Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền vẫn có dấu hiệu thận trọng nên “lướt” nhanh

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền vẫn có dấu hiệu thận trọng nên “lướt” nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index tăng hơn 13 điểm; Cần kịch bản riêng cho lãi suất; Tháng 5 khác biệt; Thị trường lình xình chờ tin mới; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thành công trong việc kiềm chế lạm phát?...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/5 giảm 100.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 32,7 USD xuống 2.017,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục và lên gần 2.025 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,14 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.618 đồng/USD, giảm 4 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.290 – 23.630 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 29.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã đảo chiều giảm khá mạnh và về gần 27.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,49 USD (+2,09%), lên 72,83 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,42 USD (+1,89%), lên 76,72 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.050 điểm

Lực cầu mạnh dạn từ sớm đã giúp VN-Index tạm dừng phiên sáng ở vùng giá cao nhất khi áp sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.050 điểm.

Bước sang phiên chiều, chỉ số vẫn giằng co và lên xuống trong biên độ hẹp ở mốc 1.050 điểm và đã bứt lên được mốc điểm này với thanh khoản lên gần mức 11.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 655 triệu đơn vị, là mức cao nhất trong hơn nửa tháng qua.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 41.680 đơn vị, tổng giá trị là bán ròng 176,57 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 8/5: VN-Index tăng 13,13 điểm (+1,26%), lên 1.053,44 điểm; HNX-Index tăng 3,12 điểm (+1,5%,) lên 210,92 điểm; UPCoM-Index tăng 0,82 điểm (+1,05%), lên 78,38 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall bật tăng trong phiên thứ Sáu (5/5), khi cổ phiếu các ngân hàng hồi phục và cổ phiếu Apple khởi sắc sau báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo.

Đà hồi phục của các cổ phiếu ngân hàng được thúc đẩy bởi một lưu ý từ JPMorgan, ngân hàng này đã nâng hạng Western Alliance, Zions Bancorp và Comerica lên mức “overweight”.

Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng 6%. Cổ phiếu PacWest, vốn giảm mạnh trong tuần này do có tin ngân hàng đang xem xét các lựa chọn chiến lược bao gồm bán đi đã tăng gần 82%, cổ phiếu Western Alliance vọt hơn 49,2%.

Cổ phiếu Apple tăng gần 5%, sau khi công bố doanh thu và lợi nhuận vượt trội trong quý II, chủ yếu nhờ doanh số bán iPhone.

Trong tuần, Dow Jones giảm 1,24%, S&P 500 mất 0,8% và Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,07%.

Kết thúc phiên 5/5, chỉ số Dow Jones tăng 546,64 điểm (+1,65%), lên 33.674,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 75,03 điểm (+1,85%), lên 4.136,25 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 269,01 điểm (+2,25%), lên 12.235,41 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ, do sức ép từ đồng yên mạnh lên so với đồng USD và những lo ngại xung quanh lĩnh vực ngân hàng Mỹ vẫn tồn tại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,71% xuống 28.949,88 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,21% xuống 2.071,21 điểm.

"Thị trường giảm hôm nay một phần do đồng yên mạnh lên so với đồng USD, nhưng tâm lý nhà đầu tư cũng yếu đi với những lo lắng kéo dài về ngành ngân hàng ở Mỹ”, Jun Morita, tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Phiên này, cổ phiếu các nhà khai thác dầu mất 1,71% và là nhóm hoạt động kém nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, tiếp theo là các ngân hàng, giảm 1,27%.

Cổ phiếu Fast Retailing Co Ltd của Uniqlo giảm 3,13%, trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nikkei 225.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi các ngân hàng với nhóm ngân hàng nhà nước dẫn đầu, do hy vọng rằng sự phục hồi trong tiêu thụ dịch vụ của nước này sẽ có lợi cho các ngành này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,81% lên 3.395,00 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,14% lên 4.062,66 điểm.

"Các ngân hàng và cổ phiếu bảo hiểm Trung Quốc đã củng cố các chỉ số, khi các nhà đầu tư đang đặt hy vọng rằng sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc sẽ có lợi cho lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay", Kenny Ng, chiến lược gia tại China Everbright Securities International cho biết.

Các ngân hàng quốc doanh niêm yết tại Thượng Hải như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc lần lượt tăng 6,21% và 7,46%.

Diễn biến mạnh mẽ diễn ra sau khi các ngân hàng cho vay cỡ vừa là China Bohai Bank, China Zheshang Bank và Hengfeng Bank hôm thứ Sáu đã giảm lãi suất đối với một số khoản tiền gửi 0,1% và 0,3%.

Cổ phiếu các công ty tài chính nhà nước chiếm 15-20% tỷ trọng chỉ số Shanghai Composite và CSI300, theo báo cáo của Bank of America được công bố vào tuần trước.

Chứng khoán Hồng Kông cũng nhích lên nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 12,4% lên 20.297,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,47% lên 6.897,68 điểm.

Cổ phiếu HSBC tăng 1,8%, mức tăng cao nhất trong hai tháng. Công ty bảo hiểm AIA cũng đóng góp vào mức tăng của Hang Seng, tăng 3%.

Chỉ số dầu khí tăng 4,98% với cổ phiếu China Petroleum &; Chemical tăng 5,91%, mức cao nhất trong bốn năm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng theo chân đà tăng hôm thứ Sáu trên Phố Wall, nhưng đà tăng bị chặn lại do sự thận trọng trước khi công bố dữ liệu lạm phát và tín dụng ngân hàng của Mỹ vào cuối tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 12,27 điểm, tương đương 0,49% lên 2.513,21 điểm.

Phiên này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,23% và SK Hynix đi ngang, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,06%.

Kết thúc phiên 8/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 208,07 điểm (-0,71%), xuống 28.949,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 60,50 điểm (+1,81%), lên 3.395,00 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 247,72 điểm (+1,24%), lên 20.297,03 điểm Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 12,27 điểm (+0,49%), lên 2.513,21 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cần kịch bản riêng cho lãi suất

Không ít doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhưng vấn đề hạ lãi suất lại tiếp tục được đặt ra..>> Chi tiết

- Tháng 5 khác biệt

“Bán tháng Năm và đi chơi”, câu nói kinh điển này có thể vẫn đúng trong năm nay, nhưng nhà đầu tư cũng nên mua vé khứ hồi..>> Chi tiết

- Thị trường lình xình chờ tin mới

Trong 3 tháng qua, VN-Index dao động trong vùng 1.030 - 1.080 điểm. Chỉ số đang tiệm cận ngưỡng hỗ trợ, nhưng dòng tiền vẫn có dấu hiệu thận trọng nên “lướt” nhanh..>> Chi tiết

- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thành công trong việc kiềm chế lạm phát?

Những lo ngại về lạm phát đang lan rộng ở Phố Wall, khi nhà đầu tư chờ đợi các dữ liệu có thể làm sáng tỏ việc Fed có thành công trong kiềm chế lạm phát mà không ảnh hưởng xấu tăng trưởng kinh tế?..>> Chi tiết

Tin bài liên quan