Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đang đồng pha với thế giới và trên đà hồi phục

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đang đồng pha với thế giới và trên đà hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Tỷ giá không còn “nguy hiểm”; Doanh nghiệp cần sòng phẳng với trái chủ; Sức ép tìm kiếm cơ hội; Thách thức và cơ hội đan xen, chứng khoán Việt Nam tiếp đà hồi phục; Những quốc gia chiến thắng và thua cuộc trong trật tự thế giới mới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 15/8 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 67,00 – 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 6,3 xuống 1.906,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm và về gần 1.900 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,94 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 15/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.881 đồng/USD, tăng 33 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.800 – 24.140 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 29.600 USD/BTC, thì sang phiên hôm nay đã hạ nhiệt và về dưới 29.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,63 USD (-0,76%), xuống 81,88 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,51 USD (-0,59%), xuống 85,70 USD/thùng.

VN-Index điều chỉnh nhẹ

Áp lực phân hóa cao chi phối thị trường trong suốt cả phiên hôm nay khiến chỉ số VN-Index gần như chỉ biến động nhẹ và kết thúc phiên hôm nay điều chỉnh nhẹ. Dòng tiền suy giảm và phân tán, không hướng đến nhóm ngành nào cụ thể.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 12,33 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 557,1 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 15/8: VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,23%), xuống 1.234,05 điểm; HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,40%), lên 251,45 điểm; UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 93,49 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Hai (14/8), khi cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia tăng mạnh và dẫn theo nhóm cổ phiếu megacap khác.

Cổ phiếu Nvidia tăng 7,1%, mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 24/5, sau khi Morgan Stanley nhắc lại Nvidia là lựa chọn hàng đầu trước khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh trong những ngày tới đây.

Sự phục hồi của cổ phiếu nhà sản xuất chip đã thúc đẩy chỉ số công nghệ thông tin tăng 1,85%, trở thành chỉ số mạnh nhất trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500.

Kết thúc phiên 14/8: Chỉ số Dow Jones tăng 26,23 điểm (+0,07%), lên 35.307,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,67 điểm (+0,58%), lên 4.489,72 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 143,48 điểm (+1,05%), lên 13.788,33 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy cổ phiếu giảm mạnh trong phiên trước đó, với các cổ phiếu liên quan đến chip dẫn đầu mức tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,56% lên 32.238,89 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,41% lên 2.290,31 điểm.

Thị trường đón nhận thông tin GDP Nhật Bản đã tiếp tục tăng 6% trong quý vừa qua, khi xuất khẩu ô tô và lượng khách du lịch tăng nhanh đã giúp bù đắp lực cản từ sự phục hồi tiêu dùng chậm lại sau COVID.

Các cổ phiếu chip là động lực chính, với Tokyo Electron tăng 1,68%, tạo ra sự thúc đẩy lớn nhất cho Nikkei 225. Theo sau là Advantest tăng 1,91% và nhà sản xuất cảm biến TDK tăng 2,47%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu Japan Post Holdings tăng 4,89% sau khi thông báo mua lại 8,4% số cổ phần, trị giá 300 tỷ yên.

Cổ phiếu Dentsu Group giảm 7,65% để trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225, sau khi công ty quảng cáo này cắt giảm dự báo lợi nhuận ròng trong năm nay.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, ngay cả sau khi ngân hàng trung ương bất ngờ cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng, sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế của nước này tiếp tục chậm lại trong tháng 7.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,07% xuống 3.176,18 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,24% xuống 3.846,54 điểm.

Dữ liệu hôm thứ Ba cho thấy tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 7 của Trung Quốc chậm lại và thấp hơn dự báo. Để củng cố niềm tin, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm thêm 15 điểm cơ bản xuống còn 2,5% với một số tổ chức tài chính.

Thị trường suy yếu cũng xảy ra khi các nhà đầu tư lo lắng về rủi ro lây lan trong hệ thống tài chính, với rủi ro vỡ nợ tại một số nhà phát triển nhà ở và các khoản thanh toán trái phiếu đến hạn không thể trả.

"Việc cắt giảm lãi suất không đặc biệt có ý nghĩa và nó chỉ có tác dụng ngắn hạn trong việc kích thích nền kinh tế. Trung Quốc cần một gói biện pháp, và cốt lõi là giải quyết vấn đề nhu cầu”, Huang Yan, tổng giám đốc của công ty quản lý quỹ tư nhân Shanghai QiuYang Capital cho biết.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán chứng khoán Trung Quốc phiên thứ bảy liên tiếp, với giá trị bán ròng 9,7 tỷ nhân dân tệ (1,33 tỷ USD).

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi lo ngại gia tăng trong bối cảnh dữ liệu mới chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc yếu kém và những tiềm ẩn bất ổn lớn trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,03% xuống 18.581,11 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,89% xuống 6.366,48 điểm.

Cổ phiếu của nhà phát triển Country Garden đã tăng 1,3% sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục do lo ngại vỡ nợ.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày Quốc khánh.

Kết thúc phiên 15/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 178,98 điểm (+0,56%), lên 32.238,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,25 điểm (-0,07%), xuống 3.176,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 192,44 điểm (-1,03%), xuống 18.581,11 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá không còn “nguy hiểm”

Cùng những dự đoán về hạ lãi suất chính sách, tuần qua xuất hiện tin đồn sẽ hạ dự trữ bắt buộc. Không phải bỗng dưng có tin đồn, nhưng tin đồn chỉ là tin đồn..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp cần sòng phẳng với trái chủ

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm nay giảm hơn 60,5%. Trong khi đó, có hiện tượng một số doanh nghiệp chây ỳ trả nợ trái phiếu càng khiến niềm tin của trái chủ đi xuống..>> Chi tiết

- Sức ép tìm kiếm cơ hội

Thị trường chứng khoán tuần qua có sự rung lắc và mức độ phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu mạnh hơn, nhưng dòng tiền vẫn có xu hướng đổ vào kênh đầu tư này nhằm tìm kiếm lợi nhuận..>> Chi tiết

- Mirae Asset: Thách thức và cơ hội đan xen, chứng khoán Việt Nam tiếp đà hồi phục

Nhận định bối cảnh quốc tế và trong nước đang có những rủi ro đan xen với cơ hội, nhưng theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đồng pha với thế giới và trên đà hồi phục..>> Chi tiết

- Những quốc gia chiến thắng và thua cuộc trong trật tự thế giới mới

Các khoản trợ cấp khổng lồ và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang làm đảo lộn hàng thập kỷ thương mại tự do. Và nhiều quốc gia nhỏ hơn cũng đang bị bỏ lại phía sau..>> Chi tiết

Tin bài liên quan