

-0,17%

2011

+7,6%

+8,55%

+5,56%

+1,87%

2012

-0,84%

-2,53%

+0,4%

-2,04%

2013

-1,89%

-0,35%

+1,56%

-1,28%

2014

+2,64%

+4,37%

+0,31%

+1,72%

2015

-1,5%

+1,11%

-0,97%

-0,93%

2016

+2,02%

+0,14%

-0,34%

+0,52%

2017

+2,2%

+1,15%

+1,57%

+0,01%

2018

+0,3%

+1,05%

-2,08%

-1%

2019

-0,86%

-0,9%

-1,08%

-1,37%

2020

+1,49%

+2,3%

-1,39%

+0,13%

2021

+2,75%

+2,56%

+0,8%

+1,27%

2022

-0,16%

-2,53%

-

-

Về các ngày trở lại giao dịch cụ thể ngay sau kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh của 13 năm qua, thì VN-Index đều chỉ biến động nhẹ về điểm số, mất điểm sâu nhất là năm 2009, khi đó VN-Index giảm 1,26%, trong khi tăng tốt nhất là năm 2010 ngay sau đó với +1,57%.

Diễn biến VN-Index trong phiên trước và ngay sau kỳ nghỉ lễ 2/9 từ năm 2009 đến nay

Năm

Phiên trước kỳ nghỉ

Phiên sau kỳ nghỉ

VN-Index

2009

+1,92%

-1,26%

2010

+0,81%

+1,57%

2011

+2,49%

+0,1%

2012

-0,31%

+1,53%

2013

+0,89%

-0,11%

2014

+0,73%

+0,64%

2015

-0,43%

-1,42%

2016

-0,8%

-0,69%

2017

+0,76%

+0,45%

2018

-0,85%

-1,37%

2019

+0,56%

-0,48%

2020

+1,14%

+1,34%

2021

+0,24%

+0,88%

2022

+0,09%

-

Còn trong tháng 9 các năm đã qua, thị trường biến động mạnh nhất vào thời điểm phục hồi nhẹ từ đáy tháng 2/2009 (trên dưới 240 điểm) và đạt đỉnh vào giữa tháng 10 cùng năm (hơn 620 điểm) và lình xình ngay lập tức vào năm sau 2010, khi chứng khoán bắt đầu suy yếu và lùi về vùng 400 điểm.

Đáng chú ý, tháng 9 năm 2017 và 2018, thị trường đều tăng rất tốt, đặc biệt là năm 2018, chỉ số đã vọt lên trên 1.017 điểm từ mức quanh vùng 98x-99x điểm trong tháng 7, tháng 8 trước đó.

Tuy nhiên sau đó, thị trường dần đuối sức và bắt đầu suy yếu mạnh khi bước vào tháng 10, với phiên mất hơn 48 điểm vào ngày 11/10 (-4,84%) - phiên "đen tối" thứ hai của VN-Index, sau phiên ngày 5/2 với mức giảm 5,1%.

Trong tháng 9 của những năm gần đây, đáng kể nhất là “tháng 9 Covid” trong năm 2020, khi VN-Index có thời điểm tăng lên cao nhất 914,5 điểm. Kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 gây ra tâm lý hoảng loạn và đợt bán tháo trên diện rộng của sàn chứng khoán, VN-Index lần đầu tiên trụ vững ở mốc 900 điểm khi kết thúc tháng này và tăng hơn 38% so với mức đáy 655 điểm cuối quý I.

Thanh khoản ghi nhận tăng tháng thứ ba liên tiếp. Tháng 9 cũng là tháng có giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày lớn nhất từ đầu năm 2020 (hơn 5.000 tỷ đồng/phiên).

Tháng 9 năm vừa qua, năm 2021, đáng chú ý là việc thị trường tiếp tục ghi nhận số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đạt 114.962 tài khoản, giảm 5.803 tài khoản so với tháng 8. Nhưng vẫn là là tháng thứ bảy liên tiếp số lượng tài khoản mở mới vượt mức 100.000 đơn vị trong năm.

Thanh khoản thị trường sụt giảm cho thấy tâm lý dè dặt hơn của nhà đầu tư trước khi nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 710,18 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch bình quân 20.898 tỷ đồng, giảm 9,28% về giá trị và tăng 0,97% về khối lượng so với tháng trước.

Chỉ số VN-Index trong tháng 9/2021 tăng 0,8% lên 1.342,06 điểm.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 từ năm 2009

Tháng 9 các năm

VN-Index

HNX-Index

2009

+6,23%

+7,02%

2010

-0,13%

-0,85%

2011

+0,51%

-2,52%

2012

-0,87%

-9,7%

2013

+4,21%

-0,39%

2014

-5,94%

+1,82%

2015

-0,37%

+1,39%

2016

+1,64%

+0,73%

2017

+2,76%

+3,63%

2018

+2,78%

+3,09%

2019

+1,57%

-2,67%

2020

+2,67%

+6,47%

2021

+0,8%

+4,23%

Trong tháng 9/2022, sự kiện đáng quan tâm và có thể ảnh hưởng là việc Fed tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 21/9. Nhiều dự báo và những phát ngôn của quan chức Fed gần đây đều chỉ ra rằng, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% lần thứ ba liên tiếp trong năm nay.

Bên cạnh đó, giới đầu tư tiếp tục theo sát tình hình cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, nơi cũng có thể khởi nguồn cho những bất ổn mới khi mùa đông đã đến rất gần.

Hiện tại, dự trữ khí đốt của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hiện đạt bình quân gần 80% công suất, trong đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đã cán đích trong việc lấp đầy 85%. Trong khi các nước khác như Ba Lan, dự trữ khí đốt đạt gần 100%, Bồ Đào Nha đã đầy, Hungary là 62% và của Bulgaria là 60%...

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng được khuyến nghị nhìn vào Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm tốc nhanh hơn dự báo, do vẫn đang trong tình trạng tương đối hỗn loạn bởi các lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố lớn để chống Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản hiện cũng chưa có lối thoát.

Tại thị trường trong nước, động lực lớn đến từ giao dịch T+2 mới chính thức được triển khai kỳ vọng giúp tăng thanh khoản tăng lên khoảng 20-30%, giúp nhà đầu tư phản ứng nhanh hơn với những biến động mạnh, qua đó, tạo thêm động lực thị trường.

Thêm nữa, việc giao dịch lô lẻ trên HOSE dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 12/9 tới đây được dự báo cũng sẽ thúc đẩy thêm sự sôi động cho thị trường thời gian tới.

Đáng chú ý khác là câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ thu hút nhà đầu tư, do đây sẽ tiếp tục là động lực chính cho nền kinh tế đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, thông tin được mong chờ nhất là việc Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Về thị trường chung, cân nhắc cả các yếu tố cơ hội và rủi ro, VNDirect cho rằng, thị trường có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-Index tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300-1.330 điểm. Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để giảm thiểu rủi ro.

Nhưng với các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện, VNDirect cho rằng, đợt điều chỉnh này sẽ tạo ra “cơ hội giải ngân tốt” cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho quý IV/2022 và năm 2023.

Tin bài liên quan