Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 3-10/5: Giá dầu bật mạnh, lúa mì trượt dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 3-10/5, thị hàng hóa thế giới chứng kiến giá vàng và dầu cùng bật mạnh sau chuỗi giảm liên tục trước đó. Ngoài ra, giá nhiều mặt hàng khác cũng đi lên như đồng, ca cao, đường, ngô, đậu tương…
Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 3-10/5: Giá dầu bật mạnh, lúa mì trượt dốc

Năng lượng: Giá dầu tăng 4%, khí LNG giảm gần 1%

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu bật tăng vào thứ Sáu (9/5) và tăng trong tuần - cũng là tuần tăng đầu tiên kể từ giữa tháng 4 khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Vương quốc Anh khiến các nhà đầu tư lạc quan trước các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao từ Washington và Bắc Kinh.

Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn tương lai tăng 1,07 USD (+1,7%) lên 63,91 USD/thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn tương lai tăng 1,11 USD (+1,9%) lên 61,02 USD/thùng. Tính theo tuần, cả hai loại dầu đều tăng hơn 4%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu cho biết, Trung Quốc nên mở cửa thị trường cho Mỹ và mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc “có vẻ hợp lý", một ngày sau khi ông công bố thỏa thuận giảm thuế đối với ô tô và thép xuất khẩu của Anh cùng với các thỏa thuận khác với nước này.

Dữ liệu hải quan cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng 4, trong khi nhập khẩu thu hẹp mức giảm. Lượng dầu thô nhập khẩu của nước này trong tháng 4 đã giảm so với tháng trước đó, nhưng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, do lượng hàng hóa được cấp phép tăng đột biến và các nhà máy lọc dầu nhà nước tích trữ trong thời gian ngừng hoạt động để bảo dưỡng.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có kế hoạch tăng sản lượng, điều này có thể gây áp lực lên giá dầu. Một khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng dầu của OPEC giảm nhẹ vào tháng 4 do mức giảm ở Libya, Venezuela và Iraq lớn hơn mức tăng sản lượng theo kế hoạch.

Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm sau khi thời tiết ôn hòa khiến nhu cầu sưởi ấm và làm mát ở mức thấp vào tuần trước nữa, cho phép các công ty tiện ích bơm nhiều khí đốt vào kho hơn bình thường vào thời điểm này trong năm.

Cụ thể, giá LNG tương lai giao tháng 6/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 2,9 cent (-0,8%) về mức 3,592 USD/mmBTU.

Mức giảm giá diễn ra mặc dù sản lượng giảm trong những tuần gần đây và dự báo nhu cầu sẽ tăng trong 2 tuần tới so với dự kiến trước đó một phần là do lưu lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG tăng.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, các công ty năng lượng đã thêm 104 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho lưu trữ trong tuần kết thúc vào ngày 2/5/2025.

Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống 103,4 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay trong tháng 5, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng là 105,8 bcfd vào tháng 4.

LSEG dự báo, nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 97,1 bcfd trong tuần này xuống 94,8 bcfd vào tuần tới.

Kim loại: Giá vàng tăng hơn 3%, đồng cũng đi lên, quặng sắt diễn biến trái chiều

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% vào thứ Sáu khi đồng USD giảm trước cuộc họp giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào cuối tuần.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 1,1% lên 3.340,29 USD/ounce và cả tuần tăng 3,1%. Vàng kỳ hạn giao tháng 6/2025 tăng 1,1% lên 3.344 USD/ounce.

Vàng thỏi, được biết đến như một hàng rào chống lại sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế, đã tăng hơn 27% kể từ đầu năm. Việc USD giảm 0,3% khiến vàng thỏi trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Khi các đại diện cho Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán vào cuối tuần để kiềm chế cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump cho biết mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc “có vẻ hợp lý”.

Giá vàng đang dao động trong vùng nhạy cảm khi thị trường toàn cầu hướng sự chú ý vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận tích cực, giới phân tích cảnh báo giá vàng có thể giảm mạnh, thậm chí về vùng 3.000 USD/ounce. Tuần này, thị trường sẽ đối mặt với loạt dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ, trong đó báo cáo CPI tháng 4 vào thứ Ba được xem là yếu tố then chốt. Nếu lạm phát hạ nhiệt, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 sẽ tăng lên, có thể hỗ trợ giá vàng.

Bên cạnh đó, diễn biến địa chính trị như căng thẳng Ấn Độ - Pakistan hay hoạt động mua vào của Trung Quốc cũng đang tác động lớn tới thị trường vàng. Một số chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng với khả năng giá vàng điều chỉnh nếu rủi ro toàn cầu lắng dịu.

Ở nhóm kim loại màu, giá đồng ổn định vào thứ Sáu trước khi diễn ra các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Cụ thể, giá đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,3% lên 9.456,50 USD/tấn.

Thị trường tập trung chú ý tới nguồn cung bị thắt chặt hơn, phản ánh qua việc mức chênh lệch giá giữa các hợp đồng đồng kỳ hạn gần với các hợp đồng xa tăng lên mức cao nhất trong 2,5 năm.

Từ đầu năm 2025 đến nay, giá đồng thế giới đã ghi nhận những biến động đáng chú ý. Sau nhịp tăng mạnh mẽ lên mức đỉnh lịch sử vào cuối tháng 3, thị trường đã trải qua một pha điều chỉnh đáng kể trong tháng 4. Đáng chú ý, kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, giá đồng COMEX xác lập kỷ lục cao nhất mọi thời đại khi chạm mốc 5,24 USD/pound, tương đương 11.559 USD/tấn.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường đồng đang bước vào chu kỳ tăng trưởng dài hạn, khi nhu cầu bật tăng nhờ làn sóng chuyển đổi năng lượng toàn cầu và quá trình hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, trong khi nguồn cung đối mặt nhiều trở ngại như thiếu hụt tinh quặng và bất ổn địa chính trị. Nền tảng cung - cầu vững chắc này sẽ tạo lực đỡ giúp giá đồng duy trì ở vùng cao trong trung và dài hạn.

Ở nhóm kim loại đen, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tương lai giao dịch trong biên độ hẹp vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư cân nhắc tác động từ triển vọng giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung so với nhu cầu yếu theo mùa từ nước tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.

Cụ thể, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2025 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc giảm 0,57% xuống 696 CNY tệ (96,06 USD)/tấn trong phiên 9/5 và ghi nhận mức giảm 1,2% trong tuần.

Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2025 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,65% lên 97,15 USD/tấn và tăng 1,5% trong tuần.

Sản lượng kim loại nóng trung bình hàng ngày của Trung Quốc - thường được sử dụng để đánh giá nhu cầu quặng sắt - đã tăng 0,1% so với tuần trước nữa lên 2,46 triệu tấn tính đến ngày 8/5/2025 - mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Nông sản: Lúa mì trượt dốc, ngô và đậu tương tăng giá

Giá lúa mì trên sàn Chicago (CBOT) tiếp tục trượt dốc trong phiên 9/5, rơi xuống mức thấp kỷ lục do điều kiện thời tiết thuận lợi tại khu vực đồng bằng Mỹ và triển vọng xuất khẩu ảm đạm khiến các quỹ đầu cơ gia tăng vị thế bán.

Cụ thể, hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa Đông giao tháng 7 (WN25) giảm 7,5 cent xuống 5,2175 USD/giạ; lúa mì đỏ cứng mùa Đông giao tháng 7 tại Kansas (KWN25) giảm 7,25 cent xuống 5,1705 USD/giạ; lúa mì Xuân tháng 7 tại Minneapolis (MWEN25) giảm tương đương xuống 5,9305 USD/giạ.

Thị trường ghi nhận Trung Quốc đã mua khoảng 400.000-500.000 tấn lúa mì từ Úc và Canada trong vài tuần qua, giữa lúc các khu vực trồng trọt trọng điểm tại nước này đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài đe dọa mùa màng.

Dự báo có mưa tại khu vực Biển Đen - nơi xuất khẩu chủ chốt, cùng với việc mùa vụ lúa mì Đông ở Mỹ được cải thiện càng gây sức ép lên giá. Giới giao dịch đang chờ báo cáo cung cầu toàn cầu đầu tiên cho niên vụ 2025-2026 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự kiến công bố vào hôm nay (12/5).

Giá ngô kỳ hạn trên sàn CBOT tăng nhẹ trong phiên khi nhà đầu tư điều chỉnh vị thế bán trước thềm cuộc họp quan trọng giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) vào cuối tuần này.

Cụ thể, hợp đồng ngô tháng 7 (CN25) tăng 2,25 cent lên 4,4975 USD/giạ.

Theo Nhà Trắng, cuộc đàm phán là bước tiến hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với áp lực đến từ điều kiện canh tác lý tưởng tại vùng Trung Tây Mỹ và khả năng sản lượng cao hơn trong niên vụ tới.

Ngoài ra, vụ thu hoạch ngô sắp diễn ra tại Brazil - nước xuất khẩu lớn, cũng được dự báo sẽ làm suy yếu nhu cầu đối với ngô Mỹ trong thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, các nhà xuất khẩu vừa chốt đơn bán 228.000 tấn ngô cho Mexico, giao hàng trong niên vụ 2024-2025 và 2025-2026.

Giá đậu tương bật tăng trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng thương mại và điều chỉnh vị thế trước cuộc gặp Mỹ - Trung tại Geneva. Đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường vốn rất nhạy cảm với rủi ro địa chính trị, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn là khách hàng nhập khẩu đậu tương lớn nhất toàn cầu.

Cùng lúc, USDA xác nhận đã có đơn hàng mới trị giá 120.000 tấn đậu tương từ Pakistan, giao trong niên vụ 2025-2026.

Theo đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/5, hợp đồng đậu tương tháng 7 (SN25) tăng 6,75 cent lên 10,5175 USD/giạ; dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7 (BON25) cũng nhích tăng 0,12 cent lên 48,57 cent/pound; trong khi bột đậu tương tháng 7 (SMN25) giảm 60 cent xuống 294,1 USD/tấn ngắn.

Giới giao dịch đang tập trung vào báo cáo cung cầu mùa vụ toàn cầu của USDA công bố vào đầu tuần này, trong đó sẽ cập nhật bảng cân đối đầu tiên cho niên vụ 2025-2026.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và ca cao tăng, cà phê giảm nhẹ, cao su diễn biến trái chiều

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (9/5), giá đường thô (SB1!) trên sàn ICE tăng 0,28 cent (+1,6%) lên 17,78 cent/pound và cả tuần tăng 3,3% - đánh dấu sự phục hồi sau khi chạm đáy 3,5 năm tại mức 16,97 cent/pound trong tháng. Đường trắng (SF1!) cũng tăng 1% lên 499,90 USD/tấn.

Giới phân tích cho rằng, đà tăng của giá dầu trong tuần đã hỗ trợ giá đường. Ngoài ra, hoạt động mua đường từ Brazil của Trung Quốc cũng được ghi nhận gia tăng, đúng vào thời điểm vụ ép mía tại Brazil bắt đầu. Dù vậy, triển vọng chung vẫn thận trọng do áp lực dư cung toàn cầu.

Giá ca cao tiếp tục xu hướng tăng trong bối cảnh thị trường hướng sự chú ý đến thời điểm đáo hạn hợp đồng tháng 5 (LCCK5) sắp tới. Cụ thể, tại London, hợp đồng ca cao kỳ hạn (C2!) tăng nhẹ 17 bảng (+0,3%) lên 6.593 bảng/tấn và tăng 4% trong tuần. Tại New York, hợp đồng ca cao kỳ hạn (CC2!) tăng 1,3% lên 9.187 USD/tấn.

Chênh lệch giá giữa hợp đồng tháng 5 và tháng 7 tại London tăng trở lại lên khoảng 165 bảng mỗi tấn sau khi giảm mạnh trong phiên liền trước. Trong khi đó, Citi vừa hạ mức đánh giá cổ phiếu Barry Callebaut, nhà sản xuất sôcôla lớn nhất thế giới, do lo ngại chi phí đầu vào chưa được phản ánh hết vào giá sản phẩm.

Trái ngược với đường và ca cao, thị trường cà phê robusta giảm nhẹ khi triển vọng nguồn cung được cải thiện. Cụ thể, hợp đồng robusta kỳ hạn (RC2!) giảm 0,7% xuống 5.226 USD/tấn. Mức giảm này diễn ra sau khi Brazil nâng dự báo sản lượng vụ cà phê 2025-2026 lên 65,51 triệu bao loại 60 kg, tăng từ mức ước tính trước đó là 62,45 triệu bao, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.

Ở chiều ngược lại, cà phê Arabica (KC2!) tăng nhẹ 0,1% lên 3,8775 USD/pound. Thị trường vẫn đang dao động trong biên độ hẹp từ 3,80-3,95 USD/pound trong tuần. Tại Colombia - quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ ba thế giới, sản lượng cà phê tháng 4 đạt khoảng 703.000 bao, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cao su kỳ hạn tương lai tại Nhật Bản tăng phiên thứ 7 liên tiếp do hy vọng căng thẳng thương mại sẽ giảm bớt trước thềm các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, trong khi giá dầu tăng cũng hỗ trợ giá cao su. Cụ thể, hợp đồng cao su tháng 10/2025 của Sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 0,6 JPY (+0,2%) lên 301,2 yên (2,07 USD)/kg và tăng 1,45% trong tuần.

Ở chiều ngược lại, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2025 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 75 CNY (-0,51%) xuống 14.620 CNY (2.017,86 USD)/tấn. Tương tự, hợp đồng cao su tháng 6/2025 giao dịch trên Sàn giao dịch Singapore giảm 0,5% xuống 171,4 US cent/kg.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan