Thị trường không còn “phép màu”, VN-Index thủng mốc 1.250 điểm

Thị trường không còn “phép màu”, VN-Index thủng mốc 1.250 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không còn mã trụ nâng đỡ chỉ số như 2 phiên trước đó, thị trường đã giảm điểm mạnh với thanh khoản tăng, báo hiệu chu kỳ tăng điểm ngắn hạn đã đã đi qua.

Trái với diễn biến thị trường quốc tế đua nhau khởi sắc, chứng khoán trong nước đã sớm chuyển đỏ trong phiên sáng cuối tuần ngày 8/3. Mặc dù dòng tiền tham gia sôi động nhưng chỉ đủ sức để ngăn chỉ số chung lao dốc và chỉ số VN-Index vẫn khá an toàn trên đường MA10 trong suốt cả phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, nhà đầu tư vẫn hy vọng có phép nhiệm màu như những phiên trước đó và lực cầu vẫn tham gia khá nhiệt tình, đã giúp VN-Index tiếp tục bật hồi nhẹ, vững vàng trên mốc 1.250 điểm, thậm chí hồi phục trên ngưỡng 1.260 điểm.

Tuy nhiên, sự mong mỏi một nhóm ngành, một vài mã lớn nào đó đột ngột bẻ lái để giúp thị trường nhào lộn thành công như một vài phiên trước đã không thành công. Sau hơn 1 giờ nỗ lực bật hồi, áp lực bán thường trực đã ồ ạt dâng cao khiến thị trường lại chìm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index cắm đầu lao dốc và bốc hơi hơn 20 điểm, chính thức xuyên thủng mốc 1.250 điểm và đóng cửa ở vùng giá thấp nhất trong ngày.

Thanh khoản tăng vọt với khối lượng đạt gần 1,35 tỷ đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 32.500 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ phiên 18/8/2023 (với giá trị đạt hơn 36.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, phiên giảm sâu của VN-Index, xuyên thủng đường MA10, khiến nhà đầu tư lo ngại nhịp điều chỉnh sẽ chưa dừng tại đây.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 408 mã giảm, gấp hơn 4 lần số mã tăng (89 mã), VN-Index giảm 21,11 điểm (-1,66%) xuống 1.247,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,35 tỷ đơn vị, giá trị 32.502,65 tỷ đồng, tăng 33,66% về lượng và tăng 29,57% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,61 triệu đơn vị, giá trị 982,23 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giảm sâu hơn khi để mất hơn 26 điểm xuống mốc 1.250 điểm, với duy nhất BCM tăng nhẹ 0,4%, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ. Đặc biệt trong top giảm sâu nhất xuất hiện nhiều mã bank, với BID, TCB, CTG, TPB, MBB đóng cửa đều giảm hơn 3-4% và rơi xuống mức giá thấp nhất trong ngày hoặc trong phiên chiều.

Chỉ tính riêng bộ 3 gồm BID, CTG và TCB đã lấy đi hơn 6 điểm của chỉ số chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm ngành giảm mạnh nhất thị trường.

Trong đó, mặc dù không mấy thuận lợi của thị trường chung và nhóm ngân hàng nói riêng, “tân binh” NAB vẫn ghi nhận phiên chào sàn HOSE tích cực khi tiếp tục nhích nhẹ sau phiên sáng tăng tốt. Đóng cửa, NAB tăng 6,3% lên mức 16.900 đồng/CP và khớp 5,6 triệu đơn vị. Tuy nhiên, giao dịch sôi động nhất ngành là MBB khớp hơn 49,38 triệu đơn vị, tiếp theo là STB khớp 34,89 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng giật lùi, ngoại trừ AGR tăng 2,94%, TCI và CTS cùng tăng nhẹ chưa tới 1%, còn lại phần lớn đều nới rộng biên độ giảm. Cổ phiếu VND đã không thể giữ được sắc xanh của phiên sáng và quay về mốc tham chiếu với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường, đạt hơn 65,5 triệu đơn vị; trong khi VIX giảm 1,8% và SSI giảm 2,4%, với khối lượng khớp lệnh đều trên 35 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng, đáng kể là HPG giảm 2,3% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 30.300 đồng/Cp, khối lượng khớp lệnh đạt 47,32 triệu đơn vị; tuy nhiên mã nhỏ SMC vẫn giữ được đà tăng tốt, đóng cửa với mức tăng 6,2% lên sát mức giá trần 12.000 đồng/CP.

Trong khi toàn thị trường đang chìm trong biển đỏ thì một số nhóm phiếu đã ngược dòng thành công. Đó là nhóm sản phẩm cao su, với sự đóng góp của DRC tăng 5,7%, CSM tăng 1,55%, SRC tăng 0,7%; nhóm bất động sản khu công nghiệp với PHR tăng 2%, ITA tăng 1%, SZC tăng 0,8%, KBC, SIP và BCM tăng nhẹ trên dưới 0,5%... Hay nhóm phân bón cũng giữ được đà tăng nhẹ với DPM tăng 0,28%, đáng kể DCM tăng 3,16%.

Trên sàn HNX, sau nhịp bật hồi vào giữa phiên, áp lực bán gia tăng với gánh nặng lớn từ nhóm HNX30, đã khiến thị trường đảo chiều giảm điểm trở lại.

Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index giảm 1,04 điểm (-0,44%) xuống 236,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 127,8 triệu đơn vị, giá trị 2.434,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,8 triệu đơn vị, giá trị 154,46 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HNX giao dịch không mấy khả quan, với SHS giảm 1,1% và khớp 39,57 triệu đơn vị; MBS giảm 2,1% và khớp 7,13 triệu đơn vị; BVS giảm 2,1%, VIG, TVC đều giảm hơn 2%... Ngoại trừ cặp đôi nhỏ APS và VFS vẫn khởi sắc, lần lượt tăng 2,9% và 4,7%, thanh khoản đều đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Nhiều mã khác trong rổ HNX30 cũng giật lùi trong phiên chiều như CEO giảm 2,7%, PVS giảm 1,8%, đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày; TNG giảm 1,3%...

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp IDC vẫn tăng nhẹ 0,7% và khớp lệnh đạt 3,26 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,41%) xuống 91,23 điểm với 152 mã tăng và 140 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,31 triệu đơn vị, giá trị 553,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,05 triệu đơn vị, giá trị 88,65 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có 3 triệu cổ phiếu SEA, trị giá 79,2 tỷ đồng.

Điểm sáng là cổ phiếu phân bón DDV tiếp tục giữ mức tăng tốt, đạt 2,4% và đóng cửa đứng tại mức giá 12.800 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 2,64 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu chứng khoán DSC sau khi nộp hồ sơ niêm yết trên sàn HOSE cũng đã liên tiếp duy trì đà khởi sắc và trong phiên hôm nay tăng 1,7% lên mức 23.900 đồng/CP.

Các cổ phiếu chứng khoán khác là SBS và AAS đóng cửa đứng giảm tham chiếu với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 4,17 triệu đơn vị và 2,64 triệu đơn vị, BMS tăng 3,5%...

Trong khi đó, BSR vẫn có thanh khoản tốt nhất, đạt 5,83 triệu đơn vị, nhưng kết phiên giảm 1% xuống mức 19.400 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm khá mạnh, với VN30F2403 giảm 19,6 điểm, tương đương -1,5% xuống 1.253,8 điểm, khớp lệnh gần 341.570 đơn vị, khối lượng mở 43.905 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ tràn ngập. Trong đó, CSTB2322 phiên này thanh khoản cao nhất với 9,37 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 14,9% xuống 630 đồng/cq, theo sau là CSTB2327 với 4,71 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 10% xuống 540 đồng/cq, còn CVPB2314 khớp 4,61 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 18,8% xuống 260 đồng/cq.

Tin bài liên quan