Ngành dệt may đang đón tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu

Ngành dệt may đang đón tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu

Doanh nghiệp niêm yết hứng khởi những ngày đầu năm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết sôi động ngay từ đầu năm mới Giáp Thìn 2024. Đây là nền tảng để thị trường chứng khoán sôi động hơn, khi doanh nghiệp có sức bật từ nội lực.

Đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh

Đơn hàng khởi sắc hơn là câu chuyện đang diễn ra ở khối doanh nghiệp xuất khẩu dệt may. Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM), thị trường đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan hơn, đơn hàng nhiều hơn, mở ra kỳ vọng tích cực cho doanh nghiệp. Hiện Công ty đang nhận đơn hàng cho hết quý II và một số đơn hàng của quý III.

Ông Tùng cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động tại TCM đã trở lại làm việc, góp phần đảm bảo năng suất hoạt động của Công ty. Năm nay, TCM dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch tăng trưởng 15% với cả doanh thu và lợi nhuận. Các doanh nghiệp đã nhìn thấy những yếu tố dần khởi sắc để mạnh dạn đề ra mục tiêu cao.

Thông tin được Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) tiết lộ, TNG đã nhận được đơn hàng đến hết tháng 9/2024. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Công ty là Mỹ, châu Âu. Năm nay, TNG dự kiến doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng hơn 10%. Riêng chỉ tiêu doanh thu, kế hoạch của Công ty là đạt khoảng 7.900 tỷ đồng trong năm nay. Trong tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 523 tỷ đồng doanh thu, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May 10 (mã chứng khoán M10) cũng chia sẻ, hiện May 10 đã nhận đủ đơn hàng cho tháng 4 và đang nhận đơn hàng cho quý II. Công ty tập trung khai thác cả thị trường trong nước và quốc tế, chủ động nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu và thời gian giao hàng nhanh.

Theo ông Việt, thị trường xuất khẩu dệt may đã có những tín hiệu tốt hơn năm trước: kinh tế thế giới có sự phục hồi nhất định, đặc biệt là sự phục hồi của kinh tế châu Âu, lạm phát giảm nhanh. Năm nay, May 10 đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,6% và tăng 5,7% so với năm 2023.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp thủy sản đều xuất khẩu tăng mạnh trong tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất đi trong dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, căng thẳng ở Biển Đỏ đã đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp tăng mạnh (cước vận tải biển 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây (Mỹ) đã tăng 70%). Hàng đông lạnh xuất đi châu Âu tăng gấp 4 lần, thời gian di chuyển kéo dài hơn.

Bộ Công Thương thông tin, xuất khẩu tháng đầu năm 2024 tăng mạnh nhờ động lực từ hai nhóm ngành chính là nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao như hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%...

Năm 2024, xuất khẩu được kỳ vọng mang về 15 tỷ USD, tăng trưởng 6,6% so với năm 2023. Các doanh nghiệp xuất khẩu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán hứa hẹn một năm nhiều hứng khởi.

Bất động sản, vật liệu xây dựng kỳ vọng “ấm lên”

Thị trường bất động sản có tín hiệu ấm hơn nhờ mặt bằng lãi suất về mức thấp kỷ lục trong hàng thập kỷ qua và nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp địa ốc dần thẩm thấu vào thực tiễn. Trong bối cảnh ấy, ngay từ cuối năm 2023, Công ty cổ phần BV Land (mã BVL) xác định, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là tiêu thụ các sản phẩm đã hoàn thiện, đồng thời phát triển hai dự án là toà nhà hỗn hợp nhà ở, thương mại dịch vụ cao tầng BV Diamond Hill Thái Nguyên và Khu đô thị BV Bavella Green Park Bắc Giang.

Mới đây, BV Land công bố kế hoạch chào bán hơn 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm thu về hơn 200 tỷ đồng. Số tiền này Công ty dự kiến dùng 75,7 tỷ đồng để thi công dự án BV Bavella Green Park; 125 tỷ đồng còn lại để đầu tư mua cổ phần, nâng sở hữu tại Công ty cổ phần BV Invest (chủ đầu tư dự án BV Diamond Hill Thái Nguyên) lên 80,61%.

Thép cũng là ngành được kỳ vọng sẽ hồi phục trong năm 2024, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công. Từ những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp ngành thép đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời, giá thép cũng đang có dấu hiệu hồi phục.

Trong tháng 1, Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán HPG) đã sản xuất tổng cộng 693.000 tấn thép thô, tăng 7% so với tháng trước đó. Trong số này, sản lượng thép xây dựng và thép chất lượng cao của Hòa Phát đã đưa ra thị trường 363.000 tấn, sản lượng thép cuộn cán nóng Hòa Phát (HRC) trong tháng là 275.800 tấn… Năm nay, Hòa Phát sẽ tiếp tục điều tiết sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 theo tiến độ đã đề ra.

Tương tự, sản lượng toàn hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam (mã TVN) trong tháng 1 đạt 299.000 tấn, giảm 7% so với tháng trước đó, song vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 197.700 tấn, thép cuộn cán nguội đạt trên 67.900 tấn, tôn mạ 33.200 tấn. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt hơn 3 triệu tấn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 31.000 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.

TVN cho biết, Công ty sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường thép trong và ngoài nước để có kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm gạch ốp lát từ nhựa phục vụ thị trường xuất khẩu, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) có kế hoạch tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm. Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Pha Lê chia sẻ, xu hướng mới của các sản phẩm gạch ốp lát là phải “thông minh”, phải được phối hợp các lớp công nghệ để đem lại sản phẩm tốt nhất.

Năm nay, Nhựa Pha Lê sẽ đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ, ra mắt bộ sưu tập mới dành cho thị trường xuất khẩu, nên Công ty định hướng làm theo các tiêu chuẩn khách hàng nước ngoài. Công ty tiếp tục thâm nhập vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và một số thị trường khác. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ được hưởng những lợi thế về công nghệ sản phẩm đó.

Với định hướng đó, Nhựa Pha Lê đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 tối thiểu khoảng 2.500 tỷ đồng, còn lợi nhuận phụ thuộc vào diễn biến vật liệu cơ bản, chi phí vận chuyển, cước vận tải biển…

Không còn tâm lý nghỉ ngơi trong tháng Giêng, sự khẩn trương, chủ động bắt nhịp với thị trường từ các doanh nghiệp niêm yết đang tạo thêm niềm tin cho các cổ đông, nhà đầu tư, giúp thị trường chứng khoán thêm sôi động trong tháng đầu năm mới Giáp Thìn.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG)
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG)

Khi thấy thị trường có biến đổi từ giữa năm 2022, BCG đã thay đổi chiến lược từ mở rộng đầu tư sang phòng thủ và thực hiện đồng nhất chiến lược này trong năm 2023, khi liên tục giảm nợ vay, thu về các khoản đầu tư, tập trung danh mục đầu tư để đưa ra kết quả tốt nhất.

Cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp thua lỗ phải cắt giảm nhân công quyết liệt, song BCG vẫn giữ nguyên nguồn lực để khi thị trường thuận lợi sẽ mở rộng trở lại.

Bước sang năm 2024, BCG có nhiều yếu tố để kỳ vọng. Thứ nhất, trong mảng bất động sản, Chính phủ đang có động thái thay đổi quyết liệt, các chuyên gia dự đoán nửa cuối 2024 thị trường phục hồi mạnh mẽ.

Thứ hai, các chính sách triển khai quy hoạch Điện 8 và chính sách giá cho các dự án năng lượng tái tạo được thông qua. Theo đó, BCG tiếp tục đầu tư các dự án điện gió và sau hơn 1 năm tìm hiểu về thị trường, BCG quyết định đầu tư điện rác. Đây là bước tiến mới giải quyết vấn đề môi trường cấp bách, khi các tỉnh, thành phố có nhu cầu xử lý đốt rác, rác công nghiệp một cách triệt để. BCG bước vào mảng điện rác thông qua M&A, tiếp cận các dự án đã có giấy phép sẵn. Dự kiến, cuối năm 2025, Tập đoàn hoàn thành dự án đầu tiên và sẽ triển khai các dự án điện rác ở 4 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Trong mảng xây dựng, nắm bắt làn sóng đầu tư công, TCD đã tham gia các gói thầu về cơ sở hạ tầng để đạt hợp đồng mới, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, nâng cao nguồn thu để mở rộng về cơ sở hạ tầng. Ở mảng tài chính, Bảo hiểm AAA dự kiến doanh thu tăng trưởng hơn 150%, kỳ vọng doanh thu 2024 tăng gấp đôi năm 2023.

Trong mảng bất động sản, năm 2024, BCG tiếp tục triển khai Dự án Hội An D’or và Malibu Hội An, cuối tháng 3 đóng nắp tầng hầm dự án KCI, tháng 5 sẽ triển khai phần thân. Các dự án như Helios Village, Cát Trinh… sẽ được thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai khi thị trường thuận lợi. Cũng trong năm nay, BCG sẽ mở bán trở lại một số dự án như KCI và Malibu Hội An, tiếp tục bàn giao các sản phẩm của dự án Hội An D’or, Malibu Hội An nên kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng tốt so với 2023.

Năm 2024, BCG đáo hạn khoảng 300 tỷ đồng trái phiếu, không tạo áp lực đáng kể với Tập đoàn. Mặt khác, chi phí tài chính cũng sẽ giảm mạnh so với năm 2023 khi lãi suất giảm. BCG đang tiếp tục theo đuổi kế hoạch tăng vốn đã được đại hội cổ đông 2022 thông qua, với tỷ lệ phát hành 2:1, nhằm chuẩn bị vốn chủ sở hữu cho các dự án lớn dự kiến triển khai trong thời gian tới. Hồ sơ xin tăng vốn đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.

Quý I/2024, BCG ước đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG

Năm 2023, ngành dệt may trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài, do bị tác động bởi nhiều yếu tố. Ở đầu ra, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của lạm phát, đồng thời chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ xuất khẩu. Ở đầu vào, các doanh nghiệp ngành này chịu áp lực chi phí tăng cao: giá điện tăng 3% từ tháng 5/2023 và tăng tiếp kể từ đầu tháng 11/2023; tỷ giá tăng hơn 3% kể từ cuối quý II/2023; lãi suất ngân hàng ở mức cao trong 6 tháng đầu năm…

Năm 2023, TNG đạt 7.095 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỷ đồng. Năm nay, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 13% so với thực hiện năm 2022. Dù vậy, doanh nghiệp cũng không chủ quan trước những thuận lợi mới xuất hiện, mà nỗ lực đàm phán, tìm kiếm các đơn hàng có giá tốt.

Để đạt được mục tiêu 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của cả ngành, đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước bằng các chính sách kịp thời.

Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% đang triển khai rất chậm tại các ngân hàng thương mại. Hiệp hội Dệt may đã đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường. Hay giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để tránh lao động nhảy việc; giảm tỷ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa 1% và giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%.

Tin bài liên quan