Thị trường điều chỉnh, cơ hội mới cho nhà đầu tư

Thị trường điều chỉnh, cơ hội mới cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest cho rằng, thị trường điều chỉnh là cơ hội mới cho nhà đầu tư tìm kiếm cổ phiếu có giá rẻ hơn và ở mức độ an toàn hơn. 

Sau khi phục hồi lên ngưỡng 1.000 điểm, VN-Index có diễn biến điều chỉnh. Trong ngắn hạn, ông nhận định thị trường sẽ diễn biến theo xu hướng nào?

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 11% và là một trong những thị trường chứng khoán tăng tốt nhất trên toàn cầu trong vòng 2 tháng đầu năm 2019. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất phát từ những yếu tốt tích cực nội tại như: dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư theo chỉ số ETF; lực cầu mạnh đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn; tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trước và trong sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Việt Nam vào cuối tháng 2; sự cộng hưởng tích cực theo sự tăng trưởng chung của thị trường chứng khoán toàn, nhất là thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ nay cho đến hết tháng 3, tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ có xu hướng điều chỉnh, với các lý do sau. Thứ nhất, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong quý I/2019 sẽ giảm tốc, mức tăng khoảng 4 - 5%, trong khi mức tăng của quý I/2018 là 23%.

 Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư, Công ty Chứng khoán Everest 

Thứ hai, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2019 sẽ thấp hơn so với quý I/2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ hàng hóa từ các nước, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lạm phát có thể gia tăng khi giá xăng và giá điện điều chỉnh tăng trong tháng 3/2019. Thứ ba, thị trường chịu áp lực chốt lời của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như dòng tiền được dự báo sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa.

Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động bởi các yếu tố bên ngoài như: dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, đàm phán thương mại giữa Mỹ - Trung chưa ấn định được thời hạn cụ thể, ít nhất là đến hết tháng 3; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và một số nước lớn có thể leo thang. 

Một số chuyên gia phân tích kỹ thuật cho rằng, thị trường hiện ở vùng quá mua, dòng tiền cũng trở nên thận trọng hơn sau một đợt tăng điểm nóng và tâm lý chốt lời có xu hướng gia tăng. Quan điểm của ông như thế nào?

Quan sát về dòng tiền và thanh khoản của thị trường, tôi cho rằng, dòng tiền sẽ suy giảm trong thời gian tới theo biến động của chỉ số và áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng hơn là việc nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.

Do đó, theo tôi, nhà đầu tư nên giảm dần tỷ lệ cổ phiếu, gia tăng tỷ trọng tiền mặt và có thể sử dụng các công cụ phái sinh nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Ngoài ra, nhà đầu tư nên xem xét giải ngân vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tích cực, trong khi giá cổ phiếu giảm mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu có định giá P/E dưới 10 lần.

Vậy rủi ro trong ngắn hạn là cơ hội cho đầu tư dài hạn, nhưng làm thế nào để hạn chế rủi ro, theo ông?

Tôi cho rằng, thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn là tích cực và hầu hết nhà đầu tư đều lỡ nhịp tăng vừa qua. Do đó, thị trường điều chỉnh là cơ hội mới cho nhà đầu tư tìm kiếm cổ phiếu rẻ hơn và ở mức độ an toàn hơn.

Dự báo, VN-Index trong ngắn hạn sẽ tiếp tục điều chỉnh, mức hỗ trợ quanh 900 điểm. Theo đó, chiến lược hiện nay là chốt lời ở thời điểm hiện tại và giảm tỷ trọng đầu tư của cổ phiếu lớn, đồng thời chờ thị trường điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn để giải ngân. Triển vọng trong dài hạn của thị trường vẫn rất tích cực, nhất là trong trường hợp thị trường điều chỉnh về mức định giá thấp, P/E dưới 15 lần, sẽ kích hoạt dòng tiền mới vào thị trường nhiều hơn.

Các tiêu chí để lựa chọn danh mục tốt, hạn chế rủi ro bao gồm: Thứ nhất, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, từ trên 1.000 tỷ đồng đến 13.000 tỷ đồng; định giá theo P/E của nhóm này đang tiến về vùng thấp nhất với P/E quanh 9 lần, thấp hơn mức bình quân 10 năm là P/E 10 lần.

Thứ hai, cổ phiếu của doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2018, nhưng giá cổ phiếu hầu như đi ngang. Thứ ba, doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận cao trong quý I và cả năm 2019. Thứ tư, nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng (thực phẩm và đồ uống, phân phối và bán lẻ, vận tải và dịch vụ logistics).

Thứ năm, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh 2019 khả quan và có các yếu tố tích cực như chia cổ tức, chia cổ phiếu thưởng… trong mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Tin bài liên quan