Thị trường gạo gặp thách thức sau nhiều biện pháp hạn chế của Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ trong vòng khoảng sáu tuần, Ấn Độ đã làm rung chuyển thị trường gạo toàn cầu.
Thị trường gạo gặp thách thức sau nhiều biện pháp hạn chế của Ấn Độ

Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - đã đặt ra các hạn chế đối với tất cả hàng xuất khẩu của mình và dẫn tới hàng loạt mối lo ngại từ các quốc gia từ châu Á đến Tây Phi. Các nhà xuất khẩu gạo lớn khác mặc dù đã cố gắng trấn an người tiêu dùng rằng nguồn cung gạo dồi dào, nhưng điều đó không giúp xoa dịu được thị trường.

Giá gạo ở châu Á đã tăng trở lại gần mức cao nhất trong gần 15 năm vào thứ Tư (30/8) sau khi Ấn Độ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đối với gạo đồ và gạo basmati vào cuối tuần trước. Đây cũng là những giống gạo cuối cùng còn sót lại không bị hạn chế xuất khẩu.

Peter Timmer, giáo sư danh dự tại Đại học Harvard cho biết: “Giá gạo tăng đột biến luôn gây tổn hại nhiều nhất cho người tiêu dùng nghèo. Mối lo ngại cấp bách nhất hiện nay là liệu Thái Lan và Việt Nam có theo chân Ấn Độ và áp dụng các biện pháp kiểm soát đáng kể đối với xuất khẩu gạo hay không. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ thấy giá gạo thế giới vượt quá mốc 1.000 USD/tấn”.

Sự lo lắng về nguồn cung là điều dễ hiểu. Gạo rất quan trọng đối với chế độ ăn uống của hàng tỷ người và đóng góp tới 60% tổng lượng calo tiêu thụ của người dân ở các khu vực Đông Nam Á và châu Phi. Giá gạo hiện ở mức 646 USD/tấn và thời tiết khắc nghiệt có thể khiến thị trường gạo rung chuyển hơn nữa.

Sự khởi đầu của hiện tượng El Nino trong năm nay đã đe dọa làm khô hạn nhiều khu vực trồng trọt trọng điểm trên khắp châu Á, trong đó Thái Lan đã cảnh báo tình trạng hạn hán vào đầu năm 2024. Vụ mùa ở Trung Quốc dường như đã thoát khỏi thời tiết xấu cho đến nay, nhưng các khu vực trồng trọt chính của Ấn Độ cần nhiều mưa hơn.

Tính đến ngày 31/8, giá gạo ở thủ đô New Delhi vẫn cao hơn một năm trước, nhưng kể từ lệnh cấm xuất khẩu vào tháng 7, giá gạo đã giữ ổn định ở mức 39 rupee (47 cent) mỗi kg. Trong khi giá gạo trên toàn quốc vẫn cao hơn một chút.

Bộ trưởng Lương thực Ấn Độ, Sanjeev Chopra cho biết, nhờ trữ lượng ngũ cốc dồi dào cộng với vụ lúa mới, tình hình nguồn cung của nước này không đáng lo ngại. Ông nói thêm rằng hiện tại không có đề xuất nào về việc hạn chế xuất khẩu thêm nữa. Tuy nhiên, các hạn chế của Ấn Độ sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác.

Tuần trước, Philippines đã buộc phải áp trần giá gạo trên toàn quốc do chi phí bán lẻ tăng “đáng báo động” và báo cáo về tình trạng tích trữ của một số công ty kinh doanh hàng hoá. Quốc gia này là nước nhập khẩu ngũ cốc lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, các quan chức Malaysia sẽ gặp nhà nhập khẩu gạo nhà nước, nông dân và Ủy ban Lúa gạo Quốc gia trong tuần này để thảo luận về tình hình hiện tại và đảm bảo rằng quốc gia có đủ nguồn cung. Malaysia nhập khẩu khoảng 30% lượng ngũ cốc từ các nhà sản xuất như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

Bên cạnh đó, các quốc gia lo lắng khác đang lựa chọn con đường ngoại giao.

Guinea đã cử Bộ trưởng thương mại đến Ấn Độ, trong khi Singapore, Mauritius và Bhutan yêu cầu New Delhi miễn cho họ khỏi hạn chế vì lý do an ninh lương thực – một điều khoản mà nước này đã bổ sung khi cấm xuất khẩu gạo non-basmati.

Nhưng những hạn chế cũng đã tạo cơ hội cho Thái Lan đẩy mạnh thị phần trên thị trường gạo toàn cầu. Là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nước này đã tham gia roadshow trong những tuần gần đây với các quan chức thương mại và thực hiện các chuyến đi đến Philippines, Indonesia, Malaysia và Nhật Bản.

Việt Nam cũng đang đưa ra một số hỗ trợ cho thị trường. Dữ liệu hải quan cho thấy khối lượng xuất khẩu gạo sang Indonesia đã tăng vọt trong 7 tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng cao hơn.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến sẽ cập nhật giá gạo trắng 5% tấm sau cuộc họp hàng tuần vào thứ Tư (6/9), và các nhà đầu tư sẽ theo dõi giá gạo tiêu chuẩn ở châu Á có tiếp tục duy trì xu hướng tăng hay không và liệu mối lo ngại có tiếp tục diễn ra.

Tin bài liên quan