Thị trường hàng hóa tuần từ 10-17/12: Nhiều mặt hàng biến động mạnh

Thị trường hàng hóa tuần từ 10-17/12: Nhiều mặt hàng biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Kết thúc tuần giao dịch từ 10-17/12, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến sự biến động mạnh của nhiều mặt hàng như khí LNG, kim loại cơ bản, cà phê hay cao su, trong khi vàng, bạc, sắt, thép, ngô, lúa mì, than vững đà tăng, dầu đảo chiều giảm giá.

Năng lượng: Dầu quay đầu giảm, than tăng cao, khí LNG biến động mạnh

Kết thúc phiên cuối tuần qua 17/12, giá dầu giảm và cũng giảm trong cả tuần do các ca nhiễm biến thể Omicron tăng, làm gia tăng lo ngại các hạn chế mới có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Theo đó, giá dầu Brent giao sau giảm 1,5 USD (-2%) về mức 73,52 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 1,52 USD (-2,1%) về mức 70,86 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 2,6% và dầu WTI giảm 1,3%.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các đồng minh, được gọi là OPEC+ cho biết, có thể gặp nhau trước cuộc họp dự kiến vào ngày 4/1/2022 nếu những thay đổi trong triển vọng nhu cầu đảm bảo việc xem xét lại kế hoạch bổ sung nguồn cung 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022.

Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ tăng trong tuần qua, lên 579 giàn (tăng 3 giàn), làm dấy lên lo ngại về khả năng dư cung, Công ty Dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co BKR.N cho hay.

Tuy nhiên, bất chấp các mối đe dọa từ Omicron đối với nhu cầu, Goldman Sachs cho rằng, biến thể mới này tác động hạn chế đến khả năng di chuyển hoặc nhu cầu dầu, nên tiêu thụ dầu dự kiến đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 và 2023.

Giá khí tự nhiên (LNG) tại Mỹ giảm về gần mức thấp nhất trong một tuần với sản lượng kỷ lục và dự báo thời tiết ôn hòa đến cuối tháng 12/2021 so với dự kiến trước đó. Thời tiết ôn hòa kể từ giữa tháng 11 khiến nhu cầu sưởi ấm giảm xuống thấp và các công ty tiện ích tồn nhiều khí đốt trong kho dự trữ.

Theo đó, hợp đồng LNG kỳ hạn giảm 10,4 cent (-2,8%) xuống 3,662 USD/ (mmBtu) trong phiên 17/12, về gần mức thấp nhất trong tháng là 3,657 USD xác lập vào ngày 612/2021. Tính cả tuần, hợp đồng này giảm khoảng 7%, là tuần giảm thứ ba liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 10/2021.

Tại châu Á, giá LNG lại tăng trong tuần qua, bất chấp nhu cầu giảm. Cụ thể, giá LNG trung bình giao tháng 2/2022 vào khu vực Đông Bắc Á tăng lên 43,35 USD/ (mmBtu), tăng 21,1% (tương đương 7,55 USD) so với tuần trước.

Tương tự, giá LNG cũng tăng mạnh ở châu Âu do thị trường khí đốt thắt chặt trước những tháng cao điểm của mùa đông trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung. Giá khí đốt châu Âu vẫn ở gần mức cao lịch sử do lo ngại nguồn cung liên tục xảy ra.

Về thị trường than, giá than nhiệt trên thị trường châu Âu tăng trên 133 USD/tấn, do các yếu tố: Sự không chắc chắn đang diễn ra với sự ra mắt của Nord Stream 2; giá điện và khí đốt tự nhiên tăng; nhiệt độ trung bình hàng ngày giảm ở một số quốc gia châu Âu; giá than 6000 kcal/kg FOB của Nga đạt 170 USD/tấn.

Các chỉ số than tại Nam Phi tăng trên 135 USD/tấn trong bối cảnh nhu cầu từ Ấn Độ tăng lên. Dự trữ than tại cảng than Richards Bay tiếp tục giảm xuống dưới mức 3 triệu tấn.

Tại Trung Quốc, giá giao ngay đối với than nhiệt lượng 5500 kcal/kg NAR FOB Qinhuangdao nằm trong khoảng 175-180 USD/tấn. Báo giá than trên thị trường nội địa Trung Quốc vẫn ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch không đáng kể do tồn kho cao.

Các chỉ số than của Úc giảm xuống 155 USD/tấn trong bối cảnh hoạt động giao dịch yếu của các thương nhân châu Á vì lo ngại tác động tiềm tàng của Omicron.

Than nhiệt lượng 5900 GAR của Indonesia giảm xuống dưới 135 USD tấn do nhu cầu giảm từ Trung Quốc, nước đang tăng sản lượng than theo các nghị quyết gần đây, trong khi các thương nhân châu Á đang kỳ vọng giá sẽ giảm hơn nữa.

Giá than luyện kim của Úc tăng lên trên 340 USD/tấn sau khi có cảnh báo bão do Cục Khí tượng Úc (BOM) đưa ra, từ đó có thể dẫn đến gián đoạn nguồn cung.

Kim loại: Vàng, bạc, sắt, thép tăng giá, đồng và nhôm ngược chiều

Ở nhóm kim loại quý, kết thúc phiên cuối tuần qua 17/12, giá vàng tăng trên mốc quan trọng 1.800 USD/ounce và có tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần gần nhất do lo lắng về số ca nhiễm Omicron tăng vọt và lạm phát cao.

Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.802,12 USD/ounce và cả tuần tăng 1,1%. Vàng kỳ hạn tháng 2/2022 tăng 0,4% lên 1.804,9 USD/ounce.

Thị trường cổ phiếu giảm trên diện rộng trước sự trở lại cứng rắn của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tìm cách kiềm chế áp lực giá cả gia tăng và nguy cơ kinh tế chậm phục hồi do các trường hợp nhiễm Covid-19 ngày càng tăng.

Kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa qua gây ra một tình trạng không chắc chắn đối với kim loại quý. Fed đã báo hiệu tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, một động thái sẽ gây sức ép cho vàng.

Về những kim loại quý khác, giá bạc đóng cửa tuần tăng 1,5% lên mức 22,5 USD/ounce, còn giá bạch kim chỉ nhích nhẹ 0,03% lên mức 934,5 USD/ounce.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, chốt phiên 17/12, giá nhôm giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch LME tăng 2,5% lên mức 2.733 USD/tấn, trong phiên có thời điểm tăng tới 3,1% lên 2.749 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 1/11/2021.

Sản lượng ôxít nhôm của Trung Quốc (được luyện thành nhôm) đã giảm 4,5% trong tháng 11 so với một năm trước xuống mức thấp nhất 18 tháng. Trung Quốc đặt mục tiêu giảm phát thải carbon bằng cách hạn chế tiêu thụ điện và sản xuất của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như tinh luyện ôxít nhôm và nhôm.

Về những kim loại cơ bản khác, giá đồng giảm 0,73% xuống 9.437,5 USD/tấn; thiếc giảm 2,51% xuống 38.410 USD/tấn; nickel giảm 0,5% về 19.648 USD/tấn; ngược lại, giá kẽm tăng 1,76% lên 3.387 USD/tấn; chì tăng 1,03% lên 2.307,5 USD/tấn.

Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 7 tuần và thiết lập tuần tăng thứ 4 liên tiếp, do hy vọng ngày càng tăng về sự phục hồi nhu cầu thép của nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, lạc quan về quặng sắt tiếp tục bị kìm hãm bởi tồn kho của quặng sắt nhập khẩu ở Trung Quốc đang tăng, đạt 156 triệu tấn trong tuần trước, cao nhất kể từ tháng 7/2018.

Theo đó, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,9% lên 676,5 CNY (106,21 USD)/tấn, sau khi chạm mức 696,5 CNY/tấn, mạnh nhất kể từ ngày 28/10/2021.

Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giao tháng 1/2022 tăng 3% lên 120,45 USD/tấn.

Quặng sắt trên thị trường giao ngay của Trung Quốc loại hàm lượng 62% Fe ở mức 117,5 USD/tấn trong ngày 16/12, cao nhất kể từ ngày 27/10/2021, theo Công ty Tư vấn SteelHome.

Đặc biệt đối với thị trường thép, hoạt động xây dựng đang ổn định ở Trung Quốc cũng giúp cải thiện tâm lý, hỗ trợ nhu cầu thép, mặc dù bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức đối với quặng sắt cho tới tháng 2/2022.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,6% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4%; thép không gỉ giảm 0,3%.

Nông sản: Giá ngô và đậu tương đi lên, lúa mì giảm

Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu mức tăng của cả nhóm khi tăng 3,5% trong tuần qua, lên mức 379,5 USD/tấn Mỹ, cao nhất kể từ đầu tháng 7/2021 tới nay.

Mức tăng mạnh của khô đậu tương, cùng với đơn hàng 132.000 tấn đậu tương Mỹ bán cho Trung Quốc hôm cuối tuần 17/12/2021 giúp cho giá đậu tương tăng 1,38% lên mức 1285,25 cents/giạ trong tuần.

Áp lực trái chiều với giá khô đậu cùng đà giảm của giá dầu thô và dầu cọ khiến dầu đậu tương chỉ tăng nhẹ 0,35% lên 53,88 cents/pound.

Trong khi đó, giá lúa mì Chicago tiếp tục giảm 1,31% về mức 775.00 cents/giạ.

Được hỗ trợ lớn nhờ số liệu bán hàng cao nhất niên vụ trong báo cáo Export Sales mới đây, cùng với thời tiết bất lợi ở miền Bắc Argentina và miền Nam Brazil, nhưng mức giảm của lúa mì Chicago cùng áp lực bán ở ngưỡng kháng cự tâm lý 600 cents/giạ nên giá ngô chỉ tăng nhẹ 0,55% lên 593,25 cents/giạ trong tuần.

Nguyên liệu công nghiệp: Giá đường và bông bật tăng, cao su và cà phê diễn biến trái chiều

Đóng cửa phiên 17/12, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa giảm 0,29 US cent (-1,5%) xuống 19,11 US cent/lb, trong phiên có thời điểm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 6/12/2021 tại 19,01 US cent/lb.

Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 giảm 6,4 USD hay 1,3% xuống 498 USD/tấn.

Các đại lý cho biết, đường dao động trong khoảng 18,5-20,5 US cent/lb với những lo ngại về thời tiết khô hạn tại nhà sản xuất hàng đầu Brazil và xuất khẩu chậm lại từ Ấn Độ củng cố giá, song lo sợ về biến thể Omicron đã hạn chế đà tăng.

Kỳ vọng về sự cải thiện trong mùa vụ tới tại khu vực Trung Nam Brazil cũng ảnh hưởng tới thị trường đường. Unica dự báo, sản lượng sản lượng mía tăng khoảng 570 triệu tấn trong niên vụ tới, gần mức cao nhất của ước tính gần đây.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 đóng cửa giảm 2,1 US cent (-0,9%) xuống 2,3475 USD/lb. Các đại lý lưu ý, Brazil đã có những trận mưa cần thiết trên khắp khu vực trồng cà phê trong tháng 12 này. Dự báo sẽ có những trận mưa nữa trong tháng.

Ngược lại, cà phê robusta cùng kỳ hạn tăng 34 USD (-1,5%) lên 2.333 USD/tấn. Thời tiết trở nên khô hơn tại Việt Nam thuận lợi cho việc thu hoạch, nhưng nếu bão Rai được dự báo đổ bộ tới khu vực trồng chính có thể làm gián đoạn việc sấy và ảnh hưởng tới chất lượng cà phê.

Giá cao su Nhật Bản tăng do nhà đầu tư hoan nghênh việc tiếp tục chính sách cực kỳ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Nhật để hỗ trợ phục hồi kinh tế, mặc dù lo lắng kéo dài về sự lây nhiễm của biến chủng Omicron ở nước ngoài đã hạn chế đà tăng. Theo đó, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,7 JPY hay 0,3% lên 233,6 JPY (2,1 USD)/kg. Tính cả tuần giá cao su tăng 2% sau hai tuần giảm liên tiếp.

Cao su tại Thượng Hải cùng kỳ hạn giảm 50 CNY xuống 14.605 CNY (2.289 USD)/tấn. Dự trữ cao su tại các kho của sàn giao dịch Thượng Hải tăng 2,5% so với một tuần trước.

Giá bông đóng cửa tuần qua tăng 1% lên 107,3 cents/pound, cũng là tuần thứ hai liên tiếp giá tăng. Các số liệu xuất khẩu được công bố của tuần qua không cải thiện nhiều, nhưng việc “đồng bạc xanh mất giá” khiến cho lực mua tăng mạnh và đã có lúc giá bông chạm tới 109 cents/pound.

Giá một số mặt hàng trên thị trường quốc tế tuần qua

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam) (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg). (USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

(Nguồn: Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam)

(1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

(USD Cent/lb | 1USD = 100cent | 1Lb ~ 0,45Kg | Đơn vị giao dịch: lot, 1 lot = 10 tấn).

Tin bài liên quan