Toyota Vietnam hàng năm đều tiến hành chiến dịch chống hàng giả trên quy mô toàn quốc

Toyota Vietnam hàng năm đều tiến hành chiến dịch chống hàng giả trên quy mô toàn quốc

Thị trường ô tô Việt Nam: Đau đầu vì nạn phụ tùng giả

Nạn hàng giả khiến không chỉ các khách hàng “méo mặt” mà ngay các hãng sản xuất tên tuổi bị làm giả phụ tùng cũng đau đầu.

Đang vi vu trên đường Huyền Trân Công Chúa (TP. HCM), chiếc Toyota Altis của anh S. chợt giở quẻ. Dừng xe lại thì thấy dầu máy chảy ra từ khoang động cơ và lốc máy đã bị vỡ.

 

Anh lập tức mang xe đến trạm dịch vụ kiểm tra, tại đây các chuyên gia của Toyota Vietnam (TMV) đã phát hiện ra nguyên nhân của sự cố trên là do chiếc xe sử dụng lọc dầu giả.

 

Anh S. chỉ là một trong nhiều nạn nhân của tình trạng phụ tùng ô tô bị làm giả lưu thông trên thị trường.

 

Mua đồ giả dễ như mua rau

 

Theo Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), nhiều doanh nghiệp hội viên VATAP sở hữu những thương hiệu có tiếng đang khốn khổ và bị thiệt hại nặng nề do sản phẩm của họ bị giả, làm nhái với trình độ ngày càng tinh vi.

 

Việt Nam cũng được coi là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á có hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ tùng ô tô giả khá phức tạp. Toyota là một thương hiệu lớn trên thế giới và lẽ đương nhiên các loại phụ tùng xe hơi của hãng cũng trở thành “nạn nhân” hàng đầu của những kẻ làm hàng giả.

 

Trên thị trường, những loại phụ tùng bị làm giả thường là các loại phụ tùng có tần suất sử dụng cao, thường dùng cho bảo dưỡng định kỳ như lọc dầu, lọc gió, lọc nhiên liệu, má phanh, guốc phanh, bugi, đĩa côn…

 

TMV đã phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam tổ chức điều tra, bắt giữ nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ phụ tùng giả. Năm 2006, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt tiến hành kiểm tra tại một số cửa hàng chuyên kinh doanh phụ tùng xe hơi ở TP. HCM.

 

Tại phố Nguyễn Công Trứ, họ đã thu giữ 819 chiếc lọc dầu giả; tại một điểm trên phố Ký Con, thu 73 lọc dầu giả. Người bán ở hai cửa hàng này đều thừa nhận việc kinh doanh hàng giả.

 

Tại đường Điện Biên Phủ, lực lượng chức năng phát hiện 9 thùng các tông với 719 chiếc lọc dầu, tuy nhiên người bán hàng không thừa nhận vi phạm với lý do hình thức bao bì khác với mẫu chính hiệu.

 

Hiện nay, hàng giả được bày bán khắp nơi và rất khó phát hiện. Ông Nguyễn Đình Trọng - Đội trưởng Đoàn xe Bộ Tài chính cho biết: “Tôi đã 2 lần mua phải lọc dầu rởm, khi hỏng xe mang đi bảo hành mới biết mình đã mua phải hàng giả được làm nhái hết sức tinh vi.

 

Dù xe của tôi lúc đó vẫn đang trong giai đoạn bảo hành nhưng theo chế độ của hãng thì tôi không được hưởng vì phụ tùng gây hỏng xe là hàng giả. Đúng là vừa mất tiền, vừa hỏng xe lại không được bảo hành, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng”, ông Trọng nói.

 

Thật, giả: Phân biệt thế nào?

 

Một số nạn nhân thoạt đầu không biết mình đã mua phải đồ rởm đã rất tức giận và đổ lỗi cho nhà sản xuất. Nhưng sau khi hãng sản xuất tiến hành điều tra cặn kẽ, giải thích tường tận, họ hiểu ra vấn đề và chỉ mua và sử dụng phụ tùng chính hãng.

 

TMV là nhà sản xuất ô tô duy nhất tại Việt Nam giúp người tiêu dùng nhận biết được các nguy hiểm của việc sử dụng phụ tùng giả. Từ đầu Hè năm 2006, hãng đã tiến hành chiến dịch chống hàng giả với các hoạt động nâng cao nhận thức của khách hàng và phòng tránh hàng giả tại 16 đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền trên toàn quốc.

 

Theo ông Toru Wakita, Phó giám đốc marketing, phụ trách dịch vụ sau bán hàng của Toyota việc sử dụng phụ tùng giả cực kỳ nguy hiểm và tai hại. Các loại phụ tùng giả thường có độ bền kém, phải thay thế thường xuyên nên không kinh tế.

 

“Trong một số trường hợp, có thể dẫn đến việc hư hại nặng nề các bộ phận liên quan và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của người lái. Chúng tôi sẽ không bảo hành cho bất kỳ hỏng hóc máy móc nào nếu nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng phụ tùng giả của khách hàng”, ông Wakita nêu rõ.

 

Các loại phụ tùng giả được chế tạo khá tinh vi, người bình thường thật khó mà phân biệt nổi hai chiếc bugi chính hãng và bugi giả bởi lẽ nhìn bề ngoài chúng giống hệt nhau nhưng bên trong lại là sự khác biệt hoàn toàn. Bugi giả có khoảng tản nhiệt nhỏ do đó khi xe hoạt động ở tốc độ cao và tải trọng lớn, điện cực có thể dễ dàng quá nhiệt và chảy ra.

 

Trong trường hợp xấu nhất, piston cũng có thể bị cháy và dẫn đến chi phí sửa chữa rất lớn. Việc sử dụng lọc dầu giả cũng nguy hại không kém. Lọc dầu chính hiệu Toyota sử dụng các loại vật liệu tiên tiến nhất để lọc, trong khi lọc dầu giả sử dụng các vật liệu kém phẩm chất nên chất lượng không đảm bảo...

 

Ông Wakita cảnh báo, lọc dầu kém khiến dầu bị rò rỉ, nếu mức dầu xuống quá thấp, động cơ có thể bị cháy. Dầu rỉ ra nếu gặp nhiệt độ cao cũng có thể phát cháy…

 

Làm sao để phân biệt được các loại phụ tùng giả và thật như lọc dầu, bugi, má phanh, lọc gió, lọc xăng, đĩa côn? Ông Trần Vũ Sơn, Phó phòng Kỹ thuật - Dịch vụ sau bán hàng của TMV phổ biến một số kinh nghiệm như:

 

Chữ in hoặc lô gô trên bao gói phụ tùng giả không sắc nét hay nội dung chỉ tương tự như trên bao gói phụ tùng chính hiệu (VD: chữ “Genuine Parts” thì trên phụ tùng giả in là “General Parts”).

 

Về hình dáng bên ngoài, phụ tùng giả thường được làm từ các vật liệu rẻ tiền và thủ công nên các đường nét không sắc sảo, hình dạng kích thước không đều, vị trí hay tên phụ tùng in không chính xác (VD: lọc dầu giả thường không sơn phủ phần đế).

 

Giá phụ tùng giả thường rẻ hơn phụ tùng chính hiệu rất nhiều do được làm từ các vật liệu rẻ tiền, không được kiểm nghiệm chất lượng…

 

Chớ thấy rẻ mà ham

 

Ông Wakita cho biết, quy trình sản xuất phụ tùng của Toyota là một quy trình khép kín. Nó được xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Đặc điểm của quy trình này là “Sell one - Buy one”.

 

Nghĩa là khi khách hàng mua một sản phẩm tại các đại lý của Toyota , các đại lý sẽ đặt hàng một, nhà sản xuất phụ tùng của hãng sẽ nhận được đơn đặt hàng một sản phẩm và sản xuất ra một sản phẩm.

 

Sau khi được kiểm tra chất lượng tại trung tâm kiểm soát chất lượng, sản phẩm này sẽ được lưu thông trong hệ thống phân phối của hãng. Vì thế, phụ tùng chính hiệu chỉ được lưu thông trong hệ thống phân phối của Toyota , mà không hề bị rò rỉ ra bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.

 

Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như chính uy tín thương hiệu, từ năm 2005, hàng năm TMV đều tiến hành chiến dịch phân biệt hàng thật, hàng giả trên phạm vi toàn quốc.

 

Hãng phân phát các tư liệu sách hướng dẫn về phụ tùng chính hãng nhằm cung cấp cho khách hàng thông tin về chất lượng, chức năng sử dụng của phụ tùng chính hãng cũng như so sánh để phân biệt hàng chính hãng và hàng nhái.

 

Hãng cũng thông báo rộng rãi những hư tổn máy móc nặng nề do sử dụng hàng giả, hàng nhái như một lời cảnh báo về tác hại nguy hiểm của hàng giả gây ra đối với khách hàng và chính sự an toàn của họ.

 

Theo ông Wakita, điều đáng lo ngại là phụ tùng giả đang được bán tràn lan một cách công khai và rất dễ dụ khách hàng. Lý do để phụ tùng giả có đất sống rất đơn giản, có thể là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết nhưng cũng có thể là do tâm lý ham của rẻ.

 

Ai cũng biết những rủi ro khi dùng đồ giả được sản xuất từ vật liệu phẩm cấp thấp, độ bền kém hơn nhiều so với phụ tùng chính hiệu. Tuy nhiên, sự hấp dẫn chính là ở chỗ giá thành của chúng thấp hơn, lại rất dễ tìm tại các cửa hàng phụ tùng và đồ chơi ô tô trên thị trường.

 

Nhưng rõ ràng qua hàng loạt “trái đắng” mà những người chơi xe sử dụng đồ giả đã nếm trải thì rõ ràng câu châm ngôn “Của rẻ là của ôi” vẫn còn nguyên giá trị.

 

Ông Wakita nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ cung cấp phụ tùng chính hãng thông qua các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Toyota . Chúng tôi khuyên khách hàng hãy đến đó để đảm bảo độ an toàn và chất lượng phụ tùng”.