Thị trường giật lên xuống như bước nhảy Kangaroo: Tìm cơ hội ở nhóm ngành nào?

Thị trường giật lên xuống như bước nhảy Kangaroo: Tìm cơ hội ở nhóm ngành nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi thị trường giằng co là cơ hội cho nhà đầu tư thể hiện kỷ luật, chẳng hạn như trung bình hoá chi phí vốn và giải ngân định kỳ nhằm giảm rủi ro mang tính thời điểm giải ngân .

Thị trường xuất phát từ phố Wall để chỉ diễn biến thị trường chứng khoán liên tục giật lên rồi lại giật xuống trong 1 biên độ hẹp giống như những bước nhảy của Kangaroo. Việc thị trường không có xu hướng khiến nhà đầu tư lúng túng và cảm thấy rất khó lựa chọn cơ hội đầu tư.

Tuy nhiên, với thị trường Kangaroo như hiện nay, chia sẻ trong Bí mật đồng tiền số 12, ông Tô Xuân Nam, chuyên gia Quỹ cổ phiếu, Công ty quản lý quỹ đầu tư SSIAM cho rằng, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy tài sản ở vùng giá tương đối hấp dẫn và chờ thị trường đi lên.

Lý giải một phần diễn biến thị trường này, ông Nam cho rằng, bên mua và bán đều không thể hiện sức mạnh của mình, ngắn hạn có thể ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, như vĩ mô thế giới, chiến tranh, Fed, hay thông tin nội địa như Việt Nam vừa bước qua giai đoạn chống chọi với covid, mọi thứ đang dần trở lại, nhưng số người mắc bệnh vẫn cao nên có thể mọi người dè chừng sự rủi ro này... Tuy nhiên, nếu trong dài hạn, thì các biến động ngắn hạn là cơ hội để tích luỹ và kỳ vọng 1 - 2 năm tới có lợi nhuận tốt.

Đặc điểm nhận dạng thị trường Kangaroo là biểu đồ như nhịp tim, cứ đi lên xuống liên tục nhưng biên độ hẹp, thanh khoản yếu hơn so với thị trường đi lên.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI nhìn nhận thị trường đang ngập ngừng, nằm giữa Bò và Gấu - không rõ ràng xu hướng.

"Thị trường giật lên giật xuống rất mạnh và phản ứng rất nhạy với một thông tin, chẳng hạn có thông tin đàm phán đã nghĩ ngay đến hòa bình, nói vui như crush vừa seen tin nhắn của mình đã nghĩ ngay đến việc mua váy cưới. Thị trường đang phản ứng đúng kiểu như thế và “hơi xa” so với diễn biến thực", ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, thông tin mới nhất giao dịch gần đây vẫn biến động mạnh là có thể do nhà đầu tư lo ngại về tình hình Trung Quốc với ca nhiễm tăng rất mạnh, từ đó có các đồn đoán không đúng lắm như Thượng Hải đóng cửa, hay cảng Thẩm Quyến đóng cửa (năm ngoái cảng này đóng cửa đã ảnh hưởng rất lớn đến logistic trên thế giới)… thực tế thì không đóng cửa, và thế giới đang phản ứng theo hướng mọi thứ và Trung Quốc “không xấu như mọi người nghĩ”.

Khi thị trường giằng co, ông Nam cho là cơ hội cho nhà đầu tư thể hiện kỷ luật, như trung bình hoá chi phí vốn và giải ngân định kỳ, giảm thiểu rủi ro mang tính thời điểm giải ngân. Nhìn lại về quá khứ thì rất dễ, nhà đầu tư nào cũng suy nghĩ đáng lẽ phải mua rẻ bán cao, nhưng thực tế, sự nhạy cảm với thị trường khiến đa phần nhà đầu tư không làm được như suy nghĩ và sinh lời là rất khó.

Các nhà nghiên cứu kinh tế học cho rằng, nhìn vào diễn biến hàng ngày không ai dự đoán được thị trường trong ngắn hạn, nhưng có dự đoán chắc chắn đúng là trong dài hạn là đi lên vì dài hạn triển vọng kinh tế Việt Nam đang tốt, "thời đến là không cản được", ông Nam chia sẻ.

Vậy muốn kỷ luật thì cũng phải tìm đúng dòng tiền đang đi đâu về đâu, chẳng hạn như nhóm hàng hoá, dầu khí đang giảm, thì có cửa tạo sóng mới hay không?

Nói về nhóm ngành, ông Nam dự đoán dòng tiền sẽ đi về nhóm bất động sản, sản xuất và công nghiệp, sau 1 thời gian nữa có thể quay lại nhóm tài chính - vì các nhóm này đi theo nền tảng cơ bản của nền kinh tế, đây là các ngành trụ cột nền kinh tế, tạo sự tăng trưởng GDP thì dòng tiền tất yếu chảy về đây.

Còn về nhóm Bất động sản khu công nghiệp, vì sao hot nhưng vẫn giảm? Theo chuyên gia, nhóm này đang có sự điều chỉnh sau một đà tăng rất mạnh trước đó, nhưng đây là ngành có xu hướng tốt trong dài hạn, các nhà máy đến Việt Nam vẫn sẽ nhiều trong các năm tới.

Cụ thể, nhìn dòng vốn FDI trong vài năm qua luôn 15 - 25 tỷ USD/năm, và 2022 không ngoại lệ. Có nhiều rủi ro cho các cơ sở sản xuất, chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và chi phí công nhân Trung Quốc cũng đắt đỏ hơn… là xúc tác để cho Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của thế giới cho 5 - 10 năm tới.

Về ngành thép, Dragon Capital mới đưa ra báo cáo nhận định rằng, chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận HPG trở nên khó dự báo, cụ thể là giá than cốc tăng mạnh. Bên cạnh đó, EU ra thông tin cấm đầu tư vào ngành năng lượng và cấm nhập khẩu thép từ Nga, có phải là thông tin tích cực không?

Ông Hưng cho rằng, lợi nhuận khó dự báo thì công ty nào cũng khó dự báo, HPG ít nhất đang hưởng lợi vì có lợi thế tồn kho giá thấp và là công ty lớn nên kiểm soát chi phí tốt hơn, có thể deal mức giá ổn định và tốt hơn. Ngắn hạn thì giá thép tăng 10 - 15%, nên quý I/2022 có thể tốt.

Câu chuyện hàng hoá có còn nóng? Theo quan điểm ông Hưng, giá dầu đã có lúc điều chỉnh giảm hơn 30%, về dưới 100 nay lại lên, vấn đề mà mọi người lo ngại là ở Trung Quốc liệu có lockdown và sẽ ảnh hưởng đến cầu, tuy nhiên, sau này mọi người sẽ nhận ra rằng, việc xử lý Covid-19 của Trung Quốc nhanh hơn dự đoán. Chẳng hạn, trước đây, sau khi quay lại bình thường sớm, kinh tế Trung Quốc vẫn kỳ vọng tăng trưởng 5,5%, lúc đó nhu cầu hàng hoá lại quay lại, và giá cả hàng hoá và dầu cũng có thể tăng.

Còn cảng biển, SSI cho rằng là nhóm hưởng lợi, kỳ vọng outperform trong thời gian tới. Cơ sở cho nhận định này đến từ yếu tố vĩ mô, thì gần như trải qua giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh, mọi thứ đang đi vào hoạt động gần bình thường, khủng hoảng về chuỗi cung ứng dần được gỡ, nhu cầu ở các thị trường phương Tây tăng lên khi cuộc sống trở lại bình thường. Cả xuất nhập khẩu Việt Nam đi lên và vì thế cảng biển cũng đi lên.

Ông Nam chia sẻ, lượng hàng container của Việt Nam đi vào Mỹ xếp thứ 2 trong châu Á, chỉ sau Trung Quốc, nên cảng biển là tất yếu.

Tin bài liên quan