Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tiếp tục bay cao

Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán tiếp tục bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng vọt lên gần 1.255 điểm; Thêm biện pháp hạn chế mối liên kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp lớn; Cổ phiếu vận tải biển "thơm lây"; Khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và IPO gắn với niêm yết; Lạm phát của Nhật Bản cao hơn dự báo, hỗ trợ kỳ vọng tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 28/2 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 300.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 77,30 – 79,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 0,8 USD xuống 2.030,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm và lùi về gần 2.025 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,23 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.003 đồng/USD, giảm 11 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.420 – 24.790 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 57.100 USD thì sang phiên hôm nay đã nới đà tăng và lên trên 59.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,94 USD (-1,19%), xuống 77,93 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,93 USD (-1,11%), xuống 82,72 USD/thùng.

VN-Index tăng lên gân 1.255 điểm

Áp lực chốt lời có chút gia tăng khiến VN-Index rung lắc nhẹ ở ngay sát tham chiếu trong suốt cả phiên sáng. Tuy vậy, dòng tiền hoạt động tích cực và luân chuyển qua các nhóm ngành.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu đã dần sôi động hơn, đặc biệt là ảnh hưởng của cổ phiếu lớn nhất thị trường là VCB khi tăng kịch trần, sau thông tin chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 40%, đã nhanh chóng đảo chiều khởi sắc và vượt 1.250 điểm dù có rung lắc trong quá trình đi lên.

Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất trong khoảng 17 tháng qua, từ đầu tháng 9/2022 đến nay của thị trường.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 11,9 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng đạt 202,52 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 28/2: VN-Index tăng 17,09 điểm (+1,38%), lên 1.254,55 điểm; HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,09%), xuống 235,16 điểm; UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,16%) lên 90,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ phân hóa và biến động nhẹ trong phiên thứ thứ Ba (27/2) với mức tăng nhẹ, khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE, cũng như dữ liệu về thu nhập cá nhân tháng 1, dự kiến được công bố vào ngày 29/2 sẽ là trọng tâm theo dõi để đánh giá về sức khoẻ nền kinh tế Mỹ trong tương lai và manh mối về chính sách lãi suất của Fed.

Kết thúc phiên 27/2: Chỉ số Dow Jones giảm 96,82 điểm (-0,25%), xuống 38.972,41 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,65 điểm (+0,17%), lên 5.078,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 59,05 điểm (+0,37%), lên 16.035,30 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các tín hiệu kỹ thuật cho thấy mức tăng hơn 9% trong ba tuần qua là quá nhanh.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,08% xuống 39.208,03 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,13% xuống 2.674,95 điểm.

Hai cổ phiếu lớn là Fast Retailing và SoftBank Group gây tổn thất 45 điểm đến chỉ số Nikkei 225.

Trong khi đó, công ty thương mại điện tử và trò chơi DeNA nổi bật với mức tăng hơn 24% nhờ tin tức họ sẽ cung cấp một trò chơi di động mới dựa trên thẻ bài Pokemon.

Chỉ báo RSI hiện nằm quanh mức 78 điểm đối với Nikkei 225 vào thứ Tư, vượt qua mức quá nóng, rơi vào vùng quá mua kể 70 điểm kể từ ngày 13/2.

"Xem xét tốc độ của đà tăng, thị trường đang có dấu hiệu quá nóng, vì vậy một số đợt điều chỉnh là điều có thể hiểu được. Mặc dù vậy, đà sụt giảm ngày hôm nay không do bất kỳ tin xấu cụ thể nào, vì vậy, biên độ giảm của thị trường ở mức thấp cũng là sự hợp lý”, Maki Sawada, chiến lược gia cổ phiếu tại Nomura Securities, cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, với một số nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây, trong khi khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã trỗi dậy, sau khi có thêm một đơn yêu cầu thanh lý Country Garden.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,91% xuống 2.957,85 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,27% xuống 3.450,26 điểm.

Nhà phát triển bất động sản Country Garden cho biết, họ đang phải đối mặt với đơn kiến nghị phá sản từ chủ nợ Ever Credit Limited, vì đã không trả được khoản nợ trị giá 1,6 tỷ đô la Hồng Kông (204,5 triệu USD).

Cổ phiếu của nhà phát triển này giảm tới 12,5% tại Hồng Kông.

Chỉ số CSI 300 đã tăng 8,4% từ đầu tháng này đến nay nhờ các biện pháp của chính quyền để thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy kinh tế niềm tin thị trường.

Những người tham gia thị trường hiện đang chờ đợi chính sách tiếp theo của Quốc hội Trung Quốc - Nhân dân Quốc gia Quốc hội, khi bắt đầu cuộc họp thường niên từ ngày 5/3.

Chứng khoán Hồng Kông giảm mạnh nhất trong 4 tuần, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,51% xuống 16.536,85 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,04% xuống 5.688,46 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục sau khi trượt dốc hai phiên trước đó, sau những cam kết của các cơ quan chức năng nhằm đưa ra các biện pháp cải cách doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 27,24 điểm, tương đương1,04% lên 2.652,29 điểm.

Người đứng đầu cơ quan giám sát thị trường Hàn Quốc cho biết đang thảo luận về các chế tài có thể có đối với các công ty không thúc đẩy lợi nhuận của cổ đông trong dài hạn.

Trước đó, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) đã yêu cầu các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc “tự nguyện thiết lập và công bố các kế hoạch nâng cao định giá” như một phần trong nỗ lực nhằm mang lại sự minh bạch hơn và thúc đẩy lợi nhuận thị trường.

Kết thúc phiên 28/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 31,49 điểm (-0,08%), xuống 39.208,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 57,63 điểm (-1,91%), xuống 2.957,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 253,95 điểm (-1,51%), xuống 16.536,85 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 27,24 điểm (+1,04%), lên 2.652,29 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Thêm biện pháp hạn chế mối liên kết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp lớn

Theo VIS Rating, yêu cầu giảm tập trung tín dụng, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông và yêu cầu công bố thông tin chặt chẽ hơn thể hiện mục tiêu của cơ quan quản lý nhằm cải thiện quản trị rủi ro và tập quán kinh doanh ngân hàng..>> Chi tiết

- Cổ phiếu vận tải biển "thơm lây"

Các hãng tàu Việt Nam chủ yếu chạy tuyến nội địa, nội Á, nhưng cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng tích cực của ngành vận tải biển thế giới..>> Chi tiết

- Khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và IPO gắn với niêm yết

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng 28/2, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, năm 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn..>> Chi tiết

- Lạm phát của Nhật Bản cao hơn dự báo, hỗ trợ kỳ vọng tăng lãi suất

Lạm phát của Nhật Bản đã tăng cao hơn ước tính trong tháng 1, hỗ trợ cho khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) loại bỏ chính sách lãi suất âm trong những tháng tới..>> Chi tiết

Tin bài liên quan