Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bốc đầu tăng vọt trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bốc đầu tăng vọt trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt hơn 30 điểm; MSVN: Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của NHNN; Nhiều "con đường" về đích lợi nhuận; Khó đòi bồi thường trong vụ án thao túng chứng khoán; OPEC+ kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt qua thách thức…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/11 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 69,30 – 70,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 8,8 USD xuống 1.968,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm và về dưới 1.965 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,82 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.985 đồng/USD, giảm 29 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.190 – 24.530 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ về 34.600 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng mạnh lên gần 35.700 USD, trước khi hạ nhiệt về gần 35.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,43 USD (-0,56%), xuống 76,94 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,34 USD (-0,48%), xuống 81,22 USD/thùng.

VN-Index nhảy vọt

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư diễn ra ngay khi mở cửa khiến VN-Index gần như ít thay đổi cho đến đầu phiên chiều.

Tại đây, lực cầu bất ngờ gia tăng mạnh đã kéo thị trường tăng thẳng đứng với sắc tím đua nở trên bảng điện tử và khép lại phiên tăng vọt hơn 33 điểm, tương ứng tăng hơn 3%, thanh khoản thị trường cũng đầy ấn tượng, vượt xa so với những phiên giao dịch gần đây. Đây là những tín hiệu cho thấy ngày bùng nổ theo đà (FTD) có thể đã xuất hiện.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 4,61 triệu đơn vị. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là bán ròng 221,19 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/11: VN-Index tăng 33,14 điểm (+3,07%), lên 1.113,43 điểm; HNX-Index tăng 8,74 điểm (+4%), lên 227,03 điểm; UPCoM-Index tăng 1,56 điểm (+1,84%), lên 86,17 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng vào thứ Ba (7/11), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm đã hỗ trợ các cổ phiếu megacap.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm trước các cuộc đấu giá trái phiếu lớn của Bộ tài chính Mỹ trị giá 112 tỷ USD trong tuần này, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm hôm nay đã xuống mức 4,57%.

Kết thúc phiên 7/11: Chỉ số Dow Jones tăng 56,74 điểm (+0,17%), lên 34.152,60 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,40 điểm (+0,28%), lên 4.378,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 121,08 điểm (+0,90%), lên 13.639,86 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm, khi các nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu giá trị, mặc dù mức tăng của cổ phiếu tăng trưởng đã hạn chế đà giảm của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,33% xuống 32.166,48 điểm, sau khi mở cửa tăng 0,75%. Chỉ số Topix mất 1,16% xuống 2.305,95 điểm.

"Các nhà đầu tư đã bán chốt lời cổ phiếu chu kỳ hoặc cổ phiếu giá trị khi họ chuẩn bị cho sự suy thoái kinh tế ở nhiều nơi trên toàn cầu", Ikuo Mitsui, nhà quản lý quỹ tại Aizawa Securities, cho biết.

"Có một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu chuyển mục tiêu sang các cổ phiếu tăng trưởng như cổ phiếu liên quan đến chip, do lo ngại việc thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể gây tổn hại cho nền kinh tế. Thị trường hôm nay phản ánh động thái đó", Mitsui nói thêm.

Phiên này, cổ phiếu các nhà máy lọc dầu mất 6,11% và là nhóm hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành. Chỉ số ngân hàng, một thước đo khác cho hiệu suất của các cổ phiếu giá trị, mất 4,75%.

Cổ phiếu Fast Retailing, một trong những cổ phiếu tăng trưởng đã nhích 1,22% và là cổ phiếu hỗ trợ lớn nhất cho Nikkei 225, theo sau là nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest tăng 1,93%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu Mazda Motor tăng 10,39% sau khi nhà sản xuất ô tô này nâng dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm nhờ đồng yên suy yếu.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại về việc thắt chặt lãi suất toàn cầu, trong khi các công ty bất động sản tăng vọt sau báo cáo của Reuters về các biện pháp mới nhất của Trung Quốc để hỗ trợ lĩnh vực này.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,16% xuống 3.052,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,24% xuống 3.611,07 điểm.

Chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Tập đoàn Bảo hiểm Ping An nắm cổ phần kiểm soát tại Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất quốc gia, bốn người quen thuộc với kế hoạch nói với Reuters. Tuy nhiên, Ping An đã phủ nhận thông tin.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, một ngày trước khi có báo cáo của chính phủ có thể cho thấy giá tiêu dùng và sản xuất ở Trung Quốc đã giảm vào tháng 10.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,58% xuống 17.568,46 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,78% xuống 6.039,91 điểm.

Đáng chú ý là cổ phiếu bất động sản Đại lục tăng 2,7%, với Cổ phiếu của Country Garden đóng cửa tăng 12%, trong khi Evergrande và Sunac tăng khoảng 30% mỗi cổ phiếu.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ hai liên, bị kéo lùi bởi các nhà sản xuất pin, trong bối cảnh thị trường biến động mạnh hơn do lệnh cấm bán khống mới được ban hành gần đây.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 22,34 điểm, tương đương 0,91% xuống 2.421,62 điểm.

Đã có sự biến động gia tăng trên thị trường kể từ khi chính phủ tái áp đặt lệnh cấm bán khống từ thứ Hai.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc hôm thứ Ba đã bảo vệ lệnh cấm bán khống, nhưng đã bị các nhà phân tích chỉ trích, những người nói rằng động thái này có thể làm tổn hại đến sức hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư toàn cầu.

Các cổ phiếu pin tiếp tục giảm, với LG Energy Solution giảm 1,24%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation giảm lần lượt 3,43% và 3,81%.

Kết thúc phiên 8/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 105,34 điểm (-0,33%), xuống 32.166,48 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,90 điểm (-0,16%), xuống 3.052,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 101,70 điểm (-0,58%), xuống 17.568,46 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 22,34 điểm (-0,91%), xuống 2.421,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- MSVN: Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của NHNN, dự báo GDP tăng trưởng 4,8%

Theo đánh giá của CTCK Maybank Investment bank (MSVN), xuất khẩu tăng tháng thứ 2 nhưng tăng trưởng vẫn không đồng đều..>> Chi tiết

- Nhiều "con đường" về đích lợi nhuận

Một số doanh nghiệp ở không ít ngành nghề đã về đích kế hoạch lợi nhuận năm 2023 trước 1 quý, do hoạt động kinh doanh khởi sắc, nhưng cũng có những trường hợp nhờ đề ra mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp..>> Chi tiết

- Khó đòi bồi thường trong vụ án thao túng chứng khoán

Trong các vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Louis Holdings, Công ty FLC…, điều dễ nhận thấy là rất nhiều nhà đầu tư đã bị những bị can/bị cáo này làm cho thiệt hại nặng nề, nhưng họ lại không thể chứng minh thiệt hại của bản thân để có cơ sở yêu cầu bồi thường dân sự..>> Chi tiết

- OPEC+ kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt qua thách thức

Hôm thứ Ba (7/11), Tổng thư ký OPEC cho biết, cơ quan này kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, bất chấp những thách thức vĩ mô, bao gồm lạm phát và lãi suất cao..>> Chi tiết

Tin bài liên quan