Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng.

Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng.

Tín dụng lại bi quan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không những không tìm được đà tăng trưởng, tín dụng trong tháng 7 lại phát đi tín hiệu bi quan.

Tín dụng khó giải ngân

Theo Công ty Chứng khoán SSI, cuối tháng 7/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 4,3% so với cuối năm 2022, trong khi mức tăng tính đến cuối tháng 6 là 4,7%.

Trước đó, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/6/2023 là 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so cùng kỳ. Còn tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng lên mức 4,7%, nhưng chưa bằng một nửa mức tăng 9,35% của cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, ông Tú chỉ ra rằng, do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn; nhu cầu đầu tư, tiêu dùng thấp; các doanh nghiệp đối mặt với tồn kho cao, không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp FDI; thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và có những vướng mắc cả ở dự án thương mại lẫn nhà ở xã hội...

Hiện tại, có khoảng 60 - 70% doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội bị sụt giảm doanh thu. Vì vậy, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất, nhưng doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn. Mặt khác, sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi, không đủ đáp ứng điều kiện về tín dụng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022 và tăng 7,1% so với cùng kỳ. Còn so với mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 là 9,3% thì mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay chỉ bằng một phần ba.

Theo các chuyên gia phân tích lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 14%, thay vì khoảng 14 - 15% như mục tiêu đề ra từ đầu năm là do kết quả và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến, dù các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất. Tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt hơn 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó khăn…

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay có khả năng đạt khoảng 12 - 13%.

Các nhà phân tích của HSBC cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng và thương mại, đây là một khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng giảm kể từ tháng 11/2022 và vẫn chưa có dấu hiệu chạm đáy. Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng hạ lãi suất điều hành, giúp giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ.

Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, thị trường và các tổ chức phân tích kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ thêm 0,5% lãi suất, đưa lãi suất tái cấp vốn xuống 4%/năm trong quý III/2023, tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất mạnh hơn, qua đó kích cầu tín dụng. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất hiện giảm so với đầu năm 2023, song các ngân hàng vẫn khó có thể đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu ra của doanh nghiệp còn yếu.

Cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khó có thể đạt được.

Trong bối cảnh tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 tăng thấp, ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khi giao hạn mức tăng trưởng mới cho các tổ chức tín dụng, với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% (dự kiến sẽ có thêm hơn 1,1 triệu tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế), thay vì mục tiêu định hướng từ đầu năm 2023 là tăng khoảng 14 - 15%. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai gói cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, gói cho vay ưu đãi doanh nghiệp thuỷ hải sản 15.000 tỷ đồng, bên cạnh cơ chế cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Tuy vậy, tiến độ giải ngân các gói cho vay ưu đãi rất chậm so với kỳ vọng. Sau 3 tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới có khoảng 95 tỷ đồng được giải ngân và 950 tỷ đồng cam kết cho vay.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, để kích cầu tín dụng cũng như hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như các chính sách vĩ mô khác, đồng thời đánh giá đúng thực trạng doanh nghiệp để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc.

Với chính sách tiền tệ, ngoài việc cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, triển khai các gói tín dụng ưu đãi, cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay, đồng thời đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải linh hoạt hơn, không hạ chuẩn điều kiện tín dụng như là một giải pháp tăng khả năng tiếp cận.

Với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế giá trị gia tăng, các chính sách giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế giá trị gia tăng của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công (giá trị giải ngân tính đến cuối tháng 7 đạt 35,49% kế hoạch năm 2023).

Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện giảm về quanh ngưỡng 6%/năm, kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay, qua đó kích thích nhu cầu vay vốn.

TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng, nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023.

Về tác động của kích cầu tiêu dùng nội địa, các chuyên gia ước tính, nếu tiêu dùng thực tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm phần trăm.

Liên quan đến thị trường tài chính, theo các chuyên gia, cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, có giải pháp thúc đẩy phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, xây dựng lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.

Đối với thị trường bất động sản, số liệu từ Công ty Chứng khoán An Bình cho thấy, tính đến 3/8/2023, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án; Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án; nhiều địa phương khác đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản.

Tin bài liên quan