Thị trường tài chính 24h: Cơ hội mới

Thị trường tài chính 24h: Cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index bay cao nhờ VIC; Ngân hàng Nhà nước nâng giá bán USD can thiệp khi tỷ giá tăng; Cơ hội mới trong bối cảnh mới; Tỷ giá bất ngờ "nóng", thị trường chứng khoán có ảnh hưởng?; Mất niềm tin, trái chủ Nam Land khởi kiện đòi nợ; JPMorgan tăng dự báo tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp thị trường mới nổi… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 16/8 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,95 – 67,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,2 xuống 1.901,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục nhẹ và lên trên 1.905 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,06 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.918 đồng/USD, tăng 37 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.785 – 24.125 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về dưới 29.300 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và về gần 29.160 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,10 USD (-0,12%), xuống 80,89 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,10 USD (-0,12%), xuống 84,79 USD/thùng.

VN-Index tăng thêm gần 10 điểm

Tâm điểm của phiên chính là nhóm nhà Vingroup khi Vinfast đã có phiên chào sàn Nasdaq của Mỹ rực rỡ và dòng tiền ồ ạt được tung vào giúp VIC sớm tăng trần.

Trong phiên chiều, áp lực chốt dù có phần gia tăng, VIC đứng vững và thêm cổ phiếu liên quan là VHM bật lên và sự trợ giúp khác từ một số cổ phiếu ngân hàng đã giúp VN-Index trở lại và tăng gần 10 điểm lên mức cao nhất ngày tại 1.243 điểm, mức cao mới của năm và là mức cao nhất kể từ 15/9/2022.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,14 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 75,89 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 16/8: VN-Index tăng 9,21 điểm (+0,75%), lên 1.243,26 điểm; HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,44%), lên 252,56 điểm; UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,2%), lên 93,67 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên ngày thứ Ba (15/8), sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ cao hơn dự kiến làm dấy lên lo ngại Fed có thể giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,7% trong tháng 7 so với dự báo tăng 0,4%, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh mẽ.

Sau dữ liệu, các nhà giao dịch đặt cược vào việc tạm dừng tăng lãi suất của Fed vào tháng tới vẫn giữ nguyên ở mức 89%, nhưng các nhà phân tích cho biết các nhà đầu tư lo lắng lãi suất có thể bị giữ mức hiện tại lâu hơn dự đoán.

Kết thúc phiên 15/8: Chỉ số Dow Jones giảm 361,24 điểm (-1,02%), xuống 34.946,39 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 51,86 điểm (-1,16%), xuống 4.437,86 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 157,28 điểm (-1,14%), xuống 13.613,05 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai tháng, khi triển vọng yếu kém của kinh tế của Trung Quốc đã đè nặng tâm lý thị trường, trong khi cổ phiếu ngân hàng trượt dốc sau báo cáo về khả năng hạ cấp tín nhiệm các ngân hàng lớn của Mỹ.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,46% xuống 31.776,82 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 8/3. Chỉ số Topix giảm 1,29% xuống 2.260,84 điểm.

"Những lo ngại đã gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu khi triển vọng của Trung Quốc rất mờ nhạt. Điều này đã tác động đến cổ phiếu Nhật Bản đúng vào thời điểm chúng tôi không thấy nhiều tín hiệu chuyển động thị trường trong nước", Shigetoshi Kamada, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Tachibana Securities, cho biết.

"Báo cáo về việc Fitch hạ bậc tín nhiệm đối với các ngân hàng Mỹ cũng đã làm tổn thương khẩu vị rủi ro của giới đầu tư", Kamada nói thêm.

Chỉ số theo dõi ngành ngân hàng theo đó mất 2,29% với Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 2,94%, Sumitomo Mitsui Financial Group mất 1,56% và Mizuho Financial Group giảm 2,12%.

Cổ phiếu lớn Fast Retailing mất 1,87% và trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225, theo sau là SoftBank Group giảm 3,13% và Tokyo Electron mất 1,14%.

Chỉ số phụ theo dõi ngành năng lượng giảm, với các nhà máy lọc dầu giảm 2,79%, trở thành chỉ số hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi dữ liệu kinh tế yếu và cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc khiến các nhà đầu tư tránh xa thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,82% xuống 3.150,13 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,73% xuống 3.818,33 điểm.

Giá nhà mới trong tháng 7 của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong năm nay, dữ liệu chính thức cho thấy hôm thứ Tư, khi các chính sách hõ trợ rời rạc không thể vực dậy lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, vốn chiếm khoảng một phần tư hoạt động kinh tế của nước này.

Dữ liệu khác vào thứ Ba cho thấy đầu tư bất động sản vào tháng 7 của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 17 liên tiếp.

Ngân hàng Barclays vào cuối ngày hôm nay tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc xuống còn 4,5%.

Vốn nước ngoài đã ghi nhận ngày thứ tám liên tiếp bán ròng. Các quỹ đầu cơ toàn cầu "tích cực" bán cổ phiếu Trung Quốc gần đây trong bối cảnh lo ngại gia tăng về lĩnh vực bất động sản của nước này và một loạt dữ liệu kinh tế yếu, một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy.

Chứng khoán Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tuần sau khi JPMorgan và Barclays cắt giảm dự báo tăng trưởng tại Trung Quốc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,28% xuống 18.342,77 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,43% xuống 6.275,69 điểm.

Một thước đo theo dõi chứng khoán Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đã giảm 1,5% và đã giảm từ đầu tháng này lên tới 9%, được xếp hạng là nhóm hoạt động tồi tệ nhất trong số các chỉ số chứng khoán toàn cầu, dữ liệu của Bloomberg cho thấy.

JPMorgan Chase đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc xuống 4,8%, giảm so với mức 6,4% hồi tháng 4, sau một loạt dữ liệu đáng thất vọng trong tuần này.

"Áp lực hiện đang chồng chất lên các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc để hành động sớm hơn, và theo một cách lớn hơn. Bài học chính của chúng tôi là rủi ro của việc vượt qua mục tiêu tăng trưởng 5% hiện đang tăng lên rõ rệt hơn”, Aninda Mitra, người đứng đầu chiến lược đầu tư và kinh tế vĩ mô châu Á tại BNY Mellon viết trong một lưu ý.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên lên phiên thứ tư liên tiếp, do lo ngại về việc thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc chậm chạp.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 45,23 điểm, tương đương 1,76% xuống 2.525,64 điểm

Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến trong tháng Bảy, dữ liệu cho thấy hôm thứ Ba, cho thấy nền kinh tế tiếp tục mở rộng và tăng khả năng Fed giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Trong khi đó, một loạt dữ liệu của Trung Quốc hôm thứ Ba nhấn mạnh áp lực gia tăng đối với nền kinh tế từ nhiều phía.

"Các chỉ số yếu ở Trung Quốc là tiêu cực, nhưng lợi suất trái phiếu Mỹ tăng thậm chí còn tiêu cực hơn, điều này đang khiến thị trường chứng khoán không còn hấp dẫn", Huh Jae-hwan, nhà phân tích tại Eugene Investment Securities, cho biết.

Kết thúc phiên 16/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 472,07 điểm (-1,46%), xuống 31.766,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 26,05 điểm (-0,82%), xuống 3.150,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 251,81 điểm (-1,36%), xuống 18.329,30 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 45,23 điểm (-1,76%), xuống 2.525,64 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng Nhà nước nâng giá bán USD can thiệp khi tỷ giá ngân hàng tăng

Ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch lên 25.025 đồng/USD, tăng 35 đồng so với ngày 14/8 (từ 24.990 đồng/USD)..>> Chi tiết

- Tỷ giá bất ngờ "nóng", thị trường chứng khoán có ảnh hưởng?

Kinh tế trưởng Chứng khoán MB cho rằng, tỷ giá tăng mạnh từ đầu tháng 8 và đặc biệt là trong ngày 15/8 không hẳn đến từ yếu tố cung cầu. Nếu tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng, nhiều khả năng TTCK sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh..>> Chi tiết

- Cơ hội mới trong bối cảnh mới

Xu hướng giảm lãi suất dự báo sẽ tiếp tục, cộng thêm kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp hồi phục trong nửa cuối năm là những yếu tố được giới chuyên gia cho rằng sẽ hỗ trợ đà tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán..>> Chi tiết

- Mất niềm tin, trái chủ Nam Land khởi kiện đòi nợ

Đại diện người sở hữu trái phiếu Nam Land (mã NALCH2124001) đã lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu về việc khởi kiện tổ chức phát hành đòi tài sản bảo đảm..>> Chi tiết

- JPMorgan tăng dự báo tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp thị trường mới nổi

Hôm thứ Ba (15/8), JPMorgan đã tăng dự báo tỷ lệ vỡ nợ trong năm 2023 của các doanh nghiệp có trái phiếu lợi suất cao (HY) tại thị trường mới nổi từ 6% lên 9,7% sau làn sóng nguy cơ vỡ nợ mới nhất trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc..>> Chi tiết

Tin bài liên quan