Thị trường lao động yếu đi thúc đẩy giới đầu tư gom mua cổ phiếu

Thị trường lao động yếu đi thúc đẩy giới đầu tư gom mua cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên ngày thứ Tư (30/8), khi dữ liệu kinh tế mới cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt, nuôi dưỡng hy vọng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 9.

Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP cho thấy khu vực tư nhân đã tạo thêm 177.000 việc làm mới trong tháng 8, thấp hơn so với ước tính là 195.000, báo hiệu thị trường lao động đang yếu đi.

Số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý II, chậm hơn so với ước tính sơ bộ là tăng trưởng 2,4%.

"Dữ liệu việc làm chậm lại đang làm giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư về các đợt tăng lãi suất của Fed trong tương lai. Triển vọng hạ cánh mềm đối với nền kinh tế Mỹ cũng hỗ trợ nhu cầu đối với cổ phiếu tăng trưởng và các tài sản rủi ro khác”, Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Wealth Management cho biết.

Các nhà giao dịch đã đặt cược vào việc Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới ở mức gần 91%, tăng từ mức 88,5% trước khi có bảng lương tư nhân và dữ liệu GDP, theo đến công cụ FedWatch của CME Group.

Hiện tại, thị trường sẽ tập trung chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo ưa thích của Fed và bảng lương phi nông nghiệp trong ngày thứ Năm và thứ Sáu, để có thêm manh mối về lãi suất.

Kết thúc phiên 30/8: Chỉ số Dow Jones tăng 37,57 điểm (+0,11%), lên 34.890,24 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,24 điểm (+0,38%), lên 4.514,87 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 75,55 điểm (+0,54%), lên 14.019,31 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng do đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất vào tháng 9, trong khi cổ phiếu tiếp xúc với Gabon trượt dốc sau một cuộc đảo chính quân sự ở nước này.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,12% xuống 459,29 điểm.

Lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng khi các nhà giao dịch nghiêng về mức tăng lãi suất thêm 0,25% của ECB vào tháng 9.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Đức tăng 6,4% hàng so với cùng kỳ năm, giảm so với mức 6,5% của tháng 7 nhưng cao hơn dự báo 6,3%.

Với lạm phát ở cả Đức và Tây Ban Nha đang ở mức cao hơn dự kiến , mọi con mắt sẽ đổ dồn vào báo cáo lạm phát của khu vực đồng euro vào thứ Năm.

Thủ tướng Olaf Scholz lưu ý chính phủ Đức phải cẩn thận để không thúc đẩy lạm phát, ngay sau khi phê duyệt cắt giảm thuế doanh nghiệp trị giá 32 tỷ euro (35 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng đang chững lại

"Lạm phát của khu vực đồng euro vẫn ở mức cao, vì vậy sẽ rất hợp lý khi ECB có thể thực hiện một đợt tăng lãi suất”, Michael Field, chiến lược gia cổ phiếu châu Âu tại Morningstar cho biết.

Đáng chú ý, phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất dầu Tullow Oil niêm yết tại London, các công ty năng lượng Pháp Total Energies Gabon và Maurel et Prom và Eramet đều giảm từ 6,6% đến 16,5% sau khi một cuộc đảo chính quân sự làm dấy lên lo ngại về các hoạt động của họ ở Gabon.

Kết thúc phiên 30/8: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 8,68 điểm (+0,12%), lên 7.473,67 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 38,95 điểm (-0,24%), xuống 15.891,93 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 9,03 điểm (-0,12%), xuống 7.364,40 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi nhà đầu tư mua bắt đáy những cổ phiếu đã giảm sâu và Phố Wall tăng tích cực đêm qua cũng đã nâng đỡ tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,33% lên 32.333,46 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,43% lên 2.313,38 điểm.

"Thị trường Nhật Bản tăng một phần theo Phố Wall. Nó mạnh vì không chỉ các cổ phiếu lớn liên quan đến chip mà cả các cổ phiếu nhỏ hơn khác cũng tăng. Các nhà đầu tư cũng đã mua trở lại những cổ phiếu đã bị bán mạnh vào đầu tháng này”, Seiichi Suzuki, nhà phân tích thị trường chứng khoán trưởng tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, cho biết.

Cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 0,97% để tạo ra cú hích lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là Nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chip Advantest tăng 0,7% và Nhà sản xuất linh kiện điện tử Kyocera tiến 2,33%.

Ngành ngân hàng tăng 1,41% để trở thành ngành hoạt động hàng đầu trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc đi ngang, khi thị trường đang cân nhắc rủi ro địa chính trị và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,04% lên 3.137,14 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,04% xuống 3.788,51 điểm.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington hôm thứ Ba đã lên bảo vệ các điều kiện hoạt động kinh doanh của đất nước tỷ dân, sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết các công ty Mỹ nói với bà rằng Trung Quốc đã trở nên "không thể đầu tư nổi".

Bất kỳ diễn biến mới nào giữa Trung Quốc và Mỹ đều được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ. Tháng 8 đã chứng kiến dòng vốn nước ngoài chảy mạnh khỏi Trung Quốc với giá trị hơn 85 tỷ nhân dân tệ (11,66 tỷ USD) cho đến nay, ghi nhận dòng vốn chảy ra một tháng lớn nhất được ghi nhận.

Cổ phiếu trong lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc giảm, do lo ngại rằng việc giảm lãi suất thế chấp hiện tại sẽ làm suy yếu lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, vốn đã quay cuồng với cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ngày càng tồi tệ và nền kinh tế chậm lại.

Trong một động thái mới hỗ trợ ngành bất động sản, Thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc đã ban hành một thông báo rằng họ sẽ nới lỏng các hạn chế thế chấp, cho phép người mua nhà được hưởng các khoản vay ưu đãi khi mua căn nhà đầu tiên, bất kể hồ sơ tín dụng trước đó của họ.

Thị trường cũng đang theo dõi chặt chẽ những thông tin mới từ Country Garden, bao gồm cả kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm sẽ công bố vào cuối ngày.

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ khi nhóm cổ phiếu công nghệ hạ nhiệt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,006% xuống 18.482,86 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,47% xuống 6.356,50 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn có trọng số lớn trên thị trường đã có lúc tăng gần 2%, nhưng đã thu hẹp đáng kể đà đi lên.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhờ kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ sắp kết thúc, nhưng mức tăng đã bị chặn lại trước các dữ liệu kinh tế chính sắp được công bố.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI tăng 9,06 điểm, tương đương 0,35% lên 2.561,22 điểm, sau khi tăng tới 1,04% trong phiên.

"Thị trường đã hạ nhiệt do thận trọng trước sự không chắc chắn trước GDP và dữ liệu lạm phát của Mỹ sắp được công bố", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Hàn Quốc cũng sẽ báo cáo số liệu thương mại cho tháng 8 vào thứ Sáu, với xuất khẩu khả năng kéo dài suy thoái lên tháng thứ 11 liên tiếp.

Kết thúc phiên 30/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 106,49 điểm (+0,33%), lên 32.333,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,25 điểm (+0,00%), lên 3.137,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1,17 điểm (-0,00%), xuống 18.482,86 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 9,06 điểm (+0,35%), lên 2.561,22 điểm.

Giá dầu thô tiếp tục nhích lên khi dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy nguồn cung dầu thô thắt chặt hơn dự kiến, trong khi lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc hạn chế mức tăng.

Kết thúc phiên 30/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,47 USD/thùng (+0,40%), lên 81,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,37 USD/thùng (+0,43%), lên 85,86 USD/thùng.

Tin bài liên quan